Nông nghiệp Mỹ bị biến đổi khí hậu tàn phá
The Guardian cho biết nông dân và ngư dân Mỹ đang nhận thấy những tác động bất ngờ của biến đổi khí hậu.
Tuần này, nông dân khắp vùng trung tây nước Mỹ phải chuẩn bị ứng phó với nhiệt độ lên đến 46 độ C. Sau một vụ mùa đầy khó khăn với hạn hán lẫn mưa lớn trái mùa, nhiều nông dân lo lắng nắng nóng cực đoan sẽ thiêu rụi hoặc làm còi cọc cây trồng.
Mùa hè năm nay vô cùng khắc nghiệt. NASA xác định tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ bề mặt nước biển ngoài khơi Florida tăng lên hơn 38 độ C khiến san hô bị tẩy trắng. Cư dân thành phố Phoenix (bang Arizona) hứng chịu 31 ngày nóng trên 43 độ C liên tiếp. Ngay cả động vật dành phần lớn thời gian trên trời như chim cũng phải vất vả tìm cách làm mát giữa cái nóng oi ả.
Hệ thống lương thực thực phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nông dân Texas ghi nhận sản lượng giảm do ngô (bắp) và bông không chịu được nắng nóng. Người nuôi ong Arizona phát hiện ong mật chết bên ngoài tổ. Người trồng tảo bẹ ngoài khơi Long Island cũng chịu thêm một vụ mùa giảm sản lượng nữa.
Cách thức nắng nóng cực đoan tác động hệ thống lương thực thực phẩm là không thể đoán trước, không phải mùa vụ nào cũng bị thiệt hại và ảnh hưởng ở từng khu vực khác nhau. Các mô hình khoa học trước đây đều không thể dự đoán đúng quy mô nắng nóng thời gian gần đây.
Theo giáo sư Erin Coughlan de Pere (Đại học Tufts): “Thật sự có vấn đề nếu chúng ta sử dụng thảm họa trong quá khứ làm cơ sở lập kế hoạch cho tương lai. Tương lai sẽ không giống như quá khứ”.
Trên bờ
Nhiệt độ cao có thể khiến nhiều loại cây trồng căng thẳng, dẫn đến quá trình phát triển và tạo hạt (sau đó là kết trái) bị gián đoạn. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature tháng 6 cảnh báo nắng nóng cực đoan có thể ảnh hưởng đến năng suất lúa mì ở Mỹ và Trung Quốc nhiều hơn trước đây.
Coughlan de Perez - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết nắng nóng cực đoan thường xảy ra mỗi 100 năm tại Mỹ giờ đây lại xảy ra mỗi 6 năm. Ở điều kiện nhiệt độ cao hơn 27,8 độ C, lúa mì sẽ quang hợp chậm hơn, nhiệt độ trên 32,8 độ C thì enzyme trong cây bắt đầu bị phá vỡ.
Tại Texas và khắp vùng Trung Tây, nắng nóng cực đoan đe dọa ngô, bông, cao lương, đậu nành - những cây trồng chỉ được cứu nhờ mưa lớn vào cuối mùa vụ. Khi khí hậu biến đổi, nông dân tìm cách trồng hoặc thu hoạch sớm để tận dụng nhiệt độ ôn hòa hơn.
Một số sáng kiến thử nghiệm lại đang phát triển cây trồng chịu nhiệt tốt hơn hoặc trồng loại cây lâu nay không được ăn nhiều. Chẳng hạn Trung tâm Lúa mì và Lúa gạo chịu nhiệt nghiên cứu gien giúp cây lúa chịu được nhiệt độ cao, còn thành viên Mạng lưới Trang trại thử nghiệm thì trồng nhiều loại cây mới để xem loại nào có thể phát triển tốt nhất trong điều kiện khí hậu đang thay đổi.
Không chỉ cây trồng mà cả vật nuôi cũng chịu ảnh hưởng. Cuối tháng 8, đợt nắng nóng ở bang Nebraska giết chết 22 gia súc và chủ trang trại trên địa bàn bang Oklahoma phải cho gia súc uống gấp đôi lượng nước. Cho dù không tử vong, gia súc bị căng thẳng vì nhiệt độ nắng nóng cũng suy giảm năng suất lẫn khả năng sinh sản.
Dưới biển
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) xác định biển hấp thụ đến 90% lượng nhiệt dư thừa vì tình trạng nóng lên toàn cầu - có nghĩa nắng nóng cực đoan trên bờ cũng xảy ra dưới biển.
Theo nhà nghiên cứu NOAA Andrew Thompson: “Câu hỏi không còn là có nắng nóng dưới biển hay không, mà là nắng nóng ở gần bờ đến mức nào”.
Khi nắng nóng ở quá gần bờ - như từng xảy ra ở phía tây nước Mỹ giai đoạn 2013 - 2016, cua, mực, cá hồi và nhiều thủy sản khác bắt đầu bị ảnh hưởng.
Giống như trên bờ, tác động của nhiệt độ cao dưới biển cũng không rõ ràng.
Đợt nắng nóng 2013 - 2016 ghi nhận: cá tuyết, bào ngư, cá hồi Chinook và cua Dungeness chịu ảnh hưởng nhưng hoạt động khai thác mực, tôm cùng cá ngừ vây xanh lại tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Nắng nóng gây ra tình trạng tảo độc nở hoa khiến ngư trường cua Dungeness ở California phải đóng cửa, tuy nhiên nó lại làm tăng phạm vi sinh sống của mực lá, qua đó đem lại cơ hội đánh bắt mới ở Oregon và Alaska.
Tác động gián tiếp
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Jenna Walters (Đại học bang Michigan) lưu ý rằng cần xem xét cả tác động gián tiếp của nắng nóng: cây trồng thay đổi ảnh hưởng ra sao đến loài thụ phấn.
Ong thụ phấn cho khoảng 100 loại hạt, trái cây và rau quả được tiêu thụ rộng rãi. Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng quá trình hình thành ống phấn hoa, làm giảm giá trị dinh dưỡng của hoa mà ong thụ phấn cho. Thiếu dưỡng chất khiến ong không phát triển bình thường, thậm chí chết trước lúc trưởng thành.
Mùa hè này, bang Arizona ghi nhận số ong mật chết bên ngoài tổ ngày càng tăng. Giới khoa học lo lắng chúng sẽ chết khi nhiệt độ tăng hoặc tập trung vào việc làm mát hơn là thụ phấn cho thực vật.
Bà Walters cho biết, trong khi loài có tính xã hội như ong mật hay ong vò vẽ phát triển tập tính đập cách vào nhau giúp thông gió cho tổ, ong đơn độc (chiếm đại đa số ong trên thế giới) không có tính xã hội nên không sở hữu tập tính tương tự. Hơn nữa, chúng không quan tâm đến ấu trùng sau khi đẻ trứng nên con non đặc biệt dễ bị tổn thương trước cái nóng khắc nghiệt.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nong-nghiep-my-bi-bien-doi-khi-hau-tan-pha-205131.html