Nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL: Vừa bảo vệ thiên nhiên vừa phát triển kinh tế
Các giải pháp thuận thiên trong nông nghiệp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sinh kế của nông dân tại ĐBSCL, mà còn góp phần bảo tồn thiên nhiên.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây còn là vùng đa dạng sinh học toàn cầu, có rừng ngập mặn với hơn 40 loài thực vật.
Tuy nhiên, ĐBSCL lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề xây dựng thủy điện đầu nguồn sông Mekong... Trong nửa thập kỷ qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đồng bằng đã bị chuyển đổi trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên…
Trước thực trạng trên, chiều 21/3, tại Cà Mau, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL”. Hội nghị sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh ĐBSCL, các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng…
Tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì, mà đó là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng. Đồng thời để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi phương thức để có thể tái tạo và phục hồi thiên nhiên, nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.
Về phía địa phương, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau đã có các mô hình phát triển thuận thiên như trồng lúa trên đất nuôi tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nuôi tôm kết hợp với sò huyết và các loại khác…
Ông Sử cho rằng, để sản xuất thuận thiên thành công, cần có hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, cũng như cần có sự liên kết vùng trong chia sẻ nguồn nước và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm, công cụ đánh giá cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên.
Bên cạnh đó, phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm mô hình, dự án thuận thiên trong nông nghiệp.
Hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai đề án, chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững… Để từ đó đưa ĐBSCL trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế.
Hỗ trợ cung cấp giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với dự án nông nghiệp đầu tư công….
Bộ NN&PTNT cam kết sẽ phát huy tốt nhất nguồn lực hỗ trợ của đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.
Thông qua hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Australia, FAO, UNDP, WWF, SNV…, quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng sông Mekong cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển.