Nông thôn mới, bền vững từ nông dân
Mục đích của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại. Nhưng để nông thôn mới phát triển bền vững, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là việc đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân thông qua đào tạo nghề. Bởi qua đào tạo nghề, người nông dân được trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất mới, tiên tiến, phù hợp với xu hướng phát triển hội nhập quốc tế.
Ông Mông Quốc Dũng, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Cũng như cả nước, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới được triển khai tại Thái Nguyên từ năm 2011 đến năm 2020. Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của người nông dân có chuyển biến rõ nét trong sản xuất. Tư duy của người nông dân “bên luống cày” là sản xuất ra các loại hàng hóa nông sản có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như HTX chè La Bằng (Đại Từ) có sản phẩm đạt tiêu chuẩn làm quà tặng đại biểu dự Hội nghị APEC; HTX Ngựa bạch Dương Thành; HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Khánh (Phú Bình) mỗi năm đạt tổng thu hàng tỷ đồng; Tổ hợp tác sản xuất - tiêu thụ na an toàn xóm Hiên Minh, xã La hiên (Võ Nhai) đã tập hợp được các hộ trồng na trong vùng cùng sản xuất theo chuẩn VietGAP; HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) có sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá 2,5 triệu đồng/kg.
Hầu hết LĐNT sau đào tạo nghề đã biết xây dựng kế hoạch sản xuất của gia đình khoa học, hiệu quả và mang lại thu nập cao hơn so với trước đây. Nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo, mà trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Nguyễn Mạnh Linh, xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) nói: 5 năm trước, ngay sau khi được học nghề chăn nuôi, tôi đã đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà mái đẻ, với quy mô 5.000 con. Tôi nhận thấy cái hay ở lớp học là ngoài kiến thức chăn nuôi, tôi còn được các giảng viên giới thiệu, kết nối với những đơn vị cung ứng thuốc thú y, con giống, thức ăn, nơi bao tiêu sản phẩm và kỹ năng khởi nghiệp. Còn ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, xã Tân Khánh (Phú Bình) cho biết: Từ năm 2017 tôi cùng 30 nông dân khác ở xã đăng ký học nghề chăn nuôi. Sau học nghề, chúng tôi chủ động hơn trong việc chăm sóc, ấp trứng, phòng bệnh dịch cho gà. Sản phẩm gà của HTX được bạn hàng từ Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng đến tận nơi đặt mua... Chuyện học nghề, ông Đào Văn Xuân, người dân tộc Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) cho biết: Cán bộ về bản dạy dân mình kỹ thuật trồng ngô giống mới, trồng cây na ăn quả và trồng cỏ nuôi trâu, nhờ đó bà con có thêm thu nhập, cuộc sống được ổn định hơn.
Kết quả của đào tạo nghề cho LĐNT có thể nhìn được bằng mắt thường. Bởi bất cứ vùng quê nào của Thái Nguyên, nếu ai đó sau 10 năm trở lại đều phải ngỡ ngàng vì một nông thôn mới hiện đại đã khỏa lấp hầu khắp cảnh xưa. Tất cả mọi đổi thay đều do con người, bởi cùng với sự đầu tư của Nhà nước trong xây dựng hạ tầng cơ sở là sự nỗ lực vào cuộc của mỗi người dân. Hơn thế, những nông dân qua đào tạo nghề, chuyển đổi nghề đã tự làm thay đổi cuộc sống của chính mình bằng việc làm tăng thêm thu nhập. Được biết: Đào tạo nghề cho LĐNT có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011-2015), toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 27.000 người; giai đoạn 2 (2016-2020) toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 20.000 người, với 113 nghề, trong đó 57 nghề phi nông nghiệp, 42 nghề nông nghiệp và 14 nghề đào tạo cho người khuyết tật. Qua khảo sát bình quân cả 2 giai đoạn đã có hơn 29.000 LĐNT có việc làm sau học nghề, đạt 79,9%. Gần đây nhất, trong thời gian từ năm 2016 đến nay đã có hơn 3.000 LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng; hơn 1.500 LĐNT được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; trên gần 9.500 LĐNT tiếp tục làm công việc cũ, nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; hơn 1.100 LĐNT thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Bà Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè VietGAP xã Yên Đổ (Phú Lương) cho biết: Sau đào tạo nghề, 27 hộ trồng chè ở xóm Hạ và xóm Trung đã liên kết, thành lập Tổ sản xuất với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Cũng ở huyện Phú Lương, ông Nguyễn Đức Luân, Trưởng xóm Ao Trám, xã Động Đạt cho biết: Từ tham gia lớp học nghề trồng chè, nhiều hộ dân của xóm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang trồng chè cành giống mới, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Về xã Điềm Mặc (Định Hóa), chúng tôi gặp bà Ma Thị Loan trên đồi chè thuộc xóm Song Thái 1. Bà Loan tự hào: Nhờ được tham gia lớp học đào tạo nghề cho LĐNT về trồng, chế biến chè, tôi đã hướng đến sản xuất chè đặc sản. Nếu như trước đây 1 kg chè của gia đình tôi bán được 60.000 đồng/kg, thì nay bán được gần 300.000 đồng/kg. Năm 2019, gia đình tôi đạt thu nhập hơn 150 triệu đồng từ chè, cao hơn so với các năm trước gần 100 triệu đồng. Đến Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh, một trong 36 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh, giảng viên Nguyễn Văn Tiến cho biết: Đối tượng đào tạo là nông dân, do vậy trong truyền đạt kiến thức cho học viên được vận dụng linh hoạt theo hướng “cầm tay chỉ việc”; cho học viên vừa học, vừa thực hành, đi tham quan mô hình, học tập tại mô hình nên bà con học nhanh, nhớ lâu và áp dụng ngay kiến thức học được vào mô hình sản xuất của gia đình, tạo được năng suất cũng như giá trị sản phẩm cao hơn.
Với phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nên ngoài các nghề nông nghiệp, tỉnh quan tâm hỗ trợ đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: Mộc dân dụng; may công nghiệp, gia công cơ khí, nấu ăn… Trong thời gian 10 năm từ 2011 đến 2020, toàn tỉnh có hơn 27.000 LĐNT học nghề phi nông nghiệp, chiếm 57% so với tổng số LĐNT được đào tạo nghề. Có thể nói đây là một giải pháp gỡ khó cho các vùng nông thôn. Bởi hầu hết số người sau khi tham gia lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp được các công ty, chủ cơ sở sản xuất trong, ngoài tỉnh tiếp nhận vào làm việc với mức lương bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) khẳng định: Dạy nghề cho LĐNT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng lao động việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Nhiều hộ gia đình khi có người tham gia học nghề, có việc làm mới cho thu nhập ổn định đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Cùng đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, tỉnh quan tâm đến việc hỗ trợ vốn vay cho nông dân kịp thời. Điển hình là Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm gần đây, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã triển khai hỗ trợ 106 dự án với hơn 40 tỷ đồng cho gần 1.400 hộ vay. Cùng đó là nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách - xã hội cho hội viên nông dân nghèo với tổng dư nợ đạt hơn 877 tỷ đồng thông qua hơn 90 tổ tiết kiệm - vay vốn với gần 32.000 hộ vay. Do 2 cái thiếu là khoa học kỹ thuật và vốn đầu tư được giải quyết cơ bản, nên tại các khu vực nông thôn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất đã góp phần trực tiếp làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay trên toàn tỉnh có 103 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt có 23 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Và hiện có 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP; 183 ý tưởng, sản phẩm đăng ký phát triển và tham gia đánh giá xếp hạng OCOP 2020. Những nông dân Thái Nguyên đã làm thay đổi vùng đất mình đang sống. Bởi sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề “bên luống cày”, họ có tư duy sản xuất gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.