Nông sản lại chờ 'giải cứu'

Hiện cam sành tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mua tại vườn giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhiều loại trái cây vốn đắt hàng cũng đang ở mức dưới 10.000 đồng/kg. Cụm từ 'giải cứu nông sản' xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, giá lợn tại chuồng cũng giảm sâu khiến người nông dân rơi vào thế khó.

Bạn trẻ Cần Thơ tham gia chương trình "giải cứu" cam giúp nông dân Vĩnh Long. Ảnh: T.Duy.

Bạn trẻ Cần Thơ tham gia chương trình "giải cứu" cam giúp nông dân Vĩnh Long. Ảnh: T.Duy.

Nông dân tự xoay xở

Tại nhà vườn tại các tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang đang rơi vào thế khó khi giá cam sành rớt tới đáy, tồn đọng hàng ngàn tấn. Huyện Trà Ôn là địa phương trồng cam sành lớn nhất tỉnh Vĩnh Long với diện tích hơn 9.000 ha. Ước tính mỗi ha cam ở đất Trà Ôn cho năng suất khoảng 50 tấn. Hiện cam sành vào vụ thu hoạch, giá bán rẻ như cho nhưng vẫn không có người mua, nông dân lỗ nặng.

Ông Huỳnh Thanh Tiến - Chủ tịch UBND xã Hựu Thành cho biết, địa phương có diện tích trồng cam khá nhiều của huyện, trên 1.200 ha, trong đó có khoảng 700 ha đang cho trái chính vụ với lượng cam tồn đọng hơn 10.000 tấn. Giá cam sành đang ở mức rất thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, nên nông dân tự đóng thùng rồi chở đi bán lẻ để được giá cao hơn.

Nói về nguyên nhân giá cam “chạm đáy”, ông Tiến thông tin, trước đó, giá cam ở mức khá cao, trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá cam dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, với giá bán này, nông dân không có lãi. Từ việc chênh lệch về giá so với những năm trước nên nhiều nông dân đã neo lại chờ qua tết với hy vọng cam sẽ tăng giá. Chính vì thế, dẫn đến lượng cam tồn đọng rất lớn và tụt giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. “Trước tình trạng giá cam sụt giảm, địa phương đang thống kê báo cáo về huyện và tìm giải pháp hỗ trợ nông dân, song việc tìm đầu ra hết sức khó khăn. Thời điểm hiện tại, đa phần thương lái chọn tìm cam tốt để thu mua. Số cam không đạt còn lại, nông dân tự tìm nguồn bán lẻ” - ông Tiến nói.

Nhằm giúp nông dân "giải cứu" cam sành, anh Phương Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP Cần Thơ cho biết: Hiện giá cam sành bán tại vườn chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Một phần không có người mua, rụng đầy vườn rất xót xa. Với mong muốn chia sẻ với nông dân, chúng tôi quyết định thu mua cam với giá 4.000 - 4.500 đồng/kg. Chúng tôi sẽ thuê xe đến tận vườn để chở cam về. Theo kế hoạch, hoạt động "giải cứu" cam sành được tổ chức trong 4 ngày (từ 14 đến 19/2), hỗ trợ tiêu thụ khoảng 14 tấn cam giúp nông dân Vĩnh Long.

Cùng với cam sành, nhiều loại trái cây miền Tây cũng đang ở mức dưới 10.000 đồng/kg như: mận đá, mận đường, mận An Phước, xoài Đài Loan, xoài cát chu, dưa gang. Tại các chợ đầu mối, ổi cũng có giá chỉ khoảng 12.000 đồng/kg, củ sắn còn 7.000 đồng/kg; xoài xanh giống Đài Loan 29.900 đồng/kg; xoài vàng giống Đài Loan 38.900 đồng/kg…

Chị Ngọc, chủ vựa cam tại Biên Hòa (Đồng Nai) thông tin: Tới tận vườn thu mua cho bà con để hạn chế mua qua cò lái hoặc giới thiệu trung gian vì giá trái cây hiện đang quá thấp, nếu bị ăn "cò" nữa thì họ không còn được bao nhiêu. Vì vậy, chị khuyến khích chủ vườn liên hệ trực tiếp, gửi hình ảnh, video vườn cam để định giá, đặt cọc, thu mua.

Không chỉ trái cây, thị trường thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, bò cũng đang rớt giá mạnh. Hiện giá bò hơi, lợn hơi trên cả nước đã và đang đứng mức thấp trong thời gian dài, khiến người chăn nuôi thua lỗ. Cụ thể, giá lợn hơi bình quân cả nước hiện chỉ khoảng 52.500 đồng/kg, giá bò hơi tại chuồng trại từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người nuôi lao đao, nhiều người treo chuồng không dám tái đàn. Dù vậy, trong khi giá tại chuồng rớt thảm thì thịt heo, thịt bò ra đến các chợ giá vẫn neo ở mức cao.

Làm gì để điều tiết thị trường?

Nhìn nhận thực trang trên, GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cho hay, hầu hết bà con bỏ đất lúa trồng cam vì mấy năm qua cam trúng mùa trúng giá cho lãi cao. Mấy năm trước thị trường phía bắc tiêu thụ cam rất mạnh. Thế nhưng giờ họ không tiêu thụ mạnh như trước nữa vì trùng với vụ cam của các tỉnh phía bắc. Mặt khác, diện tích trồng cam tăng quá nhanh, năng suất cam tăng vọt. Cung vượt cầu khiến giá lao dốc.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Mười - Phó trưởng cơ quan phụ trách phía nam Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng: Thực tế này đặt ra bài toán rải vụ cho trái cây để tránh việc thu hoạch đồng loạt. Nói cách khác, để giảm bớt rủi ro, tránh tình trạng cung vượt cầu và câu chuyện "được mùa, mất giá" thì một trong những giải pháp hiệu quả được người nông dân thực hiện là sản xuất rải vụ nhằm điều tiết hiệu quả cung - cầu.

Còn với thị trường thực phẩm, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, việc nguồn cung tăng trong khi sức mua chưa cải thiện là nguyên nhân khiến giá lợn hơi thấp kéo dài. "Nguồn cung ở đây không chỉ là hàng trong nước mà còn nhập khẩu và các sản phẩm cùng cung cấp nguồn đạm như: thịt bò, thủy sản, thịt gà, trứng… Sau giai đoạn giá thịt lợn quá cao, cơ cấu đạm trong bữa ăn thịt lợn không còn chiếm trên 70% như khảo sát trước đây mà đã giảm và trở thành thói quen" - ông Dương phân tích.

Về giải pháp cho ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, TS Nguyễn Xuân Dương cho rằng phải tiếp tục hạ giá thành vì giá thành nuôi lợn của Việt Nam vẫn trong nhóm cao trên thế giới (bình quân 40.000 - 45.000 đồng/kg). Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt nhằm giảm áp lực nguồn cung về thịt ra thị trường.

Bên cạnh đó, ông Âu Thanh Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cũng đề xuất giải pháp tập trung cho xuất khẩu vì thịt lợn trong nước hiện đang dư thừa. Về phía người chăn nuôi, phải có biện pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, con giống để giúp người chăn nuôi bớt lỗ.

PHƯƠNG CHI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-san-lai-cho-giai-cuu-5710151.html