Nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp thuận tự nhiên là tập hợp những loại hình canh tác bền vững, tôn trọng các quy luật vận hành của tạo hóa và dựa vào thiên nhiên cũng như môi trường sống xung quanh. Hiện nay, nhiều bạn trẻ sử dụng phương pháp này, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài.

1. Canh tác nông nghiệp theo phương pháp thuận tự nhiên sẽ mang đến nhiều nguồn thực phẩm “xanh, sạch, lành tính”. Đó là lý do mà anh Dương Đức Thạnh (SN 1990, Chủ Farmstay Waca Coffee, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) quyết định từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh để về quê làm nông nghiệp vào năm 2020.

Anh chia sẻ: “Sau một thời gian tìm hiểu, tôi muốn thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống. Với vườn cây rộng gần 3 ha, tôi trồng 400 cây chanh, 150 cây cam, 70 cây vú sữa và 500 cây cà phê. Thay vì làm sạch cỏ như trước đây, tôi bắt đầu quản lý và sử dụng cỏ trong vườn hợp lý để tạo độ ẩm cho đất; hạn chế thấp nhất sử dụng phân bón hóa học và tăng cường phân bón vi sinh, phân hữu cơ cho cây trồng; những trái rụng và lá cây rụng không cần dọn mà để chúng tự tiêu hủy, trở thành dinh dưỡng cho cây”.

Farmstay Waca Coffee hướng đến nông nghiệp thuận tự nhiên. Ảnh: M.K

Farmstay Waca Coffee hướng đến nông nghiệp thuận tự nhiên. Ảnh: M.K

Anh Thạnh thiết kế vườn gồm nhiều tầng tán chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững. Tuy nhiên, nông nghiệp thuận tự nhiên có điểm yếu là không có tiêu chuẩn hay quy định cụ thể về hạ tầng như canh tác hữu cơ hoặc canh tác đa dạng sinh học. Nếu muốn tạo ra sản phẩm thực sự “sạch”, chủ vườn bắt buộc phải thực hiện thanh lọc và cách ly hạ tầng nông nghiệp. Canh tác thuận tự nhiên không thực hiện việc cày xới đất quá nhiều vì tác động vào đất sẽ gây ảnh hưởng hệ sinh thái trong đất, làm biến đổi sự cân bằng vốn có và điều này có thể khiến cho cỏ dại mọc nhiều hơn bình thường.

Vườn cây của anh Thạnh đã bước sang năm thứ 3 nhưng phát triển xanh tốt vượt trội nhờ canh tác theo phương pháp thuận tự nhiên. “Có thể trong những năm đầu, năng suất vườn cây không cao so với các vườn khác, nhưng bù lại giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Nông nghiệp thuận tự nhiên được xem là một phương pháp “thiền” trong nông nghiệp. Ở đó hướng đến cách phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ hệ sinh thái và người nông dân tiến hành trồng, để cây phát triển theo bản năng của riêng nó”-anh Thạnh cho biết.

2. “Nhà nông đừng ghét cỏ” là thông điệp mà chị Đặng Thị Thu Hồng (SN 1992, làng Yar, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) mang theo khi “rẽ ngang” làm nông nghiệp. Với 25 ha đất bạc màu dưới chân núi Chư Đang Ya, sau hơn 5 năm miệt mài áp dụng phương pháp nông nghiệp thuận theo tự nhiên, chị Hồng dần thu được quả ngọt.

 Bước vào không gian trang trại của chị Đặng Thị Thu Hồng, nhiều người khá ngạc nhiên bởi toàn bộ 25 ha đều để cỏ mọc dày đặc chen lối đi. Ảnh: M.K

Bước vào không gian trang trại của chị Đặng Thị Thu Hồng, nhiều người khá ngạc nhiên bởi toàn bộ 25 ha đều để cỏ mọc dày đặc chen lối đi. Ảnh: M.K

Năm 2019, chị Hồng vô tình đọc được 2 cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” và “Gieo mầm trên sa mạc” của triết gia người Nhật Bản Masanobu Fukuoka. Qua 2 cuốn sách đó, chị đã tiếp cận với triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên. “Khái niệm này nhằm đề cập một nền nông nghiệp sinh thái. Trong đó bao gồm nhiều yếu tố như: hạn chế cải tạo đất, hạn chế việc can thiệp vào quá trình phát triển tự nhiên của cây trồng. Và mỗi loài xuất hiện đều có những vai trò nhất định: nuôi dưỡng hoặc khắc chế lẫn nhau. Tôi thấy rất thú vị và áp dụng ngay phương pháp này vào canh tác trên diện tích đất nông nghiệp của mình”-chị Hồng tâm sự.

Bước vào trang trại của chị Hồng, nhiều người ngạc nhiên bởi toàn bộ 25 ha đều để cỏ mọc dày đặc chen lối đi, phía trên là những tán cây mắc ca, sầu riêng, bơ, cà phê… xanh tốt. Theo chị Hồng, thảm thực vật mọc tự nhiên chính là điều cần và đủ để giúp ích cho các loại cây trồng chính phát triển một cách tốt nhất. Lớp cỏ dại này sẽ giữ độ ẩm cho đất trong mùa hè, chống rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn vào mùa mưa; làm cho đất tơi xốp hơn, thoáng khí để rễ cây trồng hô hấp và hút dinh dưỡng dễ dàng hơn.

Điều này đã được chứng minh khi 5 năm qua, cây trồng trong trang trại ít bị sâu bệnh, phát triển tốt, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. “Dù đang trong giai đoạn chuyển đổi phương thức canh tác nhưng tôi cũng thu về những kết quả nhất định. Với 8.000 cây cà phê, 2.000 cây mắc ca xen canh với sầu riêng, mít, chuối, nông trại của tôi thu về trên 2 tỷ đồng/năm. Theo định hướng, trong 2 năm tiếp theo, tôi sẽ hoàn thiện các hạng mục và thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm cách làm nông nghiệp bền vững. Từ những hiểu biết và cách làm của mình, tôi tin rằng có thể chia sẻ kiến thức về nông nghiệp thuận tự nhiên với bà con nông dân để tạo ra nông sản sạch, đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập. Không những thế, việc này sẽ giúp phục hồi hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”-chị Hồng phấn khởi cho hay.

3. Nông nghiệp thuận theo tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường là mục tiêu mà anh Nguyễn Thanh Quang (SN 1992, Chủ trang trại cà phê Tamba, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang hướng tới. Với quy mô gần 200 ha cùng năng lực sản xuất đạt 1.000 tấn/năm, những năm gần đây, Tamba đã thay đổi tư duy từ việc sản xuất, chế biến nhằm tăng chất lượng cà phê, góp phần phát triển thương hiệu cà phê đặc sản Gia Lai. Tamba tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch; chú trọng hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê; minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung canh tác sạch, bảo vệ môi trường.

Tamba chú trọng hướng tới xây dựng thương hiệu, tập trung canh tác sạch, bảo vệ môi trường. Ảnh: M.K

Tamba chú trọng hướng tới xây dựng thương hiệu, tập trung canh tác sạch, bảo vệ môi trường. Ảnh: M.K

Ông Nguyễn Tấn Công-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai: Nông nghiệp thuận tự nhiên không có sự tác động của hóa chất và chất kích thích, chất điều hòa sinh trưởng, giúp cho nông sản giữ được hương vị nguyên bản. Đây cũng là phương pháp thúc đẩy phong trào sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên rất hiệu quả như: trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng cà phê, hồ tiêu, cam, dâu tây... Phong trào được đẩy mạnh nhờ tư duy mới của những người khởi nghiệp nông nghiệp xanh, canh tác theo hướng bền vững.

Theo anh Quang, khi nói về nông nghiệp công nghệ cao là nói về nhà kính, về hệ thống tưới tiết kiệm nước, hệ thống kiểm soát độ ẩm, kiểm soát dinh dưỡng cấp cho hệ thống nhỏ giọt, các hệ thống phần mềm điều khiển tự động... Còn đối với nông nghiệp thuận tự nhiên thì cần phải đảm bảo đúng 4 yếu tố: hạn chế cày xới đất; tuyệt đối không dùng phân hóa học; nói không với thuốc diệt cỏ hoặc các hóa chất; không cắt tỉa. Cỏ là yếu tố tiên quyết tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật, côn trùng có ích sinh sống, giúp giải độc cho đất.

Tuy nhiên, phải biết quản lý cỏ mọc đúng cách như: nhổ bỏ những loại cỏ không cần thiết; cắt tỉa khi chúng mọc quá cao, đặc biệt, không cắt sát gốc và cắt trong mùa khô… Người nông dân sẽ đỡ tốn chi phí, công sức diệt cỏ, mà vào mùa khô lại không lo tình trạng cây trồng khô hạn do thiếu nước tưới.

“Làm nông nghiệp thuận tự nhiên khó hơn vì phải tác động gián tiếp vào cây trồng nhưng là bước phát triển tiếp của nông nghiệp hiện đại. Nó là một cách trở về với truyền thống canh tác cũ nhưng được áp dụng công nghệ và khoa học hiện đại một bước cao hơn. Nông nghiệp theo cách này dù có rất nhiều lợi ích và không quá khó để thực hiện nhưng cần phải thay đổi tư duy và do đó cần một chiến lược lâu dài”-anh Quang cho biết.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nong-nghiep-thuan-tu-nhien-post263955.html