Nóng trong tuần: Trung Đông 'tăng nhiệt'; bầu cử Mỹ thêm gay cấn
Trung Đông thêm nhiều diễn biến gia tăng căng thẳng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lựa chọn được 'phó tướng' cùng tranh cử, chứng khoán châu Á nhuộm sắc đỏ, các cuộc tranh tài Olympic... nằm trong số những thông tin được truyền thông quốc tế quan tâm trong tuần qua.
Bộ đôi đảng Dân chủ vào đường đua bầu cử Mỹ
Sau thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng, vào ngày 6/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris xác nhận Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là người liên danh tranh cử với bà trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Việc lựa chọn ứng cử viên liên danh tranh cử là một trong những quyết định quan trọng của bà Harris để cạnh tranh với bộ đôi Donald Trump - JD Vance của đảng Cộng hòa.
Theo các chuyên gia, đảng Dân chủ hy vọng ông Walz có thể giúp họ giành được ủng hộ từ các cử tri vùng nông thôn. Giáo sư Jennifer Victor tại Đại học George Mason (Mỹ) phân tích với Al Jazeera rằng ông Walz là một "lựa chọn thú vị". Ông gia nhập Vệ binh Quốc gia và phục vụ lực lượng này trong 24 năm. Ông Walz cũng từng làm giáo viên. Năm 2018, ông thắng cử thống đốc bang Minnesota. Giáo sư Victor đánh giá ông Walz có phong thái miền Trung Tây Mỹ dễ gần. Bà Victor nói: "Có vẻ như phó Tổng thống Harris đã chọn ông ấy vì những phẩm chất tích cực mà bà ấy cho rằng có thể hấp dẫn hơn đối với những cử tri dễ đổi ý”.
Trong một diễn biến liên quan, dựa trên lịch trình được xác nhận, cựu Tổng thống Trump sẽ tranh luận với bà Harris vào ngày 10/9 trên kênh ABC.
Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump bày tỏ mong muốn có 3 buổi tranh luận với đối thủ đảng Dân Harris trong tháng 9 tới. Trong một buổi họp báo ngày 8/8 tại Palm Beach, Florida, ông Trump bày tỏ muốn được tranh luận thêm vào các ngày 4/9 và 25/9 trên đài Fox và NBC. Tại buổi họp báo kéo dài 1 tiếng đồng hồ với các phóng viên, ông Trump đã trả lời về nhiều chủ đề. Ông đồng thời chỉ trích Phó Tổng thống Harris vì bà không trả lời phỏng vấn báo chí kể từ khi triển khai chiến dịch tranh cử.
Phó Tổng thống Harris đã thách thức ông Trump tranh luận với bà và chỉ trích rằng ông miễn cưỡng trong cam kết về thời điểm tham gia. Trong cuộc vận động tranh cử ở Atlanta ngày 30/7, bà Harris đã nói: "Tôi hy vọng ông Trump sẽ cân nhắc việc gặp tôi trên sân khấu tranh luận. Nếu có điều gì muốn nói, hãy nói thẳng vào mặt tôi".
Trước đây, ông Trump đã đồng ý tham gia cuộc tranh luận thứ hai với Tổng thống Biden dự kiến vào ngày 10/9 do kênh ABC tổ chức. Ông Trump cho biết sẽ tuân thủ kế hoạch sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua Nhà Trắng.
Theo kết quả thăm dò dư luận được Ipsos công bố ngày 8/8, Phó Tổng thống Harris đang nhận được 42% ý kiến ủng hộ, dẫn trước so với tỷ lệ 37% của đối thủ đảng Cộng hòa Trump. Kết quả này có khác biệt so với khảo sát của Reuters/Ipsos vào ngày 22-23/7, với tỷ lệ ủng hộ của bà Harris so với ông Trump là 37%-34%.
Chứng khoán châu Á gặp phải cơn địa chấn
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/8, thị trường chứng khoán thế giới đã chìm trong sắc đỏ. Nikkei 225 của Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm giảm 12,4%. Đây là mức giảm cao nhất trong ngày của chứng khoán Nhật Bản kể từ vụ Thứ Hai Đen tối năm 1987. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh với chỉ số Topix giảm 9,65% xuống 2.292,77 điểm.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,1% xuống 16.753,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,5% xuống 2.891,93 điểm.
Các thị trường châu Âu cũng giảm nhưng ở mức độ thấp hơn. Ngày 5/8, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức kết thúc phiên với các mức giảm lần lượt 1,42% và 1,82%. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 2,04%. Chốt phiên 5/8 trên sàn giao dịch New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,6%, S&P 500 mất 160,23 điểm (3%), trong khi đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,43%. Trong phiên 5/8, các đồng tiền điện tử bitcoin và ether đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng
Lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) liên quan đến đồng yen đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc
Bộ Lao động Mỹ gần đây thông báo tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong tháng 7. Nền kinh tế Mỹ chỉ tăng thêm 114.000 việc làm phi nông nghiệp mới vào tháng 7, giảm mạnh so với con số trước đó là 179.000 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 150.000.
Đáng báo động là tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng từ 4,1% lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Dữ liệu kinh tế thấp hơn dự kiến đã thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn. Vào ngày 5/8, Goldman Sachs nâng dự đoán về suy thoái kinh tế Mỹ trong năm tới từ 15% lên 25%.
Trong khi đó, vào tuần trước, chính phủ Nhật Bản xác nhận một đợt can thiệp trị giá 36,8 tỷ yen sau khi đồng nội tệ quốc gia này giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với USD. Đây là đợt can thiệp thứ hai kể từ cuối tháng 5, là đợt can thiệp đầu tiên kể từ tháng 10/2022. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất tiêu chuẩn lên khoảng 0,25% từ mức trước đó là 0% đến 0,1%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.
Diễn biến này gây quan ngại về tác động đáng kể đến giao dịch chênh lệch lãi suất, vốn là một chiến lược giao dịch phổ biến trên thị trường tiền tệ và tác động đến cả thị trường tài chính. Giao dịch chênh lệch lãi suất thường có nghĩa là nhà đầu tư vay từ một quốc gia có lãi suất thấp (trong trường hợp này là Nhật Bản) rồi tái đầu tư số tiền đó vào tài sản của một quốc gia khác ở các nền kinh tế mới nổi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Trong tuần qua, Phố Wall đã cố gắng phục hồi sau những tổn thất nặng nề của phiên 5/8. Vào ngày 6-7/8, phiên giao dịch bắt đầu với các đợt tăng giá mạnh mẽ nhưng đã lắng xuống vào lúc đóng cửa. Một số nhà đầu tư cho rằng có thể sẽ có nhiều biến động hơn nữa. Theo quan điểm của các nhà đầu tư, sự phục hồi trong tuần này là dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang lo sợ bỏ lỡ lợi nhuận trong tương lai thay vì đây là tín hiệu cho thấy thị trường đang ổn định.
Tuần tới, các nhà đầu tư sẽ phân tích dữ liệu bán lẻ và thu nhập từ Home Depot cùng Walmart để hiểu rõ hơn về tình hình của người tiêu dùng Mỹ. Tiêu dùng vốn là một trụ cột của nền kinh tế Mỹ và khá nhạy cảm với thị trường việc làm.
Bangladesh rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị
Các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên Bangladesh phản đối hệ thống hạn ngạch việc làm trong cơ quan nhà nước cuối cùng đã biến thành cuộc nổi loạn buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và lên máy bay trực thăng rời đất nước.
15 năm cầm quyền của bà Hasina đã kết thúc sau nhiều tuần bất ổn của biểu tình bạo lực khiến gần 300 người thiệt mạng. Chính phủ đã cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc, bắt đầu từ 18 giờ ngày 4/8 theo giờ địa phương và cắt mạng internet, nhưng những động thái cứng rắn này đã phản tác dụng, làm bùng phát phản ứng phẫn nộ và tăng thêm các cuộc biểu tình.
Vào ngày 5/8, người biểu tình đã bất chấp lệnh giới nghiêm của quân đội để tiến vào trung tâm thủ đô. Khi quân đội rút lui và quyền truy cập internet được khôi phục, nhiều người bắt đầu ăn mừng trên đường phố.
Trước tình hình bất ổn tại Bangladesh, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/8 đã kêu gọi các bên ở nước này bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.
Ngày 6/8, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã giải tán Quốc hội nước này. Đây là một yêu cầu chủ chốt của các sinh viên dẫn đầu làn sóng biểu tình. Đến tối 8/8, chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006 Muhammad Yunus đã tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh. Nhiệm vụ chính của ông Yunus hiện nay là khôi phục ổn định ở Bangladesh và chuẩn bị cho những cuộc bầu cử mới.
Trung Đông tiếp tục nóng
Tình hình khu vực Trung Đông đã “tăng nhiệt” sau 2 vụ ám sát xảy ra vào cuối tháng7, nhằm vào nhân vật cấp cao của Hamas và Hezbollah. Hamas xác nhận thủ lĩnh chính trị của phong trào này Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công rạng sáng 31/7 tại thủ đô Tehran, sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Trong khi đó, quân đội Israel tuyên bố chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah tại Liban – ông Fuad Shukr đã tử vong trong cuộc không kích của Tel Aviv vào thủ đô Beirut của Liban đêm 30/7. Hamas, Hezbollah và Iran khẳng định thề sẽ trả đũa, làm dấy lên lo ngại bùng phát xung đột lớn hơn ở khu vực.
Hamas vào ngày 6/8 thông báo ông Yahya Sinwar là thủ lĩnh chính trị mới của phong trào này. Ông Sinwar là người đứng đầu Hamas ở Dải Gaza và được coi một trong những người lên kế hoạch cho cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào lãnh thổ Israel. Theo các chuyên gia, ông Sinwar có lập trường cứng rắn hơn nhiều về đàm phán hòa bình so với người tiền nhiệm Ismail Haniyeh.
Cơ quan y tế của Gaza cho biết, vào ngày 10/8, Israel đã tiến hành cuộc không kích nhắm vào trường học Tabeen ở Gaza City, khiến 80 người thiệt mạng. Đây được coi là một trong những cuộc không kích chết chóc nhất của xung đột Israel-Hamas đã kéo dài đến tháng thứ 10. Quân đội Israel xác nhận về cuộc không kích, tuyên bố rằng đã đánh trúng một trung tâm chỉ huy của Hamas bên trong trường học. Tuy nhiên, Hamas đã phủ nhận điều này.
Dưới đây là video về hiện trường vụ tấn công trường học tại Gaza City ngày 10/8 (nguồn: Reuters):
Tabeen giống như hầu hết các trường học ở Gaza, đã được sử dụng làm nơi trú ẩn cho người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột. Theo LHQ, tính đến ngày 6/7, 477 trong số 564 trường học ở Gaza đã bị tấn công trực tiếp hoặc hư hại trong xung đột.
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh các nhà trung gian Mỹ, Qatar và Ai Cập tiếp tục thúc đẩy Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn có thể giúp xoa dịu căng thẳng gia tăng trong khu vực. Ai Cập đánh giá cuộc tấn công vào trường học cho thấy Israel không có ý định đạt được thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột. Jordan cũng lên án vụ tấn công, gọi đây là động thái "vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế.
Ai Cập, Mỹ và Qatar đã lên lịch một vòng đàm phán ngừng bắn mới vào ngày 15/8. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận một phái đoàn sẽ được cử đến tham gia đàm phán vào ngày 15/8. Một quan chức Hamas xác nhận với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng nhóm này đang nghiên cứu đề nghị đàm phán mới nhưng không nêu chi tiết.
Mỹ-Trung Quốc bám đuổi nhau trên bảng tổng sắp huy chương Olympic
Trong tuần qua, Olympic Paris 2024 chứng kiến cuộc đua gay cấn giữa Mỹ và Trung Quốc trên bảng tổng sắp huy chương. Tính đến 17 giờ ngày 10/8 (giờ Việt Nam), đoàn Mỹ đã vượt lên dẫn đầu sau cuộc rượt đuổi sít sao với Trung Quốc. Mỹ hiện sở hữu 33 Huy chương vàng (HCV), 39 Huy chương bạc (HCB) và 39 Huy chương đồng (HCĐ). Đoàn Trung Quốc bám sát ở vị trí thứ 2 với cùng 33 HCV, 27 HCB và 23 HCĐ. Trong khi đó, đoàn Australia giữ vững ngôi vị số 3 với 18 HCV, 16 HCB và 14 HCĐ.
Trong khi đó, đội tuyển bóng đá nam Pháp gặp Tây Ban Nha ở chung kết. Đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha đã giành huy chương vàng với chiến thắng 5-3.
Thể thao Việt Nam khép lại hành trình mà không có bất cứ huy chương nào. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là VĐV Việt Nam thi đấu thành công nhất tại đại hội năm nay. Cô đứng thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và lọt vào vòng thi chung kết nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ.
Ngày 6/8 (giờ Paris), đô vật huyền thoại người Cuba, Mijáin López, đã trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV tại 5 kỳ Thế vận hội sau khi chiến thắng trong trận chung kết vật cổ điển hạng cân 130kg.
Tại Olympic Paris 2024, Thể thao Đông Nam Á có 11 đoàn, gồm 182 VĐV tranh tài. VĐV của Philippines, Carlos Yulo giúp khu vực Đông Nam Á có tấm HCV đầu tiên ở Olympic Paris 2024 với nội dung biểu diễn trên sàn môn thể dục dục cụ. Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn Thể thao Thái Lan đã giành được 1 HCV ở môn Taekwondo. Chiều 8/8, đoàn thể thao Indonesia đạt HCV ở nội dung tốc độ môn leo núi thể thao.