Nộp 12,5 tỷ đồng khắc phục, bị cáo Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát án tử?
Theo ý kiến của luật sư, nếu bị cáo Nguyễn Bắc Son khắc phục được ít nhất 3/4 số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ thì bị cáo này có thể thoát án tử.
Sáng nay (21/12), mở đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, gia đình bị cáo này đã gom được 12,5 tỷ để khắc phục cho hậu quả.
“Sáng nay, tôi có nhận được đơn và trình HĐXX, thực hiện ý nguyện của bị cáo Son nên gia đình và người bạn đã tập hợp được 12 tỷ 500 triệu để nộp cho bị cáo Son. Trong thời gian chưa nộp đủ, thì gia đình sẽ đưa giấy tờ căn nhà chung giữa vợ và ông Son nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra để đủ số tiền 3 triệu USD khắc phục hậu quả", luật sư bào chữa cho bị cáo Son cho biết.
Trước đó, sáng 20/12, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG. Trước khi vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nêu quan điểm giải quyết vụ án, sau đó đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình về tội Nhận hối lộ.
Về mức án này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, ông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi phạm tội nhận số tiền hối lộ hơn 3 triệu USD của các đồng phạm. Đến thời điểm chưa thấy khắc phục hậu quả, gây thiệt hại lớn, thì Viện Kiểm sát đề nghị mức phạt tử hình là hợp lý.
Theo luật sư Cường, tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người phạm tội nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Về thông tin gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gom hơn 12,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả, luật sư Cường cho biết, căn cứ vào điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, nếu ông Nguyễn Bắc Son tự nguyện bồi thường, khắc phục được 3/4 số tài sản nhận hối lộ, đồng thời có thêm tình tiết là tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc lập công lớn, thì có thể được chuyển từ án tử hình sang án chung thân.
"Còn nếu chỉ bồi thường, khắc phục hậu quả mà không có thêm tình tiết tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, hoặc lập công thì không được áp dụng quy định để chuyển án tử hình xuống tù chung thân", luật sư Cường phân tích.
Bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, mức án Viện Kiểm sát đề nghị cho bị cáo Nguyễn Bắc Son là hợp lý. Bởi theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người phạm tội nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trước hoặc trong quá trình xét xử, nếu bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì cơ quan tố tụng xem đó là tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị mức hình phạt và quyết định mức hình phạt.
“Nếu người bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, hay tội nhận hối lộ mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ sau khi bị kết án thì hình phạt sẽ được chuyển hình phạt từ khung tử hình xuống chung thân”, luật sư cho biết.