Nóng tình trạng trẻ vị thành niên vùng dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy
Thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự ở khu vực nông thôn nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại với các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, rượu chè và tội phạm trộm cắp tài sản, giết người, cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích… Trong đó, các vụ án do đối tượng là người dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội.
Những con số nhức nhối
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an đến hết năm 2021 số vụ việc phạm tội liên quan đến ma túy xảy ra 26.193 vụ, so với năm 2020 tăng 591 vụ; trong đó nổi lên số vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên sinh sống tại địa bàn miền núi có chiều hướng gia tăng. Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như cần sa, "cỏ Mỹ"... xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15-25. "Qua thực tế đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy nhiều đối tượng tham gia và liên quan vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên. Không chỉ bị bắt giữ về hành vi sử dụng trái phép, nhiều đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phạm tội ma túy trong thanh thiếu niên cũng như xu thế trẻ hóa tội phạm về ma túy hiện nay” - Thiếu tá Bùi Tiến Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhấn mạnh.
Theo Công an tỉnh Quảng Trị, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến ngày càng phức tạp, gay gắt, người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị và vùng đồng bào thiểu số. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 1.700 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó người dưới 30 tuổi chiếm hơn 70%. Hầu hết người sử dụng trái phép chất ma túy ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đáng chú ý có một số người đang là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Và có khoảng 70% thôn, bản có đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Chỉ tính riêng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có 666 người sử dụng trái phép chất ma túy, thuộc địa bàn 18/21 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn giáp biên giới, có nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới Việt Nam - Lào. Số người sử dụng trái phép chất ma túy phần lớn tập trung ở lứa tuổi thanh thiếu niên, không có việc làm. Số đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy nhỏ lẻ phát triển mạnh, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng.
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) cũng là một trong những điểm “nóng” về tội phạm ma túy cả nước. Thượng úy Sùng A Dua nhớ lại: “Có lần chúng tôi bắt giữ được 4 đối tượng, là trẻ vị thành niên đang vận chuyển ma túy. Khi hỏi về các đối tượng nhờ vận chuyển và hàng vận chuyển, các em đều không biết gì. Chỉ biết mang hàng ra quán nước ngồi, đợi người đến lấy mỗi em sẽ được 100.000 đồng”.
Đáng lo ngại tỷ lệ tội phạm ma túy trẻ hóa ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng tăng cao, do các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người DTTS để rủ rê, lôi kéo vận chuyển ma túy. Các đối tượng xấu thường lôi kéo những đối tượng là trẻ vị thành niên. Đây là những đối tượng dễ dụ, dễ kích động, thích có tiền tiêu xài, hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật. Chưa kể đến có nhiều đối tượng thông thạo đường mòn qua biên giới, liều lĩnh, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” chống trả lực lượng thi hành công vụ khi bị phát hiện.
Gia đình và trường học là “lá chắn thép”
Theo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), ngành Giáo dục có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và trên 2 triệu cán bộ, giáo viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, lứa tuổi học sinh, sinh viên cũng rất dễ bị tác động, lôi kéo tham gia tệ nạn ma túy nếu như không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, quyết liệt. Mặc dù Nhà nước, ngành Giáo dục luôn coi trọng việc giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác. Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả tình trạng ma túy đang có dấu hiệu tấn công, xâm nhập vào trường học. Nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong trường học vẫn là điều rất đáng lo ngại, đặc biệt là trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, ẩn dưới nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, trà sữa, bóng cười... cùng thủ đoạn tinh vi của các nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức.
Đồng bộ hóa các giải pháp ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện mới trong xã hội theo chuẩn can thiệp dự phòng của Liên hợp quốc. Việc tổ chức giáo dục tốt cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên về phòng, chống ma túy cũng chính là nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ cho bản thân mỗi học sinh, sinh viên, nói không với ma túy, tránh xa các tệ nạn xã hội, bảo đảm cho việc học tập trong môi trường lành mạnh, an toàn. Theo đó, học sinh, sinh viên cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cho toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống ma túy trong trường học, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" với mục tiêu tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy.
Để ngăn ngừa trẻ hóa tội phạm ma túy, đặc biệt là đối với vùng DTTS, miền núi, cần có những chế tài đủ mạnh tạo sức răn đe, cắt đứt nguồn cầu, từ đó giảm nguồn cung ma túy trên thị trường. Bên cạnh đó cũng cần có đội ngũ cán bộ là người có kinh nghiệm và biết tiếng DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy. Nâng cao vị thế, vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy.