Nông sản miệt vườn chinh phục thế giới

'Nặng lòng' với nông nghiệp, luôn gửi gắm niềm tin cùng cái 'tâm' vào từng sản phẩm do mình làm ra, những người dân miệt vườn Tây Nam bộ đã đưa nhiều nông phẩm Việt trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu khắp thế giới.

Những người nặng lòng với nông nghiệp

Tròn một thập kỷ trước, anh nông dân Nguyễn Văn Hiển cùng một vài người bạn về vùng Bến Lức (tỉnh Long An) mua một phần đất khoảng 20ha. Dự định ban đầu của anh là trồng thanh long - loại nông sản được trồng nhiều ở Long An. Nhưng suy đi nghĩ lại, người nông dân này quyết định trồng quả chanh. “Mảnh đất này, người chủ cũ đã trồng thanh long và thất bại. Vì không làm được nên họ mới bán cho mình, nay mình lại làm theo cách của họ thì sớm muộn cũng gặp cảnh tương tự” - anh Hiển nói.

Thế là, toàn bộ diện tích nói trên, anh Hiển dùng để trồng quả chanh theo tiêu chuẩn Global GAP. Sau hơn 7 năm, anh Hiển đã có trong tay một cánh đồng chanh hơn 150ha, nhìn hút tầm mắt. Công ty Cổ phần (CP) Thương mại và Đầu tư Chanh Việt với các sản phẩm gắn thương hiệu CHAVI cũng theo đó ra đời để đưa những nông phẩm này tới hầu hết các thị trường khó tính trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… “Hơn 7 năm trước, tôi là một trong những đơn vị đầu của Việt Nam xuất khẩu chanh đi châu Âu. Từ đó tới nay, tôi đã tiếp tục mày mò nghiên cứu để từ quả chanh của người Việt sản xuất ra những gói bột chanh, nước cốt chanh, tinh dầu chanh… xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực châu Á” - anh Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Chanh Việt - tự hào chia sẻ. Trong khi đó, anh nông dân Trần Quốc Trọng vốn là một xã viên Hợp tác xã Thanh long Long Trì (xã Long Trì, Châu Thành, Long An). Ngày ngày, chứng kiến cảnh những trái thanh long xấu không xuất khẩu được, bán không ai mua, chỉ có nước vứt bỏ, đã thôi thúc anh tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời sản phẩm rượu vang thanh long. Anh Trọng chia sẻ, lợi thế của sản phẩm này chính là nguồn nguyên liệu thứ phẩm trước nay vứt bỏ, giờ có thể tận dụng để sản xuất rượu vang với trị giá tăng gấp 5 - 7 lần.

Tới nay, từ trái thanh long, anh Trọng chế biến ra 10 sản phẩm khác nhau như rượu vang, nước ép, tinh dầu, mứt… và mạnh dạn đầu tư mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng để lập Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang Thanh Long với công suất 40.000 lít/năm. Năm 2020, mô hình Dự án “Sản xuất rượu vang từ trái thanh long” của anh đã đạt giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” của tỉnh Long An. “Những nỗ lực nâng giá trị thanh long của mình đã có thành quả xứng đáng bởi hiện nay, các sản phẩm của công ty không chỉ bán khắp cả nước mà còn được xuất khẩu đi một số nước trong khu vực châu Á” - anh Trọng phấn khởi cho biết.

Anh Trần Quốc Trọng nhận giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” của tỉnh Long An năm 2020

Anh Trần Quốc Trọng nhận giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” của tỉnh Long An năm 2020

Đưa nông nghiệp chinh phục những tầm cao mới

Ngoài hai câu chuyện kể trên, ở Tây Nam bộ, còn có rất nhiều sản phẩm đã tạo tiếng vang nhờ sự sáng tạo của nông dân địa phương như ông Võ Minh Khải trồng gạo sạch giữa rừng U Minh (Cà Mau) hay Tiến sĩ Hồ Quang Cua với việc nghiên cứu thành công sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST 25…

Chính những con người ấy đã góp phần viết nên những kỳ tích và đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông nghiệp trong thời gian qua. Bằng chứng là năm 2020, dù gặp khó khăn chưa từng có tiền lệ vì đại dịch hoành hành, hạn hán, lũ lụt và ngập mặn xảy ra nhưng bằng sự sáng tạo trong sản xuất cũng như nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường mà nhiều tỉnh trong vùng như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An… đã ghi nhận những kết quả xuất khẩu tích cực. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, rau, củ không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn thu về giá trị xuất khẩu cao, giúp cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Điển hình, lúa gạo đã thu về giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. “Đây là năm thành công của ngành lúa gạo khi liên tục thiết lập những đỉnh cao mới về giá bởi có những thời điểm, giá gạo 5% xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa Thái Lan. Kết quả này giúp ngành lúa gạo vững tin sẽ tiếp tục có những bước tiến tốt hơn trong 2021” - ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - đánh giá.

Anh Nguyễn Văn Hiển (áo trắng) cùng các cộng sự khảo sát chanh tại ruộng

Anh Nguyễn Văn Hiển (áo trắng) cùng các cộng sự khảo sát chanh tại ruộng

Theo đánh giá của ngành Công Thương Tây Nam bộ, để có được những thành quả như vậy, người nông dân và doanh nghiệp trong vùng đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm chất lượng; đồng thời ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thế giới vào nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp. So với 10 năm trở về trước, nông dân Tây Nam bộ giờ đã biết “số hóa” ruộng đồng và đón nhận những đổi mới từ hội nhập cũng như tiếp cận thông tin từ các Hiệp định thương mại tự do để từ đó, sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được những tiêu chí ngày càng khắt khe của thị trường.

Ghi nhận những đóng góp của ngành nông nghiệp nói chung, vùng Tây Nam bộ nói riêng, chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp hồi cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp khi xuất siêu 10 tỷ USD trong năm 2020. Thủ tướng mong muốn, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2021 tiếp tục đạt con số tăng trưởng cao hơn năm 2020; tới năm 2025, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-miet-vuon-chinh-phuc-the-gioi-151895.html