Nóng trong tuần: Diễn biến mới khủng hoảng chính trị Hàn Quốc; Nga và Iran ký thỏa thuận chiến lược

Tuần qua nổi lên một số sự kiện nóng như: Israel và Hamas đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, diễn biến mới về khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc, Nga và Iran ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong khi LHQ nêu các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025.

Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu dân cư tại al-Rimal, khu vực lân cận thành phố Gaza ngày 4/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu dân cư tại al-Rimal, khu vực lân cận thành phố Gaza ngày 4/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Israel và Hamas đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza

Sau 15 tháng xung đột đẫm máu, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1/2025. Đây được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong việc thiết lập hòa bình tại khu vực này.

Theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel, chính phủ nước này đã chính thức phê duyệt thỏa thuận sau cuộc họp kéo dài hơn 7 giờ. Thỏa thuận này được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên kéo dài 6 tuần với việc trao trả con tin và rút quân dần dần của Israel khỏi Dải Gaza.

Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani cho biết trong giai đoạn một, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin, bao gồm tất cả phụ nữ, trẻ em và đàn ông trên 50 tuổi để đổi lấy việc Israel phóng thích các tù nhân Palestine.

Cuộc xung đột nổ ra từ ngày 7/10/2023 sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Đáp trả, Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Gaza, theo số liệu của Bộ Y tế Gaza đã khiến hơn 46.700 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định thỏa thuận này sẽ "ngăn chặn giao tranh ở Gaza, tăng cường viện trợ nhân đạo và đoàn tụ các con tin với gia đình". Ông cũng cho biết đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ chịu trách nhiệm giám sát phần lớn việc thực thi thỏa thuận.

Người dân Gaza đã đón nhận thông tin này với niềm vui lẫn nước mắt. "Tôi rất vui. Đúng là tôi có khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt vui sướng", Ghada, một phụ nữ phải di dời chia sẻ. Trong khi đó, tại Tel Aviv, các gia đình con tin Israel cũng bày tỏ sự "vui mừng và nhẹ nhõm vô cùng" trước triển vọng đoàn tụ với người thân.

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Các cuộc đàm phán về giai đoạn hai sẽ bắt đầu vào ngày thứ 16 của giai đoạn một, bao gồm việc thả tất cả con tin còn lại, thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài và rút quân hoàn toàn của Israel khỏi Gaza. Giai đoạn ba sẽ tập trung vào việc trao trả thi thể và tái thiết Gaza dưới sự giám sát của Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc.

Vấn đề then chốt là ai sẽ điều hành Gaza sau xung đột vẫn chưa có lời giải. Israel đã bác bỏ mọi sự tham gia của Hamas, lực lượng đã cai trị Gaza từ năm 2007, đồng thời cũng phản đối việc giao quyền kiểm soát cho Chính quyền Palestine.

Người dân theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được phát qua video từ tư dinh ở Seoul, ngày 15/1/2025. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Người dân theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được phát qua video từ tư dinh ở Seoul, ngày 15/1/2025. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Diễn biến mới về khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc

Tình hình chính trị Hàn Quốc đang diễn biến căng thẳng khi Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol bị Cơ quan điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO) bắt giữ tại tư dinh ngày 15/1/2025. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử Hiến pháp nước này.

Vụ bắt giữ của ông Yoon liên quan đến việc ban bố thiết quân luật đêm 3/12/2024. Mặc dù cho rằng lệnh bắt là "bất hợp pháp", Tổng thống Yoon vẫn chấp hành cuộc điều tra để tránh xung đột giữa các lực lượng thi hành công vụ. Tuy nhiên, ông không chấp nhận tư cách điều tra của CIO và cáo buộc cơ quan này làm giả tài liệu để lừa dối công chúng.

Sau hơn 10 giờ thẩm vấn tại văn phòng CIO ở Gwacheon, ông Yoon đã bị đưa đến Trại giam Seoul ở Uiwang, cách thủ đô 22 km về phía Nam. Theo CIO, trong suốt quá trình thẩm vấn, ông Yoon đã từ chối trả lời mọi câu hỏi.

Ngày 18/1, đại diện pháp lý của ông Yoon là luật sư Yun Gap-keun thông báo Tổng thống đã quyết định tham dự phiên tòa, diễn ra vào lúc 14h cùng ngày tại Tòa án Quận phía Tây Seoul. Tại đây, ông Yoon sẽ giải thích tính hợp pháp của sắc lệnh thiết quân luật và phục hồi danh tiếng của mình.

Trước đó ngày 17/1, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật sửa đổi về việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra vụ việc này. Dự luật được thông qua với 188 phiếu thuận và 86 phiếu chống trong tổng số 274 nghị sĩ tham dự. Toàn bộ nghị sĩ đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã bỏ phiếu chống.

Đáng chú ý, khối đối lập do đảng Dân chủ (DP) dẫn đầu đang chiếm ưu thế trong Quốc hội với 192/300 ghế. Trong dự luật này, phe đối lập đã loại bỏ một số nội dung, bao gồm cáo buộc Tổng thống Yoon nổi loạn và yêu cầu thanh tra ngoại hối đối với chính phủ.

Đảng PPP đã bác bỏ dự luật, cho rằng đề xuất không xem xét những nội dung hai bên đã đàm phán và quyết định đưa ra dự luật riêng. Sau khi dự luật được thông qua, lãnh đạo đảng PPP đã kêu gọi quyền Tổng thống Choi Sang Mok sử dụng quyền phủ quyết.

Có thể thấy cuộc khủng hoảng chính trị này đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị lớn tại Hàn Quốc, đặc biệt là giữa đảng cầm quyền PPP và đảng đối lập DP, với những quan điểm hoàn toàn trái ngược về việc bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Nga và Iran ký thỏa thuận hợp tác chiến lược

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện tại Điện Kremlin ngày 17/1/2025. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ song phương, mở ra chương mới cho sự hợp tác sâu rộng và lâu dài giữa hai quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại Moskva, ngày 17/1/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tại Moskva, ngày 17/1/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, thỏa thuận có thời hạn 20 năm và tự động gia hạn thêm 5 năm tiếp theo, bao gồm nhiều lĩnh vực như quốc phòng, chống khủng bố, năng lượng, tài chính, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, khoa học và công nghệ.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại, vận tải và năng lượng. Về phía mình, Tổng thống Putin khẳng định hai nước kiên quyết phản đối sự can thiệp từ bên ngoài và thống nhất trong cam kết duy trì luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, thỏa thuận quy định nếu một trong hai bên bị xâm lược, bên kia sẽ không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho bên xâm lược. Hai nước cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác giữa các cơ quan đặc biệt và hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra thiên tai và thảm họa.

Thỏa thuận này được ký kết trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu, khi cả hai quốc gia đều tìm cách củng cố liên minh và đối đầu với trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Mối quan hệ giữa Moskva và Tehran đã được tăng cường đáng kể sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ năm 2022.

Liên quan đến xung đột này, Iran đã kêu gọi Moskva và Kiev theo đuổi giải pháp ngoại giao. "Giao tranh không phải là giải pháp cho vấn đề", Tổng thống Pezeshkian tuyên bố tại Điện Kremlin.
Như vậy, thỏa thuận này được đánh giá là bước đi chiến lược của cả hai nước nhằm đối phó với áp lực từ phương Tây và củng cố vị thế quốc tế của mình.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres trình bày các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025. Ảnh: Quang Huy - Phóng viên TTXVN tại Mỹ

Tổng Thư ký LHQ António Guterres trình bày các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025. Ảnh: Quang Huy - Phóng viên TTXVN tại Mỹ

LHQ nêu các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres vừa có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội đồng LHQ ngày 15/1/2025 tại New York, trình bày các ưu tiên trong chương trình nghị sự của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong năm 2025.

Theo người đứng đầu LHQ, thế giới đang tiếp tục đối mặt với những thách thức và bất ổn chưa từng thấy. Ông Guterres chỉ ra ba thách thức chính cần phải vượt qua, bao gồm: tình trạng xung đột dai dẳng ở nhiều nơi, khủng hoảng khí hậu và "công nghệ vượt ngoài tầm kiểm soát".

Để giải quyết những vấn đề này, ông Guterres nhấn mạnh việc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua cải cách đa phương trên tất cả các lĩnh vực, nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng hiện nay.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ đánh giá đã có những chuyển biến tích cực trong hành động khí hậu, phản ánh cam kết của LHQ trong nỗ lực ngăn chặn Trái đất ấm lên. Ông dẫn chứng "thế giới hiện đầu tư vào năng lượng sạch gần gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch".

Đối với cuộc cách mạng công nghệ năm 2025, ông Guterres nhận định đây sẽ mang lại "những cơ hội chưa từng có". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng sự phát triển công nghệ cần được quản trị một cách thận trọng và phải đảm bảo tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người.

Người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ sự lạc quan về nhiều tiến triển tích cực trong năm 2025, từ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, những bước tiến trong hành động khí hậu, cho tới việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng và khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích chung của cộng đồng.

Khẳng định vai trò của LHQ là "lực lượng xây dựng", ông Guterres nhấn mạnh tổ chức này sẽ tiếp tục củng cố phương thức hoạt động và theo đuổi chủ trương các vấn đề toàn cầu cần các giải pháp toàn cầu. Ông kêu gọi các nước thành viên không đánh mất hy vọng và cùng nhau hợp tác để giải quyết những thách thức chung của nhân loại.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-dien-bien-moi-khung-hoang-chinh-tri-han-quoc-nga-va-iran-ky-thoa-thuan-chien-luoc-20250118221216697.htm