Nông sản, trái cây đặc sản đổ bộ 'chiều lòng' người tiêu dùng Thủ đô
Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, TP. Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP. Vì vậy, việc tổ chức các sự kiện kết nối sản phẩm trái cây, nông sản đặc sản đưa về tiêu thụ ở Thủ đô có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải bài toán thị trường.
Tối 24/5, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại phố Chu Huy Mân, quận Long Biên, Hà Nội, từ ngày 24/5 - 28/5.
Người tiêu dùng hồ hởi vì được thưởng thức đặc sản
Được biết, tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội 2023 có quy mô trên 130 gian hàng, với sự tham gia của trên 80 doanh nghiệp, HTX của Hà Nội và 18 tỉnh gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Lào Cai, Nam Định, Bắc Giang, Bình Thuận, Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Nam, Hậu Giang… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm an toàn, chất lượng.
Chọn mua những túm vải thiều đầu mùa, chị Châm Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Tôi muốn được thưởng thức đúng hương vị của vải thiều Hải Dương. Đồng thời, tôi sẽ mua thêm để về biếu tặng người thân”.
Mang đến các sản phẩm vải u hồng và vải trứng trắng đến quảng bá đến với người tiêu dùng Thủ đô, bà Đặng Thị Lý, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường (Hải Dương) chia sẻ, năm nay dù mất mùa, sản lượng chỉ bằng 2/3 năm ngoái nhưng bù lại được giá. Vải đầu mùa cũng dao động từ 70.000 – 90.000 đồng/kg.
Dự báo, giá bán vải thiều năm nay cao hơn năm ngoái. Hiện, sản phẩm vải thiều Hải Dương đã có mặt tại hệ thống siêu thị tại Nam Định, thành phố Vinh, Hà Tĩnh,… và xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc. “Hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất sạch và hữu cơ, giá bán của chúng tôi cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15.000 – 20.000 đồng/kg”, bà Lý chia sẻ.
Trong khi đó, tham dự với vai trò là thực khách, người tiêu dùng, bà Lan Anh (Long Biên, Hà Nội), cho biết, tham dự Tuần hàng trái cây, nông sản, bà đã mua được nhiều mặt hàng đặc sản như thủy, hải sản của tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, vải thiều Hải Dương, mận, xoài Sơn La… với giá bán phải chăng.
Đem đến nhiều sản phẩm sữa Mộc Bắc như: sữa chua, sữa chua nếp cẩm,… bà Phạm Thị Liên - đại diện Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) - cho biết, hiện sản phẩm của công ty đã đưa vào hệ thống siêu thị WinMart và 180 cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trường Hà Nội.
Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và rất ưa chuộng, vì vậy, tham gia các kỳ hội chợ, trong đó Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, bà Phạm Thị Liên mong muốn kết nối nhiều hơn nữa với các khách hàng để mở rộng thị trường. “Hiện chúng tôi vẫn chưa làm hết công suất, do đó, việc mở rộng thị trường nhiều hơn nữa giúp sản phẩm có thể đi xa hơn và đến được nhiều hơn với người tiêu dùng”, bà Liên kỳ vọng.
'Se duyên' giúp cung – cầu gặp nhau
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT HTX Hậu Giang Xanh, tỉnh Hậu Giang Lý Hồng Tiên cho hay, thông qua Tuần hàng lần này, doanh nghiệp đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh như chả cá thác lác, rượu khóm đến người tiêu dùng Thủ đô, tiếp cận hệ thống bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm.
"Chúng tôi mong có nhiều hơn các chương trình như thế này để doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang có thể đưa sản phẩm đặc sản tiếp cận thị trường Hà Nội”, ông Lý Hồng Tiên bày tỏ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối trái cây, nông sản, đặc sản tại thị trường Hà Nội thông qua trên 100 sự kiện giao thương, hội chợ, tuần hàng… Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội như Aeon, Central Group, MM Mega Market… tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói …. để đưa vào kênh phân phối hiện đại.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho hay, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, nhiều trái cây, nông sản không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để, giới thiệu, đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài như tại siêu thị AEON tại Nhật Bản, hay hệ thống siêu thị của Central Group tại Thái Lan….
Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Do đó, Tuần hàng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, sự kiện còn nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương.
Để Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội được tổ chức thành công, đạt hiệu quả thiết thực, Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, bảo đảm chất lượng, văn minh thương mại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý.