'Nóng' vấn đề tài nguyên, môi trường và đầu tư

Chiều ngày làm việc thứ hai (5/12), Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về lĩnh vực môi trường, đất đai và khoáng sản; chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT về các dự án chậm tiến độ và các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Cư chất vấn tại kỳ họp

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Cư chất vấn tại kỳ họp

* Các đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Cư, Đào Bảo Minh, Lơ Mô Tu và một số đại biểu khác chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy Rượu Vạn Phát, Bia Sài Gòn Phú Yên; việc gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy gạch Tuynel (TP Tuy Hòa); việc kê khai đăng ký đất đai; việc chuyển mục đích sử dụng đất; việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; việc chấp hành các quy định tại các mỏ khai thác khoáng sản?

- Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Duy Dương cho biết: Nhà máy sản xuất đường, cồn, gas CO2 của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT. Theo nội dung phê duyệt, toàn bộ nước thải sau xử lý được tuần hoàn, tái sử dụng hoàn toàn, không xả ra môi trường. Tuy nhiên, nhà máy này quá cũ, hoạt động không ổn định, có thời điểm vẫn có nước thải thoát ra môi trường. Sở TN-MT đã nhắc nhở công ty khắc phục ngay tình trạng trên, đồng thời kiến nghị Bộ TN-MT tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường.

Đối với Nhà máy Bia Sài Gòn Phú Yên, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1998, nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn (cột A), đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa chung của TP Tuy Hòa, điều này phù hợp với bối cảnh và quy định tại thời điểm bấy giờ. Khu vực nhà máy do đầu tư trước đó có nền thấp dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa. Sở TN-MT đã yêu cầu công ty chủ động thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề ngập úng tại nhà máy, đáp ứng với hạ tầng hiện hữu bên ngoài, trong đó lưu ý công ty phải thực hiện nghiêm việc xử lý nước thải đạt chuẩn cột A theo quy định và có các giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống xử lý và phòng tránh ngập úng, rò rỉ nước thải.

Còn Nhà máy gạch Tuynel, khi đi vào hoạt động thì vị trí nhà máy phù hợp phát triển sản xuất công nghiệp, xung quanh nhà máy không có dân cư. Tuy nhiên, hiện nay vị trí này không còn phù hợp, việc phản ảnh của người dân về các tác động môi trường từ nhà máy là đúng. Sở TN-MT đã phối hợp với các ngành và địa phương tham mưu, đề xuất di dời nhà máy này đến vị trí khác, tuy nhiên việc di dời cần có thời gian để doanh nghiệp tìm vị trí mới. UBND tỉnh đã thống nhất thời gian di dời nhà máy này chậm nhất đến tháng 12/2022.

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Duy Dương trả lời chất vấn

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Duy Dương trả lời chất vấn

Để thực hiện kê khai đăng ký đất đai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trên địa bàn tỉnh. Tổng số thửa cần kê khai đăng ký là hơn 40.080 thửa, tuy nhiên sau khi rà soát thì phát sinh đến khoảng 105.640 thửa. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay đã đạt khoảng 79% số thửa đất đã được kê khai theo hiện trạng, vẫn chưa hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã được xác định thực hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thực hiện các thủ tục xin phép chuyển mục đích theo quy định. Còn đối với thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cũng xác định thực hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thực hiện các thủ tục xin phép trước khi triển khai theo quy định. Việc thực hiện chuyển mục đích rừng sang mục đích khác phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp khoản tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Sở TN-MT đã phối hợp các ngành chức năng, địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất trong thời gian đến cho đến khi quy hoạch của tỉnh được phê duyệt và đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn thủ tục điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo nhu cầu thực tế của địa phương.

Sở TN-MT cũng đã phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan rà soát tất cả các mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện đấu giá quyền khai thác, tuy nhiên việc triển khai còn chậm so với kế hoạch. Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong tháng 12/2019; dự kiến sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong quý II/2020.

UBND tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện việc lắp đặt, vận hành trạm cân và truyền tải dữ liệu về Sở TN-MT để kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện. Để giải quyết dứt điểm việc đưa trạm cân vào vận hành, trong thời gian đến, sở sẽ tham khảo một số địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… để tham mưu UBND tỉnh xây dựng bộ phần mềm quản lý trạm cân và truyền tải dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và chính quyền địa phương. Đồng thời, Sở TN-MT tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện và vận hành trạm cân của các doanh nghiệp, kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản nếu phát hiện không đưa trạm cân vào hoạt động.

* Các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT về các dự án vốn ngoài ngân sách thực hiện chậm tiến độ; các dự án có sử dụng vốn ngân sách Trung ương phải điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng vốn đối ứng ngân sách tỉnh?

Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Cao Phi trả lời chất vấn

Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Cao Phi trả lời chất vấn

- Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Cao Phi cho biết: Đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ mà không có lý do chính đáng, tỉnh đã kiên quyết thu hồi theo quy định để tạo quỹ đất nhằm thu hút các nhà đầu tư khác có tiềm lực. Cụ thể, từ năm 2016-2018, Sở KH-ĐT đã tham mưu và UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động 16 dự án; từ đầu năm 2019 đến nay đã chấm dứt hoạt động 5 dự án. Tỉ lệ các dự án giải ngân đạt khoảng 7,6% là số liệu các dự án được triển khai thực hiện theo báo cáo từ năm 2016-2018. Việc giải ngân thấp là do đến cuối năm 2018, một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa hoàn tất thủ tục đầu tư và vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai. Nguyên nhân, hầu hết các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, một số nhà đầu tư chưa tích cực triển khai, năng lực tài chính không đảm bảo…

Thời gian qua, với sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nên tỉnh đã đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng có nhiều chuyển biến đáng kể, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Tuy nhiên, do ngân sách Trung ương còn khó khăn, việc hỗ trợ các dự án đã bố trí ngân sách giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh giảm, trong đó có Phú Yên.

Để tiếp tục đầu tư các dự án này, cần phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, trong đó tăng phần vốn đối ứng ngân sách tỉnh để dự án đủ điều kiện triển khai. Sở KH-ĐT đã phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 từ nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh là 7.479 tỉ đồng; bổ sung vốn đối ứng cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.359 tỉ đồng và bổ sung vốn cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 phần vốn ngân sách tỉnh là 6.120 tỉ đồng.

ANH NGỌC (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/232292/-nong--van-de-tai-nguyen-moi-truong-va-dau-tu.html