Nông nghiệp số - chuyến tàu không thể bỏ lỡ
BÀI 2
LỐI ĐI RIÊNG CHO KINH TẾ TẬP THỂ
BPO - Nhờ ứng dụng chuyển đổi số khâu thương mại cùng phương châm đưa nông sản từ sản xuất đến bàn ăn, đồng hành và chia sẻ, Hợp tác xã (HTX) thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước (gọi tắt HTX Bom Bo) ở TP. Đồng Xoài đã tìm ra lối đi riêng.
ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU XU THẾ
Trước thực trạng của nền kinh tế thị trường đòi hỏi các HTX ngoài làm tốt vai trò sản xuất, việc tìm lối ra cho nông sản rất quan trọng. Tuy nhiên, do các HTX quá chú tâm vào khâu sản xuất, năng lực quản lý, điều hành, tiếp thị, truyền thông của HTX bị giới hạn. Từ đó, các mặt hàng nông sản phụ thuộc vào thương lái.
Nắm bắt nhu cầu cấp thiết của các HTX, với mục tiêu giải bài toán tiêu thụ nông sản, HTX Bom Bo ra đời năm 2022 với 16 thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 19 tỷ đồng. Bên cạnh xây dựng khu trưng bày khang trang, hiện đại ngay trung tâm TP. Đồng Xoài để trực tiếp cung ứng, quảng bá nông sản cho các HTX tại địa phương, HTX Bom Bo còn vận dụng linh hoạt để đi tắt, đón đầu trong chuyển đổi số và thương mại sản phẩm.
Đi thăm khu trưng bày các sản phẩm của HTX Bom Bo, chúng tôi ấn tượng về sự dồi dào, đa dạng hóa sản phẩm từ trái cây tươi, trái cây lạnh đến các sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến được bài trí ngăn nắp, khoa học. Cầm trên tay sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, một HTX hoạt động trong sản xuất, kinh doanh tiêu sạch tại địa phương, ông Nghiệp Quốc Vương, Giám đốc HTX Bom Bo cho biết, song song với bán hàng trực tiếp, HTX còn xây dựng fanpage để bán hàng trực tuyến bằng hình thức livestream.
Đặc biệt, HTX Bom Bo còn tập hợp các HTX tiêu biểu trên địa bàn để tổ chức phiên chợ HTX nông sản online. Đồng thời, đưa những mặt hàng chủ lực của HTX đối tác lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; từng bước quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, hội nhập sâu rộng vào thị trường, giải bài toán tiêu thụ, nâng cao giá trị mặt hàng nông sản.
Ông Nghiệp Quốc Vương cho biết thêm, HTX đã áp dụng hoàn toàn phương pháp quản lý bán hàng bằng phần mềm, giúp quản lý nội bộ từ việc nhập - xuất kho đến bán hàng, hạn chế tình trạng thất thoát, sai lệch hàng hóa. Cùng với đó là tận dụng kênh tiếp thị điện tử, marketing, bán hàng online trên nền tảng các sàn thương mại điện tử, trang web, mạng xã hội, thanh toán điện tử…
Nhờ chuyển đổi số, hiện nay thông qua một vài “cú chạm” trên điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay, người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu đều có thể mua được hàng hóa mà không cần dùng tiền mặt, vừa nhanh vừa giảm chi phí. Dù mới được khai thác nhưng số lượng khách hàng cũng như các HTX bạn đến với HTX Bom Bo ngày một nhiều, cho thấy con đường phát triển của HTX đã đi đúng hướng.
Tuy nhiên, ông Vương cũng thừa nhận con đường chuyển đổi số của HTX nói riêng, kinh tế tập thể của tỉnh nói chung còn nhiều trở ngại. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại, nguồn vốn còn hạn hẹp; chất lượng nhân lực thiếu và yếu. Đây thực sự là rào cản lớn khi phát triển kinh tế tập thể theo hướng chuyển đổi số.
MUỐN ĐI XA PHẢI ĐI CÙNG NHAU
Sau khi định vị được thị trường, với phương châm đưa nông sản từ sản xuất đến bàn ăn, đồng hành và chia sẻ, HTX Bom Bo còn đẩy mạnh bắt tay liên kết với các HTX bạn từng bước xây dựng uy tín và tăng giá trị cho sản phẩm.
Theo đó, ngoài lĩnh vực dịch vụ, thương mại, HTX Bom Bo còn chủ động tư vấn các HTX đối tác xây dựng quy trình sản xuất nông sản sạch, bền vững, viết hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, vật tư từ phân bón hữu cơ đến trang thiết bị tưới… vào tận vườn, rẫy. Đồng thời ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, hình thành chuỗi liên kết bền vững, khép kín từ sản xuất đến bàn ăn, giải bài toán ùn ứ nông sản, nâng cao thu nhập.
Những ngày này, người dân xã Lộc Khánh, huyện biên giới Lộc Ninh vừa thu hoạch xong vụ lúa với giống ST24. Đây là mô hình liên kết trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ giữa HTX Bom Bo với HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh.
Gia đình anh Lâm Nghé ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh trồng lúa hơn 10 năm, nhưng chưa năm nào cảm thấy phấn khởi như năm nay. Vụ này, gia đình anh Lâm Nghé trồng thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST24 trên cánh đồng hơn 1 ha. Theo anh Lâm Nghé, đây là giống lúa được HTX Bom Bo hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón và sản phẩm làm ra thu mua trực tiếp tại ruộng cao hơn 20% so với các giống lúa truyền thống trồng trước đây.
“Tôi cũng như người dân ở đây thường trồng lúa bằng giống địa phương nên giá thu mua thấp. Sau vụ đầu trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ, người dân thấy rõ sự khác biệt từ năng suất đến giá cả. Mùa vụ đầu tiên, tôi thu được hơn 5 tấn lúa tươi từ 1,1 ha. Giá HTX thu mua trực tiếp tại ruộng là 7.150 đồng/kg, cao hơn gần 2.000 đồng so với các giống lúa khác tại địa phương” - anh Lâm Nghé chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh cho biết, với mô hình trồng giống lúa mới, kỹ thuật không đòi hỏi quá khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Phân bón cũng giảm, người dân có thể tận dụng nguồn phân chuồng gia súc, từ đó giảm giá thành trong khi giá bán lúa tăng lên. Địa phương xác định đây là hướng đi đúng của người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trồng thử nghiệm, toàn xã gieo trồng được hơn 10 ha. Một số hộ đang thu hoạch, năng suất dự kiến không dưới 6 tấn/ha. Đây là một trong những thành công mà mô hình mang lại cho người dân và hướng tới xã sẽ nhân rộng lên ít nhất 60 ha.
Giám đốc HTX Bom Bo Nghiệp Quốc Vương cho biết, HTX cam kết thu mua lúa của các nông hộ đã trồng, đã đồng hành, đăng ký và hợp tác với HTX. HTX muốn liên kết lâu dài với HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh như mở rộng diện tích, chung sức với nông dân phát triển ngành lúa tại địa phương.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh đánh giá, qua thực tế canh tác và kết quả mùa vụ cũng như phân tích, đánh giá của lãnh đạo huyện, mô hình canh tác lúa ST24 hữu cơ và theo hướng hữu cơ tại xã Lộc Khánh đã đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, kết quả nổi bật thể hiện trên 3 mặt: hiệu quả về kinh tế, xã hội, tác động tích cực đến môi trường. Cụ thể, người dân đã làm theo mô hình, biết tiếp thu, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây lúa, đầu ra được bao tiêu ổn định với giá cao.
Bình Phước hiện có 226 HTX đang hoạt động, trong đó 196 HTX nông nghiệp. Hiện có 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Không chỉ tiêu thụ các mặt hàng nông sản tươi, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến, đóng gói đạt chứng nhận OCOP mà HTX Bom Bo còn giúp HTX các tỉnh, thành trong khu vực có nguyện vọng hợp tác. Mặc dù mới hoạt động hơn 1 năm, tuy còn một số khó khăn nhưng HTX Bom Bo đã nhận được sự hợp tác của hàng chục HTX trong và ngoài địa phương.
“Thời gian tới, HTX Bom Bo hướng tới nhóm khách hàng mua sỉ như siêu thị, cửa hàng thực phẩm... và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đàm phán giá trực tiếp với các đối tác để đem lại nhiều lợi ích nhất cho HTX và thành viên chuỗi liên kết. Các HTX, người nông dân, thậm chí doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn theo quy định của các thị trường đều có thể đưa sản phẩm đến HTX Bom Bo để trưng bày, tìm kiếm khách hàng, cùng nhau phát triển” - ông Vương thông tin thêm.