Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa vừa vượt qua một năm đầy 'giông bão', đưa tốc độ tăng trưởng đạt 4,17%, góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh năm 2024 là 12,16%.
Nhìn lại sản xuất vụ mùa năm 2024, khi các loại cây trồng chính đã và đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch rộ, vào thời điểm tháng 9, liên tiếp các cơn bão số 3 và số 4 ập tới. Mặc dù bão không đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa nhưng mưa lớn do hoàn lưu sau bão kéo dài đã gây thiệt hại gần 3.322 lúa, gần 5.977ha rau màu các loại và cây hàng năm... Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Để khắc phục kịp thời những ảnh hưởng do bão lũ gây ra và bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2024 trước những bất lợi do thời tiết, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương huy động tối đa nhân lực, máy móc thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch. Với việc thực hiện các giải pháp kịp thời, vụ lúa mùa vẫn đạt năng suất trung bình 56 tạ/ha”.
Năm 2024, ngành trồng trọt vượt qua khó khăn, các hình thức tổ chức sản xuất được các địa phương quan tâm phát triển và duy trì hơn 80.000ha mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Toàn tỉnh duy trì và phát triển các vùng cây trồng thâm canh, vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả, giá trị cao, như: lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 150.000ha; ngô thâm canh 20.000ha; mía thâm canh 12.000ha; rau an toàn 14.000ha; hoa cây cảnh công nghệ cao 420ha; cây ăn quả tập trung 14.500ha; cây thức ăn chăn nuôi 18.500ha... Công tác bảo vệ thực vật thường xuyên được theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sâu bệnh; dự tính, dự báo và dịch vụ phòng trừ sâu bệnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả và an toàn. Nhờ đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2024 ước đạt 125 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm 2023.
Trong chăn nuôi, toàn tỉnh duy trì đàn trâu 156.000 con, bò 258.000 con, lợn 1,35 triệu con, gia cầm 27,2 triệu con. Công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện quyết liệt, hướng dẫn kịp thời, kiểm soát tốt nên không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh có thêm 3 dự án chăn nuôi hiện đại đã hoàn thành và đi vào hoạt động với quy mô 2,4 triệu lợn nái, 138.000 lợn thịt/năm: Trang trại chăn nuôi lợn chất lượng cao của Công ty CP Đầu tư quốc tế Asean; trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty CP Lam Sơn Như Xuân; trang trại chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao và sản xuất giống cây trồng của Công ty G8.
Thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực vào đầu tư sản xuất nông nghiệp tạo tiền đề “Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” mà tỉnh và ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai. Tính riêng năm 2024, đã thành lập mới 155 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 1.484 doanh nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 783 HTX đang hoạt động, 1.058 trang trại, 1.286 tổ hợp tác trong nông nghiệp cùng hàng triệu chủ thể sản xuất năng động trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục nỗ lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, tổng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19.787,1 tỷ đồng, tăng 4,17% cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,9% kế hoạch. Toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.578,2ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các địa phương trong tỉnh tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được 6.569ha, bằng 106,2% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi các loại tăng 6,7% so với cùng kỳ; trứng gia cầm tăng 8,2%; sữa tươi tăng 16,2%.
Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, toàn tỉnh ước trồng được 12.400ha rừng tập trung, bằng 124,5% kế hoạch; sản lượng gỗ khai thác đạt 990.500m3; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 53,86%, vượt kế hoạch. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển đồng bộ, toàn diện, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 219.702 tấn, bằng 103,1% kế hoạch, tăng 1,9% với cùng kỳ. Công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) được thực hiện thường xuyên. Theo ông Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Tình hình kinh tế, thế giới bất ổn, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu vẫn là những rủi ro thường trực... gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Lường trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ cao, thông minh và thực hiện tích tụ tập trung đất đai để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn".
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-nghiep-nbsp-tang-truong-an-tuong-235357.htm