Nóng trong tuần: Khóa họp 78 Đại hội đồng LHQ và căng thẳng mới ở Nagorny - Karabakh
Tuần qua có nhiều sự kiện nóng, thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế, nổi bật như: Tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), leo thang căng thẳng ở Nagorny-Karabakh và chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine.
Một số nội dung nổi bật tại Kỳ họp 78 ĐHĐ LHQ
Tuần lễ cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ với chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người" đã được khai mạc hôm 19/9 tại New York, Mỹ.
Đây là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu của đời sống chính trị thế giới, với sự tham dự đông đảo của lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên. Tuần lễ Cấp cao năm nay ghi nhận số lượng hội nghị cấp cao nhiều kỷ lục với 9 hội nghị và sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ. Tuần lễ Cấp cao ĐHĐ LHQ là tâm điểm của ngoại giao đa phương ở cấp độ và tần suất hoạt động cao nhất.
Phiên thảo luận cấp cao đầu tiên của tuần lễ năm nay dành để bàn về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Theo Tổng Thư ký LHQ, 17 mục tiêu phát triển bền vững được thông qua từ năm 2015, với 169 mục tiêu nhỏ, nhưng hiện nay chỉ có 15% là đi đúng hướng. Trong khuôn khổ tuần lễ năm nay, một số phiên họp cấp cao khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm như phiên Đối thoại cấp cao về tài chính và phát triển, Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu và Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch…
Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua tuyên bố chính trị mới, trong đó nêu bật cam kết tăng cường nỗ lực nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân từ nay đến năm 2030 trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19.
Cũng tại cuộc họp cấp bộ trưởng trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến vào năm 2024 diễn ra cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 21/9 nhấn mạnh tầm quan trọng của các thể chế đa phương phù hợp với thế giới đa cực đang hình thành. Ông khẳng định những thách thức mà thế giới phải đối mặt là mang tính toàn cầu, đòi hỏi những giải pháp mang tính bao trùm và không thể giải quyết được thông qua các nhóm nhỏ các quốc gia hay các liên minh. Ông nhấn mạnh LHQ là diễn đàn duy nhất có thể giải quyết, bên cạnh vai trò quan trọng các các khu vực tư nhân và các bên liên quan quan trọng khác.
Theo người đứng đầu LHQ, một Hiệp ước thực chất, toàn diện vì tương lai có khả năng thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Hiệp ước này sẽ bổ sung và củng cố đầy đủ các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các SDG và tạo ra một thế giới hòa bình, bền vững và công bằng hơn ngày nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo thời gian không còn nhiều.
Tham dự các sự kiện tại Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các ưu tiên lớn của ĐHĐ, trong đó có củng cố hòa bình thông qua tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác, giảm căng thẳng giữa các nước lớn, thúc đẩy đoàn kết, chủ nghĩa đa phương, cải tổ thể chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng hơn, quyết tâm hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vì lợi ích của người dân và không bỏ lại ai ở phía sau.
Căng thẳng leo thang tại Nagorny-Karabakh
Ngày 19/9, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại khu vực Nagorny - Karabakh có đa số người Armenia sinh sống. Khu vực trên nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đông người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều đó đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố chiến dịch trên được thực hiện nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích trong khu vực kinh tế Karabakh (pháo kích vào các vị trí quân sự của Azerbaijan), giải giáp và buộc Armenia rút quân, “vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của họ” và đảm bảo sự an toàn của dân thường. Mục đích của hoạt động này cũng nhằm khôi phục trật tự hiến pháp của Azerbaijan.
Đây là hành động quân sự lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh Karabakh lần thứ hai vào mùa Thu năm 2020. Khi đó, thông qua xung đột, Baku đã lấy lại quyền kiểm soát một phần đáng kể các vùng lãnh thổ lân cận Nagorny-Karabakh, cũng như các phần của Nagorny - Karabakh. Chính quyền của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cam kết sẽ tiếp tục hoạt động này cho đến khi lực lượng vũ trang Armenia đầu hàng, và chế độ bất hợp pháp, theo Baku, phải “tự giải thể”.
Trợ lý Tổng thống Azerbaijan về các vấn đề chính sách đối ngoại Hikmet Hajiyev gọi mục tiêu chính của Baku là vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của Armenia ở Karabakh. Theo ông, các bước khiêu khích đã được thực hiện nhằm chống lại Baku trong khu vực. Trong số các mục tiêu đầu tiên bị tiêu diệt, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan, có trạm radar di động P-18 Terek và kho đạn dược.
Việc Azerbaijan bắn pháo dữ dội vào vùng Nagorny - Karabakh ngày 19/9 làm dấy lên quan ngại rằng một cuộc xung đột toàn diện khác với Armenia có thể diễn ra, chưa đầy 3 năm sau cuộc chiến khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.
Nhưng chỉ một ngày sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự trong khu vực, Baku và chính quyền dân tộc Armenia ở Karabakh tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga làm trung gian để ngăn chặn giao tranh. Ngày 21/9, Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan cho biết thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực Nagorny - Karabakh đang được tuân thủ rộng rãi.
Theo tờ Izvestia (Nga), vòng đàm phán đầu tiên giữa đại diện của Azerbaijan và người Armenia ở Nagorny - Karabakh, được tổ chức vào ngày 21/9 tại Yevlakh, được dự đoán là đã kết thúc mà không có bất kỳ kết quả rõ ràng nào, bất chấp sự đảm bảo từ Baku và Moskva rằng nền tảng cho một hiệp ước hòa bình trong tương lai đã tồn tại. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Yerevan vẫn tiếp tục diễn ra với lời kêu gọi Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức vì những người biểu tình cho rằng ông đã bỏ rơi người Armenia ở Karabakh.
Như vậy, các cuộc đàm phán bắt đầu ngay sau khi các bên ký thỏa thuận ngừng bắn. Cả hai bên đều không nêu chi tiết về những gì đã được thảo luận trong cuộc gặp đầu tiên. Tuy nhiên, đại diện của Baku lạc quan rằng các cuộc đàm phán giữa người Armenia ở Karabakh và Azerbaijan có thể dẫn đến việc ký kết một hiệp ước hòa bình chấm dứt xung đột, nhưng sẽ không thực tế nếu kỳ vọng rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết trong một cuộc gặp.
Những kết quả chính trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine
Sau khi tham dự khóa họp lần thứ 78 của ĐHĐ LHQ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến Washington để gặp các nhà lãnh đạo quân sự tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ của Quốc hội Mỹ.
Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Zelensky tới Washington kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022 và diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị Quốc hội nước này bổ sung 24 tỷ USD cho các nhu cầu quân sự và nhân đạo của Ukraine.
Trong các cuộc gặp, ông Zelensky đã kêu gọi Mỹ tiếp tục ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh đảng Cộng hòa hoài nghi về việc liệu Quốc hội Mỹ có nên phê duyệt đợt viện trợ mới cho quốc gia Đông Âu này hay không.
Theo Tổng thống Zelensky, tại Washington, ông đã có cuộc đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng với các nhà lập pháp Mỹ cũng như thảo luận với Tổng thống Biden về việc khôi phục các lĩnh vực năng lượng và kinh tế của Ukraine, cũng như nhu cầu quân sự và phòng không của Ukraine.
Đáp lại, Nhà Trắng ngày 22/9 xác nhận: "Mỹ cam kết củng cố năng lực phòng thủ của Ukraine trong dài hạn, bao gồm thông qua các quan hệ đối tác với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị vào mùa Thu này với sự tham gia của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ukraine và giới chức của cả hai chính phủ để khám phá các lựa chọn liên doanh và hợp tác sản xuất".
Theo cơ quan báo chí của Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo còn "trao đổi về sự ủng hộ của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng và phục hồi kinh tế của Ukraine" cũng như "thảo luận các nỗ lực tăng cường khả năng sản xuất và truyền tải năng lượng, đồng thời hoan nghênh chính phủ hai nước ký Biên bản ghi nhớ (MoU) tăng cường khả năng phục hồi năng lượng của Ukraine".
Trong thông điệp gửi đến người dân Ukraine sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Zelensky cho biết, nước này và Mỹ nhất trí cùng tiến hành sản xuất vũ khí. Hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 325 triệu USD cho Kiev nhằm tăng cường năng lực phòng không, cung cấp đạn dược cho hệ thống pháo phản lực HIMARS, vũ khí chống tăng, chống máy bay không người lái và các khí tài khác.
Chuyến thăm của Tổng thống Ukraine diễn ra trong bối cảnh cấp bách đối với các nỗ lực nhằm duy trì viện trợ và cuộc phản công chậm chạp của Ukraine sắp bước vào mùa Thu. Trước đó, ông Zelensky đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, nơi ông kêu gọi thế giới ủng hộ Ukraine và công bố kế hoạch hòa bình gồm 2 điểm để chấm dứt xung đột ở nước này.
Tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Khóa 78 ĐHĐ LHQ, ngày 20/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu; nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động, tăng cường hợp tác, đoàn kết để giải quyết vấn đề này; kêu gọi giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi xanh công bằng, cân bằng tài chính cho thích ứng với tài chính cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ đã lưu ý tới "sức nóng khủng khiếp" và "các đám cháy lịch sử" của năm 2023, song cho rằng các nước "vẫn có thể khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu cần thiết để tránh thảm họa khí hậu về lâu dài. Ông nêu rõ: "Nhân loại đã mở các cánh cửa địa ngục. Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả tàn khốc – những người nông dâng đau buồn chứng kiến mùa màng bị lũ lụt cuốn trôi, nhiệt độ tăng cao kéo theo dịch bệnh; hàng nghìn người phải sơ tán khi cháy rừng lịch sử hoành hành. Tuy nhiên, hành động vì khí hậu bị thu hẹp do thách thức ngày càng lớn.
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước đặt ra tham vọng về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050; nhấn mạnh các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển phù hợp với trách nhiệm chung nhưng có phân biệt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng cho rằng giải quyết biến đổi khí hậu phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới và sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái Đất.