Nông thôn mới bảo tồn 'nông thôn cũ'
Nhiều di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, của mỗi vùng miền đang hiện diện và được bảo tồn ở nhiều vùng quê trên cả nước.
Sin Suối Hồ là một bản làng của 123 hộ người Mông ở rẻo cao thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm ngang lưng đỉnh núi Sơn Bạc Mây, cách Quốc lộ 4D khoảng một giờ xe chạy.
Bản làng của người Mông này có vị trí thuận lợi cho những ai ưa khám phá “tập kết” để chinh phục đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử ở gần đó, là đỉnh núi cao thứ 3 của cả nước. Không gian quanh bản cũng tươi đẹp không kém với thung lũng hoa dã quỳ nở tự nhiên từ bao đời nay.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, với lợi thế về tự nhiên và tranh thủ sự đầu tư về hạ tầng giao thông của Nhà nước cũng như tỉnh Lai Châu cho chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân Sin Suối Hồ đã tập trung phát triển du lịch để có thêm thu nhập.
“Nhà cửa được cải tạo, xây dựng theo tập quán ở của người Mông. Các sinh hoạt văn hóa, sản xuất thường nhật thì nay cũng là một sản phẩm du lịch của chúng tôi. Tất cả không gian của bản làng chúng tôi muốn thật gần gũi với thiên nhiên để có nhiều khách đến thưởng ngoạn. Ngay cả đường đi, chúng tôi cũng tranh thủ khai thác đá, sỏi tự nhiên tại chỗ để lát”, ông Vàng A Chỉnh cho biết.
Thông qua các công ty lữ hành, chương trình hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và mạng xã hội, nhiều bản làng khác ở vùng Tam Đường và các huyện lân cận của Lai Châu đang dần khởi sắc. Nhiều nơi đã trở thành bản làng nông thôn mới, mang lại nhiều hứng khởi cho cư dân bản địa và khách tham quan.
“Không hẹn mà gặp”, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng làm sống dậy những nét văn hóa nông thôn truyền thống ở nhiều vùng quê như ở Hà Tĩnh, Quảng Nam... Tại Hà Tĩnh, mô hình vườn mẫu-xây dựng nông thôn mới ở cấp cộng đồng, khu dân cư được triển khai từ năm 2013 cũng là một mô hình được nhiều nơi tham quan học hỏi.
Theo đó, sân vườn không có tường gạch mà là bờ giậu - những cây bụi ngăn cách giữa các nhà vốn quen thuộc với mỗi người dân Bắc Bộ và Trung Bộ. Không chỉ mang lại cảnh quan và hệ sinh thái cho xóm làng mà các khu vườn ở nông thôn Hà Tĩnh còn là công cụ kinh tế của người dân.
Chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và đang dần trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh, trên diện rộng.
Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay có hơn 1.100/1.802 thôn triển khai xây dựng (chiếm 62%), trên 8.200 vườn triển khai thực hiện, trong đó có 228 khu dân cư, 2.300 vườn mẫu đạt chuẩn với nhiều giống cây, củ khác nhau, tuân thủ kỹ thuật canh tác và kết nối với thương lái, doanh nghiệp bao tiêu. Thu nhập bình quân/vườn ở vùng đồng bằng đạt trên 70 triệu đồng, miền núi và bán sơn địa trên 150 triệu đồng, có trên 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có khoảng 260 vườn doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, bên cạnh các trọng điểm du lịch-văn hóa như Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn thì nhiều làng quê giàu bản sắc khác cũng được chính quyền, người dân tập trung bảo tồn, phát triển như làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước); làng bích họa Tam Thanh (TP. Tam Kỳ), các bản làng của đồng bào dân tộc ở miền núi phía tây làm nền tảng phát triển du lịch nông thôn, gia tăng thu nhập của người dân, góp phần thúc đẩy tính hiệu quả và thực chất của xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cho rằng nông thôn mới mà không giữ được “hồn cốt” của văn hóa, cảnh quan đặc trưng của mỗi vùng miền thì không thể thành công.
Bên cạnh việc phát huy tính chủ động của các địa phương, Chính phủ cũng có những điều chỉnh quan trọng để định hướng phát triển nông thôn mới phù hợp với từng địa phương. Theo đó, Quyết định số 1980/QĐ-TTg ban hành ngày 17/10/2016 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 quy định tiêu chí giao thông: “Đường trục thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp ít nhất được cứng hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm” chứ không phải bê tông hóa.
Theo Phó Thủ tướng, nếu bê tông hóa sẽ dẫn đến cảnh “trắng hóa” giao thông nông thôn cả nước, không giữ được những “đường gạch”, “đường sỏi”, làm cho bộ mặt nông thôn đơn điệu, mất đi sức hấp dẫn.