Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Năng lực Quốc gia về Nghiên cứu hành tinh thuộc Đại học Bern và Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã thăm dò bầu khí quyển của WASP-121b - ngoại hành tinh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2015.
WASP-121b quay gần ngôi sao mẹ của nó hơn khoảng cách Mặt Trời - Trái Đất tới 40 lần, nên đã nhận được một nhiệt lượng khủng khiếp.
Hành tinh này nằm cách Trái Đất 855 năm ánh sáng, trên hành tinh tồn tại một lượng khí và chất lỏng rất lớn, khiến nó có khối lượng trung bình gấp 1,18 lần và kích thước gấp 1,81 lần so với Sao Mộc.
Hai năm sau khi được phát hiện, WASP-121b trở thành ngoại hành tinh đầu tiên có xuất hiện nước ở tầng bình lưu. Mặc dù nước được xem là khởi nguồn của sự sống, song các nhà khoa học đều cho rằng rất khó có khả năng WASP-121b trở thành một nơi có thể ở được do nhiệt độ quá khủng khiếp.
Nhiệt độ trung bình của WASP-121b nằm trong khoảng từ 1.500 - 3.000 độ K (tương đương 1.227 - 2.727 độ C). Sự chênh lệch nhiệt độ khắc nghiệt này giữa các bán cầu trên hành tinh đã tạo ra một sự chênh lệch áp suất vĩnh cửu.
Hệ quả là những cơn gió nóng cực Tây thổi quanh hành tinh ngoài, cuốn theo các phân tử nước và nguyên tử vật chất cùng với chúng.
Cũng chính bởi nhiệt độ khủng khiếp này, nên gần như không tồn tại kim loại và các vật chất quý hiếm trên hành tinh này dưới thể rắn. Thay vào đó, chúng thường được tìm thấy dưới dạng lỏng hoặc khí - gọi là các "đám mây kim loại" - với thành phần chủ yếu gồm vanadi, sắt, crom, canxi, natri, magiê và niken.
Ngoài ra còn có nhôm, nhưng chúng có thể đã kết hợp với oxy để tạo thành khoáng chất corundum - một dạng tinh thể của nhôm oxit. Khi trộn với một lượng nhỏ các kim loại khác, chẳng hạn như vanadi, sắt, crom hoặc titan, nó tạo thành hồng ngọc và ngọc bích.
Tuy nhiên do không thể tồn tại dưới dạng rắn, nên trên WASP-121b xuất hiện một hiện tượng thú vị đó là các "cơn mưa đá quý", xảy ra khi các kim loại bốc hơi, kết hợp với nhau trên bầu khí quyển, rồi rơi trở lại bề mặt, tạo thành các dòng sông, con suối đá quý.
Không những thế, WASP-121b có khí quyển hơi nước phát sáng và bị biến dạng thành hình quả bóng do lực hấp dẫn cực mạnh từ ngôi sao mà nó quay xung quanh.
Cứ 30 giờ, WASP-121b hoàn thành một vòng quỹ đạo và chịu hiệu ứng khóa thủy triều tương tự Mặt Trăng với Trái Đất. Điều đó có nghĩa mặt ban ngày của hành tinh luôn quay về phía sao chủ.
Mặt còn lại quay vào không gian trải qua màn đêm vĩnh cửu. Nhóm hành tinh sao Mộc nóng nổi tiếng với mặt ban ngày rất sáng. Mặt ban đêm của WASP-121b tối hơn 10 lần so với mặt ban ngày.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV
Thùy Dung (T.H)