Nông nghiệp Việt Nam: Tìm cơ hội trong thách thức

Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã đặt mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; ngành chế biến nông sản thuộc tốp 10 thế giới... Mục tiêu trở thành cường quốc nông nghiệp càng có cơ hội hiện thực hóa khi tháng 2-2020, Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Nếu phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh và với cách làm sáng tạo thì cho dù thách thức phía trước không hề nhỏ do thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ hội để nông nghiệp Việt Nam 'hóa rồng' vẫn trong tầm tay.

Lĩnh vực thủy sản kiên định mục tiêu phấn đấu tổng sản lượng năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn. Ảnh: Vũ Sinh

Chủ động, quyết tâm vượt khó

Với những kết quả tích cực đạt được trong năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tự tin bước vào năm 2020 với tâm thế lạc quan. Thế nhưng, ngay đầu năm 2020, thiên tai (mưa đá, hiện tượng xâm nhập mặn), dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành đã tác động trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới mà còn tác động tiêu cực tới kinh tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi trước đó đã chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, hạn hán, xâm nhập mặn... nên mức tăng trưởng chỉ đạt 0,08%. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%; lâm nghiệp đạt mức 5,03% nhưng tỷ trọng thấp; thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương 1/2 so với cùng kỳ năm trước.

Dù mức tăng trưởng không cao nhưng trong thời gian qua, ngành NN&PTNT, các địa phương và nông dân đã có nỗ lực rất lớn trong việc chủ động ứng phó với dịch bệnh, thiên tai. Nhớ lại 6 tháng đầu năm 2016, khi nước ta phải ứng phó với tình trạng hạn, mặn kỷ lục hàng trăm năm mới xuất hiện, lần đầu tiên nông nghiệp có mức tăng trưởng âm 0,18%.

Riêng về lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại tới 1,3 triệu tấn. Đầu năm nay, khu vực ĐBSCL cũng lặp lại đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục, thậm chí còn cao hơn cả đợt hạn của năm 2015 - 2016. Nhưng nhờ dự báo sớm và chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó nên vụ lúa Đông Xuân vẫn bội thu tại vùng ĐBSCL với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Nhiều vùng khác cũng đã và đang thu hoạch với năng suất cao, khoảng 6 - 7 tấn/ha. Hơn 1,1 triệu héc ta lúa Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc cũng đang phát triển tốt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, chúng ta không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn dành được khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dù đang thiếu thịt lợn, giá lại tăng nên phải nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) nhận định, với tốc độ tăng đàn, tái đàn như hiện nay, ngành chăn nuôi sẽ bảo đảm cho thị trường nội địa không bị thiếu các loại thịt. Thậm chí, với mật độ và số lượng đàn gia cầm gần 500 triệu con như hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phải chỉ đạo hãm đà tăng xuống mức 10 - 11%, thay vì mức tăng 16% như trong năm 2019 để tránh dư thừa nguồn cung, khó tiêu thụ.

Dự kiến năm 2020, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,9 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Cụ thể, thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%. Lĩnh vực thủy sản cũng kiên định mục tiêu phấn đấu tổng sản lượng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng sản lượng thịt lợn cũng ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019 dù hiện nay, nguồn cung còn đang gặp khó khi chỉ đạt 820.000 - 830.000 tấn trong khi nhu cầu cần 910.000 tấn một quý.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn lạc quan cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người luôn có nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Do vậy, ngành Nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để đón bắt cơ hội, sẵn sàng tăng tốc sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vượt qua hạn hán, xâm nhập mặn, vụ lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục bội thu với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Ảnh: Hoàng Vũ

Phát triển sản xuất sạch, đẩy mạnh chế biến, tạo chuỗi liên kết để bứt phá

Hiệp định EVFTA được xem là cơ hội rất lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ chính sách ưu đãi về thuế, trong danh mục sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Cụ thể, Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến). “Là thị trường trọng điểm thứ hai của nông sản xuất khẩu Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó chúng ta đã đưa nông sản đến 17 nước, đều là những nơi có tiêu chuẩn rất cao. Đây sẽ là thuận lợi lớn” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh. Vấn đề là các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh để đón bắt cơ hội.

“Bắt đầu từ uy tín với thị trường” - đó là điều ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lâm San, người từng làm việc và lấy bằng Tiến sĩ lọc hóa dầu ở Cộng hòa Liên bang Đức luôn tâm niệm thực hiện khi trở về Việt Nam bắt tay vào sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ. Hiện mỗi năm HTX Lâm San xuất khẩu trực tiếp 1.000 - 1.200 tấn hồ tiêu cho các bạn hàng EU. Để tạo uy tín và thương hiệu, HTX Lâm San đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tới từng hộ nông dân và gửi thông tin chi tiết về sản phẩm cho khách hàng. Từ đó, nhu cầu đặt hàng hồ tiêu từ châu Âu ngày càng tăng, thậm chí cũng không giảm trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19.

Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Group cho rằng: “Nông nghiệp Việt Nam cần phát triển theo hai hướng: Quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng, ổn định; xây dựng hệ thống phân phối tập trung ở các nước, thị trường với một tỷ lệ nhất định. Thứ hai, các tập đoàn, doanh nghiệp có thể chuyển giao mô hình sản xuất cho nông dân làm theo chuỗi liên kết, nghiên cứu các sản phẩm bảo đảm chất lượng yêu cầu của thị trường”. Nói về giải pháp để các sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường, ông Dương cho rằng cần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi liên kết với người dân để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, chúng ta phải xác định thị trường luôn biến động trước diễn biến của dịch bệnh, thiên tai để có phương án tính toán lâu dài. Đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đưa ra danh mục sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp, ông Hùng cho rằng, cần phải tổ chức lại thị trường một cách nghiêm túc. Cùng với đó là làm tốt khâu bảo quản và chế biến để có thể giãn áp lực của thị trường.

Nghị quyết 53/2019/NQ-CP cũng nhấn mạnh tới mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Trong đó, doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản.

“Các doanh nghiệp cần phải kiên trì thực hiện theo hướng xuất nhập khẩu chính ngạch và tăng cường khâu chế biến, bảo quản. Làm như vậy thì chúng ta mới có bạn hàng dài hơi, cùng nhau chia sẻ rủi ro” - ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Khương Lực

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/964535/nong-nghiep-viet-nam-tim-co-hoi-trong-thach-thuc