Nông nghiệp vùng ĐBSCL khẳng định vị thế xuất khẩu

Trong chặng đường 50 năm qua, vùng ĐBSCL đã đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn tài nguyên, tác động từ thị trường. Với sự nỗ lực vượt khó, sự cần cù, cần mẫn của người dân, cùng các cơ chế, chính sách đã giúp cho vùng trở thành trung tâm về sản xuất nông nghiệp.

Trong phần đầu của loạt bài “Nâng tầm vị thế nông sản vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế” chúng ta đã thấy rõ sự chuyển mình của vùng ĐBSCL trong việc khẳng định vị thế trong đảm bảo an ninh lương thực và vươn mình trở thành vựa lúa, thủy sản, trái cây của đất nước.

Trong chặng đường 50 năm qua, vùng ĐBSCL đã đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn tài nguyên, tác động từ thị trường. Nhưng với sự nỗ lực vượt khó, sự cần cù, cần mẫn của người dân, cùng các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp cho vùng ĐBSCL thêm động lực để trở thành trung tâm về sản xuất nông nghiệp. Trong phần hai của loạt bài, nhóm PV CQTT ĐBSCL sẽ phác họa rõ hơn sự thay đổi tư duy của người dân, sự cam kết, đồng lòng của doanh nghiệp và cơ chế chính sách để nông sản của vùng ĐBSCL khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.

Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Hơn 5 ha nhãn canh tác theo tiêu chuẩn VietGap xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia đã giúp cho gia đình nông dân Nguyễn Hoàng Anh, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Chính áp dụng quy trình canh tác nghiêm ngặt đã giúp cho sản phẩm được giá, không còn lo đầu ra như nhiều năm trước.

“Mỗi thị trường đòi hỏi quy trình khác nhau, muốn để vào thị trường Mỹ thì mình làm cho chất lượng, muốn được vào thị trường Châu Âu là mình làm theo tiêu chuẩn của VietGap. Mình phải vào HTX rồi mình làm theo quy trình để xuất khẩu sang các thị trường”, nông dân Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Canh tác cây ăn trái ở vùng ĐBSCL.

Canh tác cây ăn trái ở vùng ĐBSCL.

Cờ Đỏ có diện tích trồng cây ăn trái lớn của Cần Thơ với khoảng 5.000 ha, với nhiều loại cây ăn trái đặc sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Nông dân Phạm Tấn Tài ở huyện Cờ Đỏ đang trồng nhãn theo hướng hữu cơ để vào thị trường EU. Nếu sản phẩm chiếm được niềm tin của người tiêu dùng sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân, đầu ra của sản phẩm ổn định, khẳng định được thương hiệu nông sản.

“Sản xuất hữu cơ thì cung cấp chất hữu cơ cho đất, lợi ích nhiều lắm, mấy chất hữu cơ, vi sinh vật trong đất để cải tạo đất, làm tơi xốp đất, giúp cho rễ cây hấp thụ hết chất dinh dưỡng để nuôi cây. Giờ mình đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ thì đương nhiên giá cả cao hơn, đời sống bà con mình sẽ khả quan hơn”, nông dân Phạm Tấn Tài thông tin.

Quy trình canh tác theo bền vững để bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Quy trình canh tác theo bền vững để bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh hiện nay, sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, giảm phát thải là xu thế toàn cầu. Vì vậy, nông dân Trịnh Văn Khôn, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ đã đăng ký tham gia các lớp tập huấn về sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải. Qua đó đã thấy rõ được lợi ích sản xuất lúa bền vững, giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc trừ sâu, ứng dụng quy trình canh tác theo bền vững để bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp.

“Tôi làm mấy chục năm nay nhưng mà tôi thấy sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải rất tốt, tốt cho nông dân. Lúc đầu mình phải có sự tập huấn cho nông dân mới hiểu được, mới thực tập được”, nông dân Trịnh Văn Khôn chia sẻ.

Vùng ĐBSCL khẳng định vị thế trong đảm bảo an ninh lương thực.

Vùng ĐBSCL khẳng định vị thế trong đảm bảo an ninh lương thực.

Trong canh tác lúa theo phương thức truyền thống trước đây người dân người sử dụng lượng giống gieo sạ từ 100 đến 120 kg/ha, thậm chí có những mùa vụ lên tới 150kg/hecta. Điều này đã tác động đến môi trường, gia tăng dịch bệnh trên mùa vụ. Với đề án 1 triệu ha đã được triển khai, nhân rộng ở vùng ĐBSCL đã giảm 50% lượng giống gieo sạ, giảm 30% lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc hóa học.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, trong bối cảnh canh tác lúa theo hướng giảm phát thải cần phải giảm tối đa lượng giống, nếu mỗi ha sạ từ 60 – 70kg thì vẫn đảm bảo năng suất. Tại Viện lúa đã thí điểm trên mô hình khi sử dụng lượng giống gieo sạ 40kg/ha, năng suất vẫn đảm bảo, điều này chứng tỏ giảm lượng giống gieo sạ sẽ không ảnh hưởng tới năng suất. Tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai Đề án cần phải quan tâm đến đồng ruộng, áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ cụm để nâng cao hiệu quả sử dụng cơ giới.

“Giống phải có khả năng đẻ nhánh rất sớm để chúng ta ức chế được lượng cỏ dại và chúng ta chắc chắn là sử dụng phân đạm tiết kiệm. Chúng tôi cũng đặt ra vấn đề đối với những giống trong thế hệ tiếp theo, ngoài những yêu cầu về chất lượng, phẩm chất thông thường thì tiêu chí đẻ nhánh sớm, tiêu chí về phát thải thấp và tiêu chí về sử dụng phân đạm hiệu quả là ba vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu”, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch thông tin.

Vai trò, vị thế trụ đỡ của nông nghiệp, nhất là tại vùng ĐBSCL càng ngày càng được khẳng định.

Vai trò, vị thế trụ đỡ của nông nghiệp, nhất là tại vùng ĐBSCL càng ngày càng được khẳng định.

Có thể khẳng định, vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp, nhất là tại vùng ĐBSCL càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Hàng năm diện tích sản xuất lúa của An Giang khoảng 600.000 ha ta, với sản lượng khoảng 4 triệu tấn, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL về sản xuất lúa gạo.

Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&MT An Giang cho biết, ngành hàng lúa gạo là ngành hàng chủ lực của địa phương. Hiện nay, An Giang đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa gạo, như đầu tư về kỹ thuật, công nghệ và tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, hạn mặn đã tác động đến sản xuất lúa gạo của địa phương. Trước thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp, An Giang đang tập trung vào sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp, mở rộng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân trồng lúa.

“Thúc đẩy chuyển đổi sang cái phương thức công tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để phát triển bền vững. Mục tiêu chung là nhằm cải thiện sinh kế cho người trồng lúa”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Sản xuất, canh tác theo hướng bền vững, truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Sản xuất, canh tác theo hướng bền vững, truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Trong xu thế toàn cầu sản xuất giảm phát thải là điều tất yếu hiện nay. Trong triển khai đề án 1 triệu hecta lúa ở ĐBSCL, Việt Nam đang cụ thể hóa cam kết với cộng đồng quốc tế tại COOP 26 về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Từng theo dõi và chứng kiến quy trình canh tác lúa giảm phát thải tại Việt Nam, chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ông Li Guo cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa đang triển khai tại ĐBSCL sẽ giúp người dân tăng thu nhập; tăng tính cạnh tranh của ngành lúa gạo và đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính. Hiện ngân hàng Thế giới đang cam kết, đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai, nhân rộng đề án.

“Đề án này nó có 3 tiêu chí. Mục tiêu số 1 là giúp cho người nông dân tăng thu nhập từ trồng lúa. Cái thứ 2 là tăng cường tính cạnh tranh của chuỗi giá trị ngành lúa gạo Việt Nam. Thứ 3 là đóng góp cho việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu trong ở Việt Nam và trên thế giới”, ông Li Guo thông tin.

Vùng ĐBSCL vựa trái cây của cả.

Vùng ĐBSCL vựa trái cây của cả.

Trong nửa thập kỷ đã qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng và xuất khẩu. Cùng với đó, là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trước những thách thức của biến đổi khí hậu đã và đang tác động gay gắt đến vựa lúa, thủy sản, trái cây của quốc gia.

Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng đang đối mặt với những mặt trái của sự phát triển nhanh chóng, thâm canh tăng vụ trong thời gian dài đã gây suy thoái tài nguyên đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, sức khỏe và sản phẩm nông sản.

Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng và xuất khẩu.

Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng và xuất khẩu.

Trong phần cuối của loạt bài “Nâng tầm vị thế nông sản vùng ĐBSCL trong hội nhập quốc tế” nhóm phóng viên Đài TNVN – khu vực ĐBSCL sẽ làm rõ câu chuyện thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, canh tác theo hướng bền vững, truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, cần liên kết, hình thành vùng nguyên và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của vùng ĐBSCL.

Phạm Hải-Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-nghiep-vung-dbscl-khang-dinh-vi-the-xuat-khau-post1190050.vov