Nông sản kỹ thuật số

Để thoát khỏi điệp khúc giải cứu nông sản nhiều năm qua, cùng với yêu cầu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nông sản Việt rất cần sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật số.

Thành tựu công nghệ sinh học tạo ra giống tốt, việc số hóa đồng ruộng và sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo quản, hậu cần logistics và thương mại điện tử… phải trở thành nền tảng vận hành cơ bản cho nền nông nghiệp.

Trong bối cảnh chung, Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số. Ngành nông nghiệp ĐBSCL cần tận dụng thời cơ chuyển đổi số để tạo ra bước chuyển mới.

Không chỉ nỗ lực của Chính phủ, đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân đồng bằng đang hiện thực hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá. Nhiều ứng dụng cách đây vài năm như chuyện đùa, nay là sự thật, minh chứng cho kinh tế số trong nông nghiệp. Bằng việc ứng dụng viễn thám cho đồng ruộng, công nghệ sinh học tuyển chọn giống lúa, kỹ thuật canh tác, quản lý đồng ruộng, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, tiêu thụ thì cách tiếp cận cho một cuộc chuyển đổi từ gạo thô sang nông sản digital - kỹ thuật số, tại sao không? Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Tất nhiên, quá trình chuyển đổi đó cần tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, hiện thực hóa bằng các giải pháp, biện pháp ngắn hạn nhưng yêu cầu xuyên suốt là phải liên tục đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển kinh tế số (digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy) dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới được quan tâm, chưa thật sự được đầu tư bài bản. Nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình kinh tế chia sẻ. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám… phải đủ sức tạo ra hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng.

Sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số, kinh tế chia sẻ không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng thời gian gần đây qua các ứng dụng trực tuyến truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm xuất quy trình canh tác, điều khiển tự động... Nhưng "lúa gạo digital" hay "nông sản digital" cần các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.

Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp của vùng ĐBSCL và chuyển đổi số cho nông sản Việt đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng theo định hướng một chuỗi chất lượng mở.

Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Nông dân đang cần tiếp tục được tập hợp lại cùng với những doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Vị thế của một cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu gạo hay các mặt hàng nông sản khác không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại.

Hiệp Thủy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nong-san-ky-thuat-so-20230528200306755.htm