Nông sản 'chợ mạng' vào mùa chốt đơn
Bán sầu riêng, măng cụt, bơ, vải thiều… trên 'chợ mạng' giúp nhà vườn tiêu thụ lượng lớn hàng hóa ngoài kênh truyền thống. Tuy vậy, kinh doanh trái cây, thực phẩm tươi online vẫn còn gặp khó khăn trong khâu đóng gói, vận chuyển để tăng doanh số.
Rầm rộ bán bơ, sầu riêng online
Từ cuối năm 2023, những buổi livestream bán được 72 tấn cam ở Nghệ An, 50 tấn vải ở Bắc Giang, 23 tấn bí xanh ở Bắc Kạn đang mở ra cách thức bán hàng mới cho người nông dân. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023 kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn.
Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỉ đồng. Tại các địa phương đã có gần 600 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online.
Theo thống kê từ Metric, nền tảng cung cấp số liệu thương mại điện tử, ở 5 sàn Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, số lượng đơn hàng măng cụt, bơ, sầu riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 7.000 khi vào mùa vụ.
Chị Hà My, chủ vườn trái cây ở Buôn Hồ, Đắk Lắk đã bán trên Facebook năm thứ 3 cho biết khi chưa bán nông sản qua mạng, quả bơ tiêu thụ rất kém, mỗi năm đến mùa bơ rụng đầy gốc bỏ phí. Sau này, chị quyết định thu hoạch những quả bơ để ép làm dầu và bán bơ tươi trên thị trường.
Trung bình 1 năm vào vụ, qua kênh online, lượng bơ vườn bán lẻ 1 ngày tầm 200kg. Ngày nào lượng đơn nhiều nhất thì tầm 500kg, còn ít nhất 50-100kg, mùa bơ kéo dài tầm 1 tháng là thu hoạch hết.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành FoodMap.Asia (Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO) đã tham gia thị trường bán nông sản trên TMĐT 6 năm trước. Sản phẩm đầu tiên công ty bán là hồng treo gió, đặc sản Đà Lạt (Lâm Đồng), tiếp đó là đường thốt nốt truyền thống, đặc sản An Giang, giỏ rau củ quả cho các gia đình…
Thống kê nội bộ cho thấy sau vài tháng triển khai hoạt động livestream với tần suất ít nhất 2 phiên vào các ngày số đôi hàng tháng và 1-2 ngày trong một tuần, lượng đặt hàng qua livestream trong tháng 10-2023 của FoodMap tăng gấp 17 lần, doanh thu tăng gấp 14 lần, lượt xem livestream cũng dao động trung bình từ 6.000 đến 13.000 lượt mỗi phiên.
Đến hiện tại thì FoodMap vẫn duy trì hoạt động livestream với nguồn nhân lực nội bộ đều đặn 1-2 phiên mỗi ngày trên các kênh Shopee Live, Tiktok Shop, Facebook. Được biết, ở FoodMap, nông sản được bán bao gồm tươi và khô (đã qua chế biến) trên nhiều kênh bán. Với nông sản tươi, mỗi năm FoodMap bán khoảng 2000-3000 tấn các loại.
Gần đây nhất trong phiên livestream 7-7 trên nền tảng Tiktok Shop, FoodMap đã phối hợp cùng với các nhà vườn, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội “chốt đơn” bán lẻ hơn một container 40 feet sầu riêng.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Haravan, nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh chỉ ra, trong quí 1-2024 trên 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm đã tăng hơn 75% doanh số so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, theo khảo sát nhà bán hàng đa kênh của nền tảng Haravan, các nhà bán lẻ, chuỗi phân phối, siêu thị thực phẩm cũng đưa những sản phẩm nông sản của mình lên bán trên website và các kênh mạng xã hội số lượng tăng hơn 21%.
Chị Ngọc Quyên, khách hàng ngụ TPHCM, đặt mua 5kg bơ qua phiên livestream của một nhà bán hàng trên Tiktok Shop chỉ trong 2 ngày là nhận được hàng. Chị chia sẻ bơ có giá rẻ hơn bên ngoài khoảng 10.000 đồng/kg tùy loại bơ, nhưng có mã giảm giá từ nền tảng nên chị mua rẻ hơn khoảng 80.000 đồng cho 5kg bơ. Đơn hàng có hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản chi tiết và thông tin kênh phản hồi với nhà bán hàng trực tiếp.
Vận hành chợ nông sản online không dễ
Tuy vậy, các chủ vườn, doanh nghiệp cũng chia sẻ gặp không ít khó khăn để vận hành, quản lý hàng hóa. Chị Hà My cho biết lượng đơn quá tải trong mùa vụ khiến thời gian giao hàng kéo dài. Đơn hàng ngoài tỉnh bị chậm trễ từ 1-2 ngày thành 6-7 ngày.
Mới đây, trái cây giữ lâu tại kho hư hỏng nặng khiến vườn chịu thiệt hại gần 200kg quả bơ tươi. Với những trường hợp bị sự cố, chủ vườn sẽ hoàn tiền hàng lại 100% cho khách.
Những năm trước, khi giao vận đơn chủ vườn cho hay phải tìm xe để gửi vừa mất thời gian, khách hàng cũng không tiện lấy. Để khắc phục việc này, chị Hà My chọn đơn vị vận chuyển giao tận nhà, song cách này cũng khiến hàng hóa bị chậm trễ dẫn đến hư hỏng. Hiện tại chị đang tìm kiếm đơn vị vận chuyển tốt để đảm bảo đơn hàng đến tay khách ở xa.
Tại FoodMap, đối với các phiên livestream mà sản phẩm là trái cây tươi, đại diện cho biết hàng hóa cần phải có mặt tại các trung tâm phân phối ít nhất 3 ngày trước khi phiên live diễn ra. Mỗi loại trái cây sẽ có những cách đóng gói khác nhau để đảm bảo giữ được độ tươi ngon từ bên ngoài lẫn bên trong.
Công ty sẽ đính kèm hoặc dán nhãn các thông tin cần thiết cho khách hàng về sản phẩm như mã QR để truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thông tin liên hệ khi hàng hóa gặp sự cố.
Khi phiên live kết thúc, các đơn hàng sẽ thống kê và lên lịch giao hàng dựa trên thời gian xử lý và các yêu cầu của khách hàng. Đơn hàng được chuyển đến tay khách thông qua các đối tác vận chuyển. Thời gian vận chuyển có thể thay đổi tùy vào vị trí địa lý trong vòng 24h-72h.
Theo anh Tùng, giai đoạn hợp tác với nhà vườn cũng rất quan trọng, dựa trên nhu cầu của các phiên bán hàng và sự hỗ trợ từ các đối tác là nền tảng thương mại điện tử, FoodMap dự tính sản lượng cần thiết trước khi phiên live diễn ra, đảm bảo rằng sản phẩm được thu hoạch đúng thời điểm, chất lượng đạt yêu cầu và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Quá trình khảo sát và đánh giá này thường bắt đầu ít nhất 1 tháng trước phiên live. Bên cạnh đó, FoodMap cũng có những kế hoạch dự phòng để đối phó với tình trạng thiếu hụt hoặc quá tải đơn hàng.
“Cụ thể chúng tôi nhận đơn hàng đặt trước (pre-order) để giữ chân khách hàng, hoặc hàng chưa bán hết ngay trong phiên livestream đầu tiên thì sẽ có những phiên livestream tiếp theo…”, anh Tùng chia sẻ.
Về chính sách bảo hành, hậu mãi, trường hợp khách gặp vấn đề về sản phẩm, nhân viên chỉ cần xác nhận thông tin qua video và hình ảnh đầy đủ thì sẽ giao bù sản phẩm mới hoặc hoàn tiền trong vòng 24h-48h cho khách theo đúng tỉ lệ hư hỏng.
Đại diện Haravan cho rằng trong tương lai, các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng nông sản này vẫn cần tuân thủ những điều kiện về chính sách giao hàng, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm như những nhà kinh doanh nhiều ngành nghề khác.
Nhưng nông sản, thực phẩm là hai ngành hàng đang được rất nhiều nền tảng ưu tiên và chọn làm chiến thuật để tăng trưởng doanh số, góp phần phát triển xã hội, con người… Sàn TMĐT sẽ có những chiến dịch hỗ trợ đa dạng tùy theo thời điểm và quy mô của nhà bán hàng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nong-san-cho-mang-vao-mua-chot-don/