Nông sản Việt với nỗi lo mới
6 tháng đầu năm, hàng nông sản nói chung nhập từ Mỹ vào Việt Nam tăng hơn 20%, giới chuyên gia dự báo mức tăng có thể gấp đôi trong 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, giá hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ khi đến tay người tiêu dùng đã giảm rất nhiều so với trước. Đây là tín hiệu mừng cho người tiêu dùng song cũng là nỗi lo cho ngành nông sản nước nhà.
Nông sản Mỹ giá rẻ thâm nhập thị trường
Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy, nông sản Mỹ nhập vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Theo đó, trong nửa đầu năm 2019, chúng ta đã chi 116 triệu USD mua hàng rau quả từ Mỹ, tăng đến 70% so cùng kỳ; chi hơn 5 triệu USD mua các loại hạt bánh kẹo, tăng 66% và chi 47 triệu USD mua hàng thủy hải sản, tăng 67%. Cùng với tăng về số lượng nhập khẩu, giá cả các mặt hàng từ Mỹ khi đến tay người tiêu dùng cũng mềm hơn rất nhiều. Đơn cử, cherry Mỹ từ 500.000 đồng/kg, giảm xuống 250.000 - 300.000 đồng/kg trong tháng 7 vừa qua, giảm đến 40% giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm hùm cũng chỉ có giá 200.000 -250.000 đồng/ kg.
Các sản phẩm thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn nhập từ thị trường này khi đến tay người tiêu dùng Việt cũng có giá giảm hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, giá các loại thịt đã giảm đến 20-25%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu trên 107 triệu USD gia cầm, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bỏ ra trên 602 triệu USD để nhập khẩu phụ phẩm trâu bò, gà về tiêu thụ trong nước. Nguồn nhập khẩu khá đa dạng từ Mỹ, EU, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dẫn đến Trung Quốc áp thuế cao cho các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, chính bởi vậy, Mỹ đã tìm đường xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc đã hủy nhập khẩu lô thịt lợn với sản lượng lên đến 14.700 tấn và có thể không lâu nữa, lượng thịt này sẽ tìm cách vào thị trường Việt Nam với giá cực rẻ. Thực tế này có lợi cho người tiêu dùng vì mua được các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ giá rẻ song, ngành nông sản nước nhà không thể không lo lắng.
Phải nỗ lực nâng chất
Tại cuộc Tổng kết 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, một yếu tố rất đáng lưu tâm đó là, trong các nhóm hàng được đa số người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng thì nông sản vẫn là mặt hàng có tỷ lệ cao nhất (70%). Điều này cho thấy, ngành hàng nông sản vẫn đang là lĩnh vực được người tiêu dùng trong nước tin dùng nhất. Điều này không có gì lạ, bởi thế mạnh của Việt Nam chính là nông sản.
Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất nảy sinh từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đòi hỏi các DN ngành nông sản nước nhà cần phải rất cẩn trọng nếu không muốn hàng hóa trong nước bị lép vế trước các sản phẩm ngoại nhập. Từ lâu, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vẫn luôn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Đó còn chưa kể, tình trạng hàng hóa chất lượng thấp nhập nhèm gắn nhãn mác “made in Vietnam” đang gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Chính bởi vậy, nếu hàng nhập từ thị trường Mỹ tăng mạnh vào trong nước với giá cả “cực mềm” như hiện nay, chắc chắn người tiêu dùng trong nước sẽ có sự lựa chọn mới.
Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, có thể thấy, nhóm hàng nông sản Việt vẫn được người dân tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, hàng hóa nông sản từ các nước khác cũng đang tràn về Việt Nam rất nhiều. “Ngay cả nông sản Mỹ cũng đang được bán với giá rất cạnh tranh. Nếu không có sự thay đổi kịp thời thì hàng nông sản Việt sẽ không giữ được ưu thế này nữa” – ông Hải băn khoăn.
Và không chỉ nông sản, các ngành nghề khác ngay từ lúc này cũng cần có sự chuẩn bị thật tốt để cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên chính sân nhà. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong 10 năm qua đã góp phần mạnh mẽ làm thay đổi tâm lý “sính ngoại” của người Việt, tuy nhiên, với xu thế hội nhập hiện nay, hàng ngoại đang có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường trong nước, cơ hội để lựa chọn hàng hóa của người Việt rất nhiều. Bởi vậy, cuộc vận động không chỉ từ một phía người tiêu dùng, mà chính các doanh nghiệp phải cần phải làm mới mình hơn nữa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/nong-san-viet-voi-noi-lo-moi-tintuc444875