'Nóng' việc xử lý hành chính, đưa lao động ra nước ngoài
Sáng 10-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các dự án luật quan trọng này.
Cắt điện, nước để xử phạt hành chính, nên hay không?
Một trong những nội dung trong dự án luật được các đại biểu thảo luận sôi nổi là việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Theo các đại biểu, vấn đề đặt ra là có nên coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Theo đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk), nếu áp dụng ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn thì cần xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao. “Tôi lựa chọn đó là biện pháp cưỡng chế thì sẽ tốt hơn rất nhiều, không nên coi đó là biện pháp trước. Bởi lẽ nếu áp dụng trước, sau đó rất có thể lại thành không đúng. Đến lúc đó, tính toán bồi thường như thế nào rất phức tạp”, đại biểu Ngô Trung Thành phân tích, đồng thời cho rằng, nếu áp dụng là biện pháp xử lý trước thì rất dễ bị lợi dụng.
Ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương, đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) nêu, thực tế có nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, thậm chí còn tiếp tục có hoạt động gây ô nhiễm môi trường. “Chính quyền địa phương cũng rất bức xúc. Các tỉnh, thành phố khi được hỏi lý do vì sao thì họ đều trả lời là không có biện pháp bổ sung để thi hành. Họ kiến nghị cần có biện pháp này, tức là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Dự thảo luật đặt ra quy định này, tôi nhất trí”, đại biểu Trần Văn Minh nêu ý kiến.
Tuy nhiên, góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Đoàn Sóc Trăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) lại cho rằng, quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm chỉ là giải pháp không cần thiết và suy cho cùng chỉ về kinh tế. Theo đại biểu, ngừng cung cấp điện, nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng.
Thay vì cắt điện, nước nên tăng khung hình phạt vi phạm hành chính gấp 10-50 lần hiện nay để răn đe. Đây cũng là biện pháp tác động vào kinh tế người vi phạm, nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội và người vi phạm phải chấp hành. Ai không chấp hành thì xử phạt cao hơn, ông Nguyễn Văn Thể đề xuất.
Lừa đảo xuất khẩu lao động, đại biểu lo lắng
Thảo luật về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, luật này không điều chỉnh đối với người đi lao động trái phép, không theo hợp đồng. Đơn cử, vụ 39 người chết trên xe container tại Anh không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này mà là vượt biên trái phép.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thực tế thời gian qua cho thấy, không ít người dân bị lừa đưa đi xuất khẩu lao động, phải làm việc trong một môi trường vất vả. Trong khi đó, họ phải nộp một khoản phí lớn cho doanh nghiệp tương đương mấy tháng lương đặt cọc để bảo đảm họ không trốn về nước. Tại diễn đàn Quốc hội, có nhiều ý kiến chất vấn tại sao để người lao động rơi vào tình cảnh này; việc môi giới lừa gạt như vậy là trái pháp luật, cưỡng bức lao động.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phải nhận thức cho đúng, bởi bản chất ở đây không phải là xuất khẩu lao động mà là đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc và chúng ta sẽ cử đại diện khi đưa lao động đi. Tại các quốc gia có nhiều lao động, Việt Nam sẽ có tham tán thương mại thực hiện việc bảo hộ công dân. Các vấn đề liên quan đến tai nạn lao động sẽ được xử lý theo pháp luật sở tại. Những doanh nghiệp lợi dụng việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động để thu phí môi giới là trái pháp luật và phải bị xử lý nghiêm.
Góp ý về dự án luật này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, có mong muốn đi lao động ở nước ngoài để cải thiện kinh tế gia đình nhưng lại vướng vào các công ty lừa đảo. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp để giúp những lao động đạt được mong muốn và giảm được chi phí. Cùng với đó, cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn lực để phát triển đất nước, đón đầu làn sóng đầu tư. Đại biểu đề nghị phải có chính sách phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu ra nước ngoài lao động vừa bảo đảm nguồn lao động trong nước trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào một số nội dung: phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; bên ký kết nước ngoài; nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; về việc ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.