Nông nghiệp Sơn La một chặng đường đổi mới phát triển

Năm 2015, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là trên 39.000ha chủ yếu là các giống địa phương, sản lượng và chất lượng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nắm được xu thế phát triển của thị trường tỉnh Sơn La đã tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Qua 5 năm triển khai, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Nếu như năm 2015, ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La chỉ sản xuất theo hướng truyền thống, giá cả bấp bênh, người dân chỉ làm nông nghiệp thì không đủ chi phí cho cuộc sống sinh hoạt, người tiêu dùng thì mơ hồ, nhiều khu vực còn chưa hề biết đến các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La.

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã đưa ra những giải pháp chiến lược trong việc chuyển đổi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp Sơn La tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp phải sạch và an toàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm vùng trồng cây ăn quả tại huyện Yên Châu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm vùng trồng cây ăn quả tại huyện Yên Châu

Đến hết tháng 9/2019, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt 31.896 ha. Trong đó, chuyển từ đất trồng lúa nương 723 ha, đất trồng ngô 29.842 ha, đất trồng sắn 716 ha, đất trồng cà phê 615 ha sang trồng cây ăn quả. Ước đến năm 2020 tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 78.196 ha, tăng 193% so với năm 2016, đạt 356% mục tiêu kế hoạch; sản lượng quả ước đạt 258.740 tấn, tăng 119% so với năm 2016, đạt 163% mục tiêu kế hoạch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 199 hợp tác xã trồng cây ăn quả, diện tích 5.280 ha; đã hỗ trợ xây dựng 39 chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn với diện tích 807 ha tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Thuận Châu; đang xây dựng 35 dự án cấp huyện, 04 dự án cấp tỉnh phát triển chuỗi giá trị sản phẩm quả gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao được tập trung chỉ đạo có hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 107 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông sản cho 496 ha cây trồng; 42 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình áp dụng nhà lưới, nhà màng, nhà kính trong sản xuất nông sản cho 50,29 ha. Diện tích cây ăn quả ghép cải tạo bằng các giống mới, chất lượng cao là 12.672 ha, trong đó diện tích ghép cây Xoài: 3.967 ha; Nhãn: 7.623 ha; Bơ 583 ha; Cam 364 ha; Bưởi 432 ha; cây ăn quả khác 72 ha. Đã có 70 doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code bằng Tiếng Việt, Tiến Anh và Tiếng Trung Quốc.

Các sản phẩm được trưng bày tại Lễ hội na Mai Sơn

Các sản phẩm được trưng bày tại Lễ hội na Mai Sơn

Trên địa bàn tỉnh Sơn La diện tích cây trồng áp dụng VietGAP hoặc GAP khác hoặc các tiêu chuẩn khác: 9.962 ha. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh sẽ xây dựng và hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất rau an toàn Mộc Châu-Vân Hồ; vùng chè Mộc Châu-Vân Hồ; vùng sản xuất hoa Mộc Châu-Vân Hồ. Trong đó 02 vùng trở lên đủ điều kiện được cấp có thẩm quyền công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 02 doanh nghiệp trở lên được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện toàn tỉnh có 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; có 18 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu gồm: Chè shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, chè Ô Long Mộc Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, rau an toàn Mộc Châu, cà phê Sơn La, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, táo sơn tra Sơn La, nếp tan Mường Và, chè Phỏng Lái Thuận Châu, khoai sọ Thuận Châu, chuối Yên Châu, mật ong Sơn La, cá sông Đà Sơn La, cá tầm Sơn La. Sản phẩm chè Shan Tuyết đã được bảo hộ thành công tại Thái Lan, đây là sản phâm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được bảo hộ tại thị trường nước ngoài.

Từ một tỉnh không có sản phẩm nông sản tham gia xuất khẩu thì tới năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD sang thị trường 12 nước, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, UAE…

Xoài là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La

Xoài là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La năm 2017, sau 2 năm, khi tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2015-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương lãnh đạo, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là những kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với đầu ra cho sản phẩm, tỉnh Sơn La phải nhân rộng mô hình trồng cây trên đất dốc, phát triển cây dược liệu tránh tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá. Trong chủ trương của tỉnh phải quan tâm đến các xã vùng xâu, vùng xa vùng tái định cư và vùng biên giới, phải làm sao cho nhân dân là người được hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Từ việc rất ít khách hàng biết đến các sản phẩm nông nghiệp của Sơn La thì giờ đây chỉ cần gõ cụm từ “Nông sản Sơn La" trong vòng 1 giây trên trang Google đã hiển thị ít nhất 58 triệu kết quả tìm kiếm về cụm từ này. Và một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tìm kiếm là hoa quả và rau sạch Sơn La. Việc phát triển vùng sản xuất phải đi đôi với chất lượng sản phẩm đồng thời phải có những chính sách quảng bá thương hiệu, chọn được các sản phẩm chủ lực để quảng bá. Những chủ trương của tỉnh hoàn toàn đúng đắn và thiết thực với tình hình thực tế, cùng với sự đồng lòng của nhân dân nông nghiệp đã thực sự trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của một tỉnh miền núi như Sơn La.

Thanh Hồng - Trung tâm Thông tin tỉnh Sơn La

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/nong-nghiep-son-la-mot-chang-duong-doi-moi-phat-trien-31055.html