Nông nghiệp 'nở hoa' trong vùng dân tộc thiểu số ở Giồng Riềng

Giồng Riềng đang là một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số nhanh nhất ở Kiên Giang. Để có được thành công này, hàng loạt chính sách đã được huyện triển khai, trong đó có đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ đầu tháng 4/2023, cánh đồng lớn của HTX Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng vào chính vụ lúa hữu cơ. Vụ này, các thành viên và nông dân liên kết với HTX đều phấn khởi bởi lúa chắc hạt, năng suất cao và giá bán tăng hơn vụ đông xuân năm trước.

Hiệu quả từ mô hình mới

Đáng chú ý, sau vụ đông xuân 2022-2023 bội thu, các thành viên HTX Thuận Lợi không cấy vụ tiếp theo như trước đây mà cải tạo ruộng triển khai mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm thích ứng với mùa nước lũ.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thuận Lợi, chia sẻ HTX chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” với diện tích 256 ha, được huyện hỗ trợ trên 400 kg cá giống.

Từ khi tham gia mô hình, ruộng lúa của HTX được vệ sinh tháo chua, rửa phèn. Sau khi nước rút, các thành viên trong HTX thu được lợi nhuận đáng kể từ nguồn cá đồng và nhất là lớp phù sa bồi đắp cho ruộng lúa, giúp cho vụ lúa tiếp theo không cần phải bón phân nhiều, lúa vẫn phát triển tốt.

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân Giồng Riềng ăn nên làm ra.

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân Giồng Riềng ăn nên làm ra.

Hoạt động hiệu quả của HTX trở thành điểm tựa cho nhiều nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ngọc Thuận vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Anh Nguyễn Thum, người dân tộc Khmer, xã Ngọc Thuận, chia sẻ so với vụ đông xuân năm trước, vụ đông xuân năm 2022-2023, năng suất lúa tăng gần 1 tấn/ha, giá bán tăng gần 1.000 đồng/kg, lợi nhuận theo đó tăng gần gấp đôi, do chi phí sản xuất giảm.

“Giờ chúng tôi chỉ trồng 2 vụ lúa, vụ thứ 3 chuyển sang nuôi cá, hiệu quả rất cao. 2 năm qua, mỗi năm tôi thu về từ 30 – 40 triệu đồng từ nuôi cá, cộng với lợi nhuận từ 2 vụ lúa, mỗi năm lời trên dưới 200 triệu đồng”, anh Thum phấn khởi nói.

Theo tìm hiểu, mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” được huyện Giồng Riềng triển khai thực hiện trên diện tích 500ha, tại 19 xã, thị trấn. Tổng số tiền hỗ trợ cá giống, thức ăn gần 700 triệu đồng, các hộ nuôi còn được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Thúc đẩy chuỗi liên kết

Giồng Riềng là huyện thuần nông, nằm ở vùng Tây Sông Hậu của tỉnh Kiên Giang, có dân số hơn 228.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 16,75%.

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... đời sống người nông dân, đặc biệt là người nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện.

Đáng chú ý, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, trong đó có thúc đẩy vai trò của HTX, tổ hợp tác, quá đó hình thành chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.

Cuối năm 2022, sau khi kiện toàn, sáp nhập một số đơn vị thành viên, HTX nông nghiệp Thạnh Tiến có 134 thành viên, với 198 ha đất sản xuất. Ngành, nghề sản xuất chính của HTX gồm bơm tát, cung ứng nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho thành viên.

Vụ lúa đông xuân 2022-2023, HTX nông nghiệp Thạnh Tiến đã ký được hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Tâm Lang tiêu thụ lúa với giá sàn từ 6.200-7.200 đồng/kg, nếu giá thị trường tăng, doanh nghiệp mua tăng theo, nên thành viên ai nấy đều phấn khởi.

Tương tự, sự đồng hành của HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, từ nhỏ lẻ manh mún sang liên kết, chú trọng khoa học công nghệ.

Giám đốc Nguyễn Minh Vạn cho hay, HTX Tân Thuận Phát được thành lập năm 2013, đang thu hút 119 thành viên, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số, sản xuất trên tổng diện tích 206 ha. HTX hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt, với các loại cây chủ lực gồm lúa, tiêu, rau màu… theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Hiện, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đang là điểm nhấn trong hoạt động của HTX Tân Thuận Phát. Với tổng diện tích trên 100ha, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Các HTX đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số huyện Giồng Riềng.

Các HTX đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số huyện Giồng Riềng.

Ngoài ra, thành viên HTX Tân Thuận Phát còn góp vốn chung để ký hợp đồng với doanh nghiệp để mua phân bón, vật tư nông nghiệp số lượng lớn, giá rẻ hơn mua bên ngoài 10-20%, hoàn toàn không phải lo về chất lượng.

Nhờ sản xuất khoa học, mô hình trồng lúa trên cánh đồng lớn của HTX đảm bảo năng suất 7 - 9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện, toàn huyện Giồng Riềng có 97 HTX, tổng vốn điều lệ gần 11 tỷ đồng, với 9.412 thành viên, tạo việc làm cho 1.210 lao động. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của HTX, huyện chủ động đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các HTX nhỏ liên kết, sáp nhập để tăng quy mô, khả năng cạnh tranh, gia tăng lợi ích cho thành viên, người lao động.

Đưa chính sách vào thực tế

Bên cạnh thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác trong liên kết chuỗi với doanh nghiệp, việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đời sống người dân trên địa bàn huyện Giồng Riềng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn dưới 1% dân số toàn huyện.

Theo đại diện UBND huyện Giồng Riềng, để có được những kết quả hiện tại, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực, sáng tạo của người dân, thì sự đồng hành của Huyện ủy, UBND huyện, ban ngành chuyên môn các cấp đóng vai trò quyết định.

Thời gian qua, huyện đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, kế hoạch của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện cũng đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, kế hoạch để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, từ đó đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên. 3 xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh và Bàn Thạch đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách dân tộc, huyện sẽ tích cực phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ người dân liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, huyện tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phối hợp các ngành, các địa phương nắm chặt tình hình an ninh chính trị, tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, để kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nong-nghiep-no-hoa-trong-vung-dan-toc-thieu-so-o-giong-rieng-1092755.html