Nóng tình trạng doanh nghiệp dùng hóa đơn 'hợp thức' hàng lậu: Bộ Tài chính nói gì?

Theo Bộ Tài chính, ngoài việc mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo một số vấn đề được dư luận quan tâm trong tháng 8/2024, đặc biệt là về tình trạng mua bán hóa đơn.

Theo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành đang hướng đến sự bình đẳng, tôn trọng quyền kinh doanh chính đáng của mọi cá nhân và tổ chức.

Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế trực tiếp khai, trực tiếp nộp và trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, ngoài tình trạng sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu. Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, ngoài tình trạng sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong thời gian qua một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính.

Một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật chưa cao đã tham gia hoạt động mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước, tăng số thuế giá trị gia tăng được hoàn.

Đặc biệt, còn có tình trạng sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hóa hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước;...

Từ khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế đã có và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra cùng các thông tin khác của người nộp thuế để xây dựng công cụ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ phân loại, nhận diện người nộp thuế có rủi ro về thuế, hóa đơn, kịp thời đưa ra cảnh báo để có biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác, nhiều vụ việc mua bán hóa đơn đã được triệt phá.

Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế địa phương trong cả nước thực hiện rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp qua các kênh thông tin; Tổ chức nhận diện lập danh sách các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của các đối tượng này theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế đã ban hành; Rà soát, đánh giá những doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn để thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng và có trọng tâm.

Bộ Tài chính cho hay, quan điểm của ngành thuế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-tinh-trang-doanh-nghiep-dung-hoa-don-hop-thuc-hang-lau-bo-tai-chinh-noi-gi-343881.html