Nông sản hồi hộp vào vụ tết

Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bước vào vụ sản xuất nông sản phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Do chi phí đầu vào tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nông dân có tâm trạng lo lắng vì khó đoán trước nhu cầu tiêu thụ.TRÁI CÂY LO ĐẦU RA

Vụ dưa hấu tết là vụ mùa được nhiều nông dân ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy chờ đợi nhất trong năm. Mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, nơi này cung cấp hàng trăm tấn dưa hấu. Theo thống kê của UBND xã Phú Cường, diện tích dưa hấu vụ đông xuân năm nay trên địa bàn xã là 95,7 ha, giảm 42 ha (30%) so với năm trước.

Theo anh Huỳnh Tiến Giàu, giá xoài cát Hòa Lộc dịp tết năm nay phải từ 80.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lời, do chi phí đầu tư cao.

Theo anh Huỳnh Tiến Giàu, giá xoài cát Hòa Lộc dịp tết năm nay phải từ 80.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lời, do chi phí đầu tư cao.

Nhiều nông dân trồng dưa hấu ở xã Phú Cường cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chi phí đầu tư cho vụ dưa năm nay cao hơn năm trước, khiến nhiều nông dân giảm diện tích xuống giống. Theo ông Nguyễn Văn Ràng (ấp 5B, xã Phú Cường): “Năm rồi, tôi xuống giống 2 ha dưa hấu tết; nhưng năm nay chỉ trồng 1 ha, với phí đầu tư 150 triệu đồng, tăng khoảng 50 triệu đồng/ha so với năm rồi, do giá phân, thuốc, nhân công đều tăng giá. Nếu thương lái vô mua với giá trên 10.000 đồng/kg thì nông dân mới có mới lời chút đỉnh để vui xuân đón tết…”.

Với nhiều nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, hy vọng vụ xoài tết năm nay sẽ được giá. Anh Huỳnh Tiến Giàu (ngụ ấp Hòa) hiện trồng 5 công xoài cát Hòa Lộc, đã xử lý nghịch vụ cho mùa tết năm nay ra trái đạt 40%. Việc xử lý nghịch vụ khó hơn mọi năm do mưa nhiều ảnh hưởng đến quá trình ra hoa. Anh Giàu cho biết: “Ngoài trồng xoài, tôi còn thu mua xoài của bà con trong vùng để bán theo đơn đặt hàng. Số lượng đặt mua giảm hơn mọi năm. Nếu xoài có giá từ 80.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lời, do túi bao trái, nhân công, phân, thuốc tăng…”.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nhìn chung, nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ước đạt tương đương về sản lượng năm trước. Cụ thể, đối với cây ăn trái, dự kiến sản lượng phục vụ tết tương đương năm ngoái (diện tích 10.263 ha, sản lượng 84.699 tấn, tăng 11,75% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là xoài, bưởi, mít, thanh long, khóm, đu đủ...

Ước diện tích rau màu phục vụ tết khoảng 1.425 ha, sản lượng 26.866 tấn, chiếm 95,47% so với năm trước, chủ yếu là các loại rau khổ qua, dưa leo, bầu, bí xanh… Nông dân đang được hướng dẫn trồng và chăm sóc các loại cây trồng ngắn ngày, đảm bảo sản lượng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng Đặng Hoài Hận, hiện trên địa bàn xã trồng khoảng 150 ha xoài cát Hòa Lộc. Số hộ trồng xoài vụ tết tập trung ở ấp Hòa, với diện tích hơn 68 ha, tỷ lệ cho trái mùa nghịch khoảng 60%.

Một số ít vườn xử lý nghịch vụ sớm đã bắt đầu thu hoạch, với giá bán khoảng 70.000 đồng/kg, không tăng so với cùng thời điểm năm rồi, nhưng chi phí đầu tư tăng khoảng từ 10% - 20%. Nhà vườn sẽ thu hoạch rộ từ đầu tháng Chạp âm lịch. Một số thương lái đã đến vườn đặt hàng để đưa tiêu thụ dịp tết tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Tại TP. Mỹ Tho, thời điểm này, nông dân các xã Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong… đang tích cực chăm sóc vườn bưởi phục vụ tết. Gia đình anh Võ Văn Mười Một (xã Mỹ Phong) trồng hơn 2 công bưởi lông Cổ Cò. Anh đang hy vọng giá sẽ cao hơn vụ tết năm trước.

NGUỒN CUNG RAU MÀU DỒI DÀO

Thời điểm này, cùng với các nhà vườn trồng cây ăn trái, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang bước vào vụ rau màu phục vụ tết. Diện tích rau màu phục vụ tết năm nay ở huyện Châu Thành tăng so với năm trước, với diện tích trên 1.600 ha. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành Huỳnh Hữu Hòa, diện tích rau màu vụ tết năm nay ở huyện tăng, do nhiều nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu, với hy vọng có nguồn thu khá để gia đình vui xuân đón tết. Hiện giá rau màu khá cao.

Diện tích rau màu của huyện Châu Thành phục vụ tết sẽ cho thu hoạch vào đầu tháng Chạp và kéo dài đến sau Tết Nguyên đán, sản lượng dự kiến từ 60.000 tấn - 70.000 tấn. Do nông dân chủ yếu bán trực tiếp cho các thương lái nên giá rau màu rất “nhạy cảm” với thị trường, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán nguồn cung tăng mạnh.

Tại các huyện phía Đông, thời điểm này, nông dân cũng đang bước vào vụ rau màu phục vụ thị trường tết. Ông Võ Công Thành, Giám đốc HTX Rau an toàn Bình Nghị (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) cho biết, HTX chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày. Thời điểm này đơn vị đang chuẩn bị xuống giống vụ rau màu phục vụ tết. Tùy theo nhu cầu của đối tác, HTX sẽ cân đối và đưa ra lịch xuống giống cho các thành viên trong HTX để đảm bảo đủ cung cấp và không tồn hàng.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, vụ nông sản tết năm nay, nông dân trong huyện xuống giống các loại rau màu tương đương năm trước. Riêng hoa tết số lượng xuống giống giảm. Hiện chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá cả rau màu chưa thể dự đoán trước, vì còn tùy thuộc vào cấp độ dịch bệnh Covid-19 dịp tết.

C. THẮNG - T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202112/nong-san-hoi-hop-vao-vu-tet-941456/