Nông sản Tây Nguyên rộng đường sang châu Âu
Sau sự kiện Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình lễ xuất khẩu 296 tấn cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vào thị trường châu Âu (EU), đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp nông sản ở Tây Nguyên đang 'đua tranh' bước vào thị trường đầy tiềm năng này.
Khởi đầu lạc quan
Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, khi sản phẩm cà phê được vào thị trường các nước EU, các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, thuế suất bằng 0%; giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.
Tuy nhiên, để vào được thị trường châu Âu theo EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý; thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Hằng năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50 - 70 ngàn tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Niên vụ 2019 - 2020, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan.
Đợt này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 296 tấn cà phê sang Bỉ và Đức. Gần 25.000 tấn cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế. Đặc biệt, công ty cũng là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Mỹ.
Ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng giám đốc công ty rau quả xuất khẩu DOVECO - phụ trách Tây Nguyên cho biết, hiện công ty có trên 13.000 ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông; sản phẩm chủ lực là chanh leo, với 12.750 ha.
Công ty đầu tư ban đầu về giống cho nông dân, đến khi thu mua sẽ khấu trừ lại. DOVECO Gia Lai đã đầu tư tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay, gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree (công suất 10.000 tấn/năm), Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh (công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm), Nhà máy chế biến rau quả đồ hộp (công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm).
Với quy mô như trên, tổ hợp các nhà máy có năng lực thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại mỗi năm như chanh dây, xoài, bơ, sầu riêng… Doanh thu hàng năm ước đạt 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 80 - 90 triệu USD; tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 1.000 lao động làm việc tại nhà máy.
Ông Nghĩa cũng cho biết, hiện sản phẩm của DOVECO hiện đã xuất khẩu đến trên 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường: Nhật Bản (10%), Mỹ (13%), Israel (27%), các nước EU (33%)... Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của DOVECO chủ yếu là dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt...
Ông KPă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, sự kiện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê sang châu Âu đang tạo động lực mới để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản đặc biệt là cà phê nghiên cứu, học hỏi và nhân rộng trong cả nước. Đây là lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội rất lớn cho ngành cà phê và các loại nông sản Việt Nam tại thị trường EU.
Thị trường rộng mở
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết, cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, có lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 nghìn hộ nông dân; góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỉ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị xuất khẩu cà phê của thế giới). Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỉ USD/năm trong 5 năm qua).
Theo ông Lê Quốc Doanh, để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, không chỉ đối với ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê và các loại nông sản khác được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản các sản phẩm tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.
Đại diện Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cũng cho biết, thời gian tới sẽ làm việc với các địa phương để nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.
Về phía các doanh nghiệp cũng phải chủ động chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với các sản phẩm cà phê và các loại nông sản khác. Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu.
Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình trước khi xuất khẩu.
Tìm hiểu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, kể từ 1/8/2020 (EVFTA có hiệu lực) đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh các mặt hàng nông sản, chủ lực là ngành cà phê, đang có nhiều động thái tích cực, chủ động tìm hướng đi đúng cho mình trên con đường rộng mở vào thị trường châu Âu./.
"UBND tỉnh Gia Lai đang rất kỳ vọng trong thời gian tới cà phê và các mặt hàng nông sản ở Tây Nguyên trong đó có Gia Lai, sau khi chinh phục được thị trường châu Âu sẽ là cứu cánh thoát nghèo cho người dân địa phương vốn lâu nay đang rất loay hoay với bài toán "mất mùa - mất giá", hoặc "được mùa - mất giá" - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai KPăh Thuyên.