Nóng tuần qua: Đề nghị truy tố 29 bị can trong vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm; Nhập khẩu lợn Thái Lan để hạ giá trong nước
Tuần qua, dư luận quan tâm đến việc Công an thành phố Hà Nội đề nghị truy tố 29 bị can vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm; triển khai nhập khẩu thịt lợn Thái Lan để hạ giá trong nước và vụ sư cô bạo hành đệ tử ở chùa Long Nguyên.
Đề nghị truy tố 29 bị can vụ gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm, Hà Nội
Ngày 12/6, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã chuyển tới Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội toàn bộ hồ sơ và kết luận điều tra vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 9/1 khiến 3 chiến sỹ Công an hy sinh, đề nghị truy tố 29 bị can.
Theo đó, 29 bị can đã tham gia bàn bạc, lên kế hoạch và thực hiện hành vi chống đối, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ gồm Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh… đều trú ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Kết luận điều tra xác định, các bị can nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ Công an hy sinh. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, nhằm mục đích giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Riêng đối tượng Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, xuyên tạc nguồn gốc đất khu vực Đồng Sênh, kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện, cấu thành tội "giết người", tuy nhiên do Lê Đình Kình đã tử vong nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Kết luận điều tra cũng xác định, trong thời gian Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn thì lực lượng Công an thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự nhiều lần khi đến khu vực cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm đều bị các bị can dùng lựu đạn, bom xăng, gạch đá tấn công.
Mặc dù đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất là đất quốc phòng, ông Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn chia đất với những người dân tham gia khiếu. Đầu tháng 12/2019, ông Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Đối tượng Doanh đã làm thêm hơn 10 tuýp sắt để gắn dao phóng lợn. Trong các cuộc họp vào các ngày 6/1, 7/1 và 8/1/2020, ông Kình chỉ đạo: "Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết", "Nếu đất chưa (được) làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ (bị) cho trắng lưng ngửa bụng"...
Nhập khẩu lợn Thái Lan để hạ giá trong nước
Từ ngày 12/6, lợn sống sẽ được nhập từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi, giết mổ thương phẩm.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), việc cho nhập lợn sống từ Thái Lan về giết mổ thương phẩm sẽ tác động đến giá lợn hơi trong nước. Giá lợn hơi tại Thái Lan hiện chỉ 55.000-57.000 đồng/kg. Việc nhập khẩu lợn sống với số lượng lớn từ Thái Lan sẽ giúp giá mặt hàng này hạ nhiệt.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn. Tính đến ngày 11/6, các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu 80.000 con lợn sống từ Thái Lan.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nhập khẩu thịt lợn từ đầu năm đến cuối tháng 5 gặp nhiều khó khăn do nguồn lợn của cả thế giới giảm. Tổng đàn lợn của cả thế giới vào tháng 1/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng gần 12% so với năm 2019. Do đó, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Thời gian qua, có ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập khẩu hoặc có tham gia nhưng chỉ nhập được với số lượng ít thịt lợn vì vấn đề thị trường cung cầu, lợi nhuận kinh tế.
Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng, nhưng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết, nhất là đại dịch COVID-19 đang xảy ra, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa, các hoạt động thương mại bị đình trệ.
Thu hồi quyết định trụ trì chùa đối với sư cô bạo hành trẻ tại chùa Long Nguyên
Chiều 12/6, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo xử lý thu hồi quyết định trụ trì chùa và kỷ luật biệt chúng sám hối 6 tháng đối với Sư cô Thích nữ Thạnh Thảo do có hành vi bạo hành trẻ em trong chùa Long Nguyên (phường 4, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo đó, chiều 12/6, tại trụ sở Ban Trị sự (Việt Nam Quốc Tự), Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp xử lý vụ việc Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo (thế danh Nguyễn Thị Minh Hiếu, sinh năm 1974), người có hành vi bạo hành bé Đ.Ph, 10 tuổi, được phản ánh trong một clip lan truyền trên mạng xã hội từ đầu giờ chiều 11/6, trong clip có hình ảnh một người trong bộ quần áo ni cô có hành vi đánh đập một bé tiểu, vụ việc gây xôn xao dư luận và sau đó được xác định diễn ra tại chùa Long Nguyên và người có hành vi đánh bé tiểu là Sư cô Hạnh Thảo, trụ trì chùa Long Nguyên.
Sau khi lắng nghe, thảo luận, cân nhắc ý kiến của các ban chuyên ngành, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 4 và xét sự nghiêm trọng của vụ việc, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Long Nguyên, số 368/56 Tôn Đản, phường 4, quận 4 đối với Sư cô Thích nữ Hạnh Thảo, đồng thời thu hồi khuôn dấu chùa Long Nguyên; giao Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 4 và Phân ban Ni giới quận 4 liên hệ với thân nhân, cơ quan chức năng để 2 cháu bé đang ở nơi đây có nơi cư trú an ổn theo nguyện vọng và được bảo hộ đúng với pháp luật.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 4 và Phân ban Ni giới quận 4 trách nhiệm giám sát, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 4 chịu trách nhiệm quản lý cơ sở chùa Long Nguyên, ổn định sinh hoạt tu học và sinh hoạt tôn giáo theo tinh thần Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, các chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật hiện hành đối với cơ sở tôn giáo tại địa phương.