'Nóng' việc chuyển giao, sáp nhập ngân hàng
Tại các cuộc đại hội cổ đông ngân hàng thời gian này, các cổ đông liên tục đưa ra những chất vấn liên quan đến việc sáp nhập, chuyển giao các ngân hàng yếu kém.
Chiều 21/4, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã trình cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng thương mại.
Theo MSB, việc sáp nhập mang tới hiệu quả hoạt động cao hơn cho ngân hàng khi tận dụng được nền tảng công nghệ, nguồn lực giao dịch hay mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch…
Tuy nhiên, chất vấn tại đại hội, cổ đông MSB băn khoăn về phương thức kinh doanh sau sáp nhập và liệu có phải hạch toán chung khoản nợ xấu hay không cũng như ngân hàng nhận sáp nhập là ngân hàng nào...
Giải đáp những câu hỏi trên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB - khẳng định, hội đồng quản trị và ban điều hành rất thận trọng khi đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó. Trước mắt, xin ý kiến cổ đông rồi hội đồng quản trị sẽ tiếp tục đánh giá để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Linh cũng nhắc lại việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB) từ năm 2015: "Nhìn vào việc sáp nhập với MDB trong những năm vừa qua thì MSB cũng đã có những kinh nghiệm quản trị nên quá trình sáp nhập không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như vấn đề xử lý nợ".
Là cổ đông lớn của ngân hàng, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị MSB - cho biết, việc đưa ra xin ý kiến cổ đông tại đại hội chỉ mới là bước xin chủ trương ban đầu, còn việc sáp nhập ngân hàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước quyết định cuối cùng.
"Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt", ông Tuấn nói.
Tuy vậy, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Do đó, tờ trình về việc sáp nhập này của MSB không được đại hội cổ đông thông qua.
Tại đại hội cổ đông của Vietcombank ngày 21/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đã trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Hiện Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc và đang đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài Vietcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) cũng là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.
Tại đại hội cổ đông ngày 18/4, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank - cho biết mọi việc "vẫn trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng và hiện chỉ có thể thông tin như vậy".
Trở lại với việc nhận chuyển giao bắt buộc, hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.
Còn với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được nâng room vốn ngoại lên 49%.
Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém; trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
Ngân hàng Nhà nước nhận định việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, kinh tế - xã hội và không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ ngân hàng.
Như vậy, các ngân hàng thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có cơ hội được nới room ngoại, tăng dư địa cho các phương án huy động vốn, nâng cao năng lực tài chính...
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nong-viec-chuyen-giao-sap-nhap-ngan-hang-post1528366.tpo