Nông nghiệp và Môi trường: Vận hành thông suốt
Sau hơn một tuần triển khai mô hình chính quyền hai cấp, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo vận hành liên tục, không để phát sinh 'khoảng trống quản lý'. Bên cạnh việc hoàn thành chỉ tiêu chuyên môn, ngành tập trung hỗ trợ cấp xã nâng cao năng lực thực thi công vụ, phục vụ người dân hiệu quả ngay tại cơ sở.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tam Thanh hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai
Sau khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai, người dân tại phường Tam Thanh vẫn thực hiện các thủ tục hành chính như bình thường, đặc biệt là các lĩnh vực “nóng” như đất đai.
Gia đình ông Dương Văn Khủ, ở khối Hoàng Thượng là một trong những hộ dân đầu tiên đến đăng ký làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại phường sau khi chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp. Dù Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất, nhưng việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ vẫn diễn ra thông suốt. Ông Khủ chia sẻ: Tôi tưởng mới sáp nhập đơn vị hành chính thì phải chờ đợi lâu, nhưng thực tế mọi việc vẫn diễn ra bình thường, cán bộ phường hướng dẫn rất tận tình, thiếu giấy tờ gì là tôi được thông báo bổ sung ngay. Bây giờ, phường trực tiếp cấp “sổ đỏ” nên sau khi hoàn thiện hồ sơ, chúng tôi chờ 20 ngày là nhận sổ tại phường luôn.
Không riêng tại phường Tam Thanh, tại nhiều xã, phường khác, bộ máy hành chính dù đang ổn định tổ chức sau sáp nhập nhưng vẫn duy trì tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính thông suốt, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đây là kết quả của sự chỉ đạo linh hoạt, sát cơ sở từ ngành nông nghiệp và môi trường.
“Trước đây, chúng tôi chỉ làm việc với 11 đầu mối cấp huyện, nay là 65 đầu mối xã, phường. Để đảm bảo hoạt động thông suốt, sở thành lập tổ công tác chuyên trách, phân công cán bộ phụ trách từng cụm xã, đồng thời ban hành hướng dẫn theo nhóm lĩnh vực, ưu tiên đất đai, môi trường và phòng chống thiên tai. Với xã còn lúng túng, tổ công tác trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ”.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Ngay từ khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã khẩn trương rà soát toàn bộ khối lượng công việc chuyên môn chuyển giao cho cấp xã. Theo thống kê, xã tiếp nhận tổng cộng 189 nhiệm vụ từ ngành, trong đó có 178 nhiệm vụ trước đây do cấp huyện thực hiện. Những nhiệm vụ này đều liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hướng dẫn sản xuất nông lâm nghiệp, giám sát chất lượng nước, quản lý rác thải, ứng phó thiên tai… Đây là những lĩnh vực tác động trực tiếp đến người dân, yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ và xử lý kịp thời tại cấp xã.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ làm việc với 11 đầu mối cấp huyện, nay là 65 đầu mối xã, phường. Để đảm bảo hoạt động thông suốt, sở thành lập tổ công tác chuyên trách, phân công cán bộ phụ trách từng cụm xã, đồng thời ban hành hướng dẫn theo nhóm lĩnh vực, ưu tiên đất đai, môi trường và phòng chống thiên tai. Với xã còn lúng túng, tổ công tác trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ.
Song song với đó, từ tháng 6 đến tháng 8/2025, sở dự kiến tổ chức 5 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã theo nhu cầu thực tế tại địa phương. Ngay cuối tháng 6, sở đã tổ chức một lớp tập huấn chuyên đề về khai thác, sử dụng và in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm giúp cán bộ cơ sở nắm chắc quy trình, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ trong xử lý thủ tục hành chính.
Nhờ đội ngũ cán bộ xã, phường được tập huấn kịp thời, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, các xã, phường nhanh chóng ổn định tổ chức, chủ động sắp xếp nhân lực, thiết bị và quy trình xử lý công việc, đảm bảo duy trì các dịch vụ công thiết yếu.
Tại xã Thiện Long, để đảm bảo hoạt động hành chính công, xã đã nâng cấp đường truyền, thay thế thiết bị, bảo đảm duy trì thông suốt các dịch vụ công thiết yếu. Đồng thời, xã cũng sắp xếp lại đầu việc theo nhóm chuyên đề, phân công cán bộ bám sát thôn bản. Bà Hoàng Thị Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 14 thôn với hơn 1.230 hộ dân, địa bàn rộng trong khi nhân lực còn mỏng. Một phòng chuyên môn hiện đảm nhiệm cùng lúc nhiệm vụ của 6 –7 sở, ngành nên công việc rất nhiều. Chúng tôi cử cán bộ đi cơ sở thường xuyên để nắm tình hình sản xuất, đồng thời rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... để xây dựng phương án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Tương tự, xã Châu Sơn cũng nhanh chóng vào guồng sau sáp nhập. Ông Nguyễn Công Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có hơn 1.300 hộ dân với 24 thôn, bản. Chúng tôi xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, rà soát hiện trạng sản xuất, hạ tầng để xây dựng kế hoạch sát thực tế. Các ban chỉ đạo như giải phóng mặt bằng, phòng chống thiên tai, trật tự xã hội… được kiện toàn. Cán bộ chuyên trách được phân công theo từng lĩnh vực để giảm tải cho cấp thôn. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung mới trong Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường… đến trưởng thôn; thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh như hòm thư góp ý, nhóm Zalo cộng đồng để xử lý kiến nghị kịp thời.
Cùng đó, ngành nông nghiệp và môi trường tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý. Nhiều phần mềm như: hệ thống quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận, giám sát biến động, cảnh báo thiên tai qua tin nhắn... đã được triển khai. Việc kết nối dữ liệu giữa tỉnh và xã giúp rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ cơ sở, đảm bảo minh bạch và liền mạch trong chuyển đổi mô hình.
Hiện nay, sở đang hoàn thiện tài liệu tập huấn chung toàn tỉnh và tiếp tục rà soát khó khăn tại các xã để tổ chức thêm 4 lớp đào tạo trong tháng 7–8, đáp ứng nhu cầu thực tế từ cơ sở.
Trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, ngành nông nghiệp và môi trường đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt và linh hoạt. Sự chuẩn bị bài bản, đồng hành sát sao cùng cơ sở, ngành đang góp phần đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn ngay tại nơi gần dân nhất.