Nông nghiệp Việt Nam và thách thức vượt 'bão' virus Corona

Sau một năm được đánh giá là 'thành công trong gian khó', ngành Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo nên những thành tích mới ở năm 2020.

Tuy nhiên, với những diễn biến mới liên quan đến thời tiết, thị trường đặc biệt là tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra đang bùng phát mạnh cho thấy những khó khăn, thử thách trong năm 2020 đối với ngành nông nghiệp sẽ là rất lớn.

Ngành tổn hại nặng nề nhất?

Virus Corona đang càn quét và gây ra bầu không khí ảm đạm khắp thế giới. Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được đánh giá sẽ rất khó khăn và chịu “tổn thương” lớn nhất. Rất nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đối với xuất khẩu thủy sản, trong quý 1/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản. Việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Các mặt hàng trái cây chủ lực như dưa hấu, thanh long - vốn chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết, nhưng hiện nay việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng dưa hấu cũng chung cảnh ngộ. Vụ dưa năm nay thu hoạch chưa được bao nhiêu thì sự cố Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động giao thương để tập trung xử lý bệnh dịch do virus Corona gây ra đã khiến người trồng dưa ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung điêu đứng.

Tình trạng ùn tắc, dư cung cầu cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc vẫn kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía. Tính đến ngày 2/2/2020, vẫn có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn chưa thể thông quan. Các chủ hàng và tài xế cho biết bắt đầu đến Lạng Sơn từ mùng 1 Tết Canh Tý với dự định sẽ xuất hàng vào 7-8 tháng Giêng nhưng bây giờ đang phải chờ đợi chính sách biên giới, chưa biết đến khi nào mới xuất được hàng để quay đầu.

Biến thách thức thành thời cơ

Trước những khó khăn do dịch bệnh Corona gây ra đối với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận dạng kỹ tác động của virus Corona, nhất là thị trường Trung Quốc đối với nông nghiệp của Việt Nam, với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn phải bình tĩnh. “Chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ, chẳng hạn một cái chợ cũ bị cháy thì cần xây mới chứ không phải ngồi đó mà khóc. Tuy nhiên, chúng ta không phải chờ rủi ro mới bàn cách, mà cần phải nghĩ xa hơn và quan trọng là nắm bắt xu hướng bên kia để đối phó”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Hiện Bộ NN&PTNT đã và đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, trước hết là rà soát toàn bộ hệ thống và năng lực kho lạnh có khả năng dự trữ, bảo quản mặt hàng thanh long. Qua rà soát cho thấy hiện hệ thống kho lạnh trọng điểm tại phía Nam công suất chưa lớn. Riêng tỉnh Long An có 154 cơ sở sơ chế đóng gói trái cây nhưng hệ thống kho lạnh chỉ đáp ứng được cho nhu cầu dự trữ khoảng 12.000 tấn... Bộ NN&PTNT cho biết sẽ làm việc và có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chế biến nông sản tăng cường công suất, thu mua, chế biến, lưu kho mặt hàng thanh long nhằm giảm áp lực nguồn tiêu thụ cho nông dân, xem đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh khâu chế biến cho nông sản Việt Nam.

Thời gian sớm nhất, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Bộ Công Thương rà soát hệ thống các doanh nghiệp logistic nhằm huy động, tận dụng tối đa các hệ thống kho lạnh tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây dự trữ mặt hàng thanh long nói riêng cũng như các mặt hàng khác, tăng cường kênh bán hàng tại các hệ thống siêu thị, kích thích tiêu thụ nội địa.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp là ngành "tổn thương" lớn nhất trước dịch bệnh virus Corona.

Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng “ùn ứ” nông sản tại các của khẩu biên giới, Bộ NN&PTNT cần tăng cường xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu nông sản mới, để tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cần tổ chức đoàn đi xúc tiến phát triển thị trường xuất khẩu ở Nhật Bản, Nga, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, châu Âu…

Về lâu về dài, cần tập trung nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng chế biến nông sản để có những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu dài hơn. Tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, từ đó tạo dựng nền nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.

Ngọc Thành

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nong-nghiep-viet-nam-va-thach-thuc-vuot-bao-virus-corona-post73361.html