Nông thôn mới kiểu mẫu, khởi đầu từ truyền thống văn hóa

Xã Hồng An là một trong hai xã của huyện Hưng Hà (Thái Bình) được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và nhiều khả năng sẽ được UBND tỉnh công nhận trong năm nay.

Điều đáng nói ở miền quê nổi tiếng là “đất chèo, đất hội” này là việc xây dựng NTM dựa trên nền tảng phát huy truyền thống văn hóa.

Văn hóa là một trong những trụ cột của nông thôn mới

Tiếp chúng tôi tại Di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ, ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An tự tin khẳng định, trong tương lai gần xã nhà sẽ là xã NTM kiểu mẫu. Đây là bậc cao nhất trong các “chuẩn” NTM. Thực tế, theo đánh giá chủ quan của người dân địa phương thì xã nhà đã có thể gọi là xã NTM kiểu mẫu. Song để quá trình xây dựng NTM đúng quy trình, trình tự cũng như tạo hiệu ứng khích lệ, động viên xã nên lãnh đạo và nhân dân trong xã thống nhất đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2019 này.

Sở dĩ có sự tự tin cao độ đến vậy bởi vì NTM của xã được xây dựng trên một trụ cột bền vững, đó là văn hóa. Ông Đường Khắc Thủy nói: “Có những tiêu chí quan trọng của 11 tiêu chí xã NTM nâng cao sẽ khó đạt được nếu không có nền tảng văn hóa. Nền tảng văn hóa quyết định ý thức của người dân cũng như sự đồng lòng, đoàn kết. Đó chính là bệ phóng đưa xã lên những tầm cao mới”. Tại sao nền tảng văn hóa lại có tính quyết định mạnh mẽ đến vậy trong phong trào xây dựng NTM? Hãy thử nhìn vào những tiêu chí của xã NTM nâng cao. Đó là tính thực chất. Ví dụ tiêu chí số 8 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt hơn 65%” sẽ đạt nếu như xã có thể giải trình đầy đủ số lượng người với bằng cấp tương ứng. Nghĩa là những con số rất cụ thể, có văn bản giấy tờ chứng minh. Tương tự, khi liệt kê số lượng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao của thôn, xã thì cũng phải chứng minh được những câu lạc bộ này hoạt động thường xuyên, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 Di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm nhân dân xã Hồng An.

Di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm nhân dân xã Hồng An.

Thực tế tại xã Hồng An có nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn NTM nâng cao “nghiễm nhiên” đạt được do nền tảng văn hóa người dân, đó chính lối sống, cách ăn ở có trách nhiệm với cộng đồng. Hãy xem từ tiêu chí một về “giao thông” vốn chẳng mấy liên quan đến văn hóa. Theo tiêu chí này, trục đường xã, thôn phải có rãnh thoát nước và được duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Người dân ở Hồng An từ lâu đã hình thành thói quen tự giác chăm sóc con đường trước nhà, không chỉ quét dọn, khơi thông cống rãnh mà còn trồng hoa làm đẹp ven đường. Toàn xã có hàng chục km đường được người dân quan tâm như thế. Ngoài ra những tiêu chí khác về môi trường, y tế, giáo dục… cũng đạt được nhờ nét đẹp của lối sống văn hóa.

Tự hào từ truyền thống quê hương

Mấy năm gần đây, ở xã Hồng An xảy ra một hiện tượng khá ngược với xu hướng của nhiều vùng quê lân cận. Đó là người dân từ thành phố trở về quê sinh sống. Không chỉ có điều kiện khí hậu trong lành, đường giao thông tốt mà thực tế đời sống ở quê còn khấm khá hơn nhiều nơi trên thành phố. Theo thống kê của xã, một héc-ta đất ruộng đang cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng một năm. Chúng tôi ra cánh đồng chuyên canh chuối rộng 140ha ngoài bãi sông Hồng, trực tiếp gặp những người nông dân có bằng kỹ sư nông nghiệp thì được biết thống kê đó không quá chút nào. Trang trại của ông Bùi Đình Hiếu rộng 5,5ha trồng các loại cây ăn quả theo mùa, nuôi gà thương phẩm là một ví dụ sinh động.

Ông Trần Văn Thưởng ở thôn Việt Thắng cho biết, hiện trong xã có rất nhiều gia đình làm nông nghiệp sạch, đang xây từng bước xây dựng thương hiệu; những gia đình này phần lớn có người từng ra ngoài thành phố làm ăn, nhưng giờ trở về xây dựng quê hương. Lý do theo ông rất đơn giản là ở quê sống có bà con xóm giềng, tình làng nghĩa xóm vui hơn, lại không bị áp lực công việc nhiều như ngoài thành phố. Ông Thưởng cho biết thêm: “Trung bình mỗi tháng có ít nhất một hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ hoặc thi đấu thể thao ở quy mô cấp xã. Còn các hoạt động thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ quần chúng quy mô cấp thôn thì diễn ra hàng tuần”. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 47 triệu đồng/năm; người dân có “của ăn của để”, đời sống tinh thần cao thực sự là kết quả của việc xây dựng NTM.

Hồng An là xã Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Pháp. Miền quê này có nhiều di tích lịch sử lâu đời với nhiều lễ hội truyền thống, như hội đền Thượng Khu, hội đền Tiên La. Xã vinh dự được hai lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm, động viên nhân dân đắp đê, chống lũ. Phát huy truyền thống đó, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng An đã quyết tâm xây dựng thành công mô hình NTM kiểu mẫu, khởi đầu từ lấy truyền thống văn hóa làm nền tảng...

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nong-thon-moi-kieu-mau-khoi-dau-tu-truyen-thong-van-hoa-599060