Nộp tiền quỹ để tri ân đang làm khổ giáo viên

Mong rằng, ngày càng nhiều trường học nói không với việc Ban đại diện cha mẹ học sinh dùng quỹ hội phụ huynh để làm quà tặng tri ân thầy cô.

Phụ huynh bức xúc chủ yếu vì những khoản tiền chi cho hoạt động tri ân thầy cô giáo

Vừa qua, có trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông báo khẩn đến ban đại diện cha mẹ học sinh của trường từ chối việc tri ân tập thể sư phạm nhà trường nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

 Hãy để các em tự bày tỏ tấm lòng của mình trước thầy cô. Ảnh: Phan Tuyết

Hãy để các em tự bày tỏ tấm lòng của mình trước thầy cô. Ảnh: Phan Tuyết

Sau thông báo này, nhà trường cũng lưu ý việc thực hiện đúng Điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ ban hành, tránh trường hợp thực hiện không đúng quy định gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường.[1]

Thời gian qua, nhiều bài báo đã phản ánh về câu chuyện lạm thu ở một số trường học. Trên các diễn đàn xã hội, phụ huynh cũng chia sẻ bức xúc về hội phí và việc tặng quà giáo viên.

Trong bảng dự kiến thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh ở một lớp tại Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi số tiền sẽ tặng thầy cô như giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trưởng trường sẽ được tặng mỗi người 1 triệu đồng; một giáo viên quản sinh và 2 phục vụ dự kiến sẽ được tặng mỗi người 300.000 đồng, 11 giáo viên bộ môn còn lại dự kiến sẽ tặng mỗi người 500.000 đồng; chi hoạt động cuối năm 1 triệu đồng. [2]

Những thông tin như vậy ồn ào đầu năm học khiến không ít giáo viên chạnh lòng.

Tri ân thầy cô không đáng trách chỉ trách cách làm chưa phù hợp

Tri ân thầy cô là truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay. Vào mỗi dịp lễ, Tết hay ngày kỷ niệm, nhiều phụ huynh học sinh luôn dành những món quà, những bó hoa đến thăm hỏi, chúc mừng và cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt con mình.

Do mong muốn được tặng, thực tâm muốn tri ân thầy cô nên người tặng quà luôn vui vẻ, còn người nhận cũng cảm thấy vui, thấy ấm lòng và hạnh phúc vì như được nhận cả một tấm lòng.

Học sinh tri ân thầy cô giáo, phụ huynh bày tỏ lòng cảm ơn đến người thầy của con mình luôn là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng trong mắt bao người.

Tuy thế, những năm gần đây, việc tặng quà giáo viên vào những ngày lễ, Tết đã không còn thực tâm như trước. Người tặng vì một lý do gì đó đôi khi miễn cưỡng hoặc bị vào thế bắt buộc thường tỏ ra bất bình, khó chịu.

Khi việc tặng quà không xuất phát từ tâm dẫn đến sự bức xúc, coi thường. Một số người có lời lẽ công kích, lên án bằng những ngôn từ vô cùng khó nghe.

Cứ gần vào các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm của ngành giáo, đọc những bài viết, những lời bình luận về việc tặng quà thầy cô, người viết là giáo viên cảm thấy không khỏi đau lòng. Người ủng hộ thì ít, người miệt thị, phỉ báng lại quá nhiều.

Người trong nghề hiểu được, không có thầy cô nào (hoặc nếu có cũng chỉ là thiểu số) lại đi đòi hỏi việc tặng quà từ học sinh. Cũng là một số phụ huynh khởi xướng và cũng một số phụ huynh phản đối những chuyện thế này.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn như thế nhưng nguyên nhân lớn nhất là cách làm chưa đúng của một số ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường học. Phụ huynh trong lớp đã mất dần cái quyền tri ân tặng quà ít hay nhiều tùy vào điều kiện kinh tế, vào tấm lòng người tặng.

Một số lớp, số trường lại làm theo kiểu “đồng phục” buộc tất cả học sinh trong lớp (ai cũng như ai) phải góp một số tiền (đôi khi khá lớn) và dùng số tiền ấy để làm quà tặng thầy cô.

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế thì vài trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng cũng không vấn đề gì. Thế nhưng, những gia đình nghèo, khó khăn, có đông con đi học là một áp lực lớn về kinh tế. Khi bị ép buộc phải đóng, họ sẽ sinh ra bực tức, bất bình.

Từ đó, chuyện tặng quà để tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô vốn tốt đẹp là thế, bỗng trở nên xấu xa trong con mắt bao người. Thầy cô là người phải hứng chịu tất cả những giận dữ đó.

Hãy trả lại sự tri ân trong sáng

Những món quà không có tội, thầy cô cũng không đáng phải nhận sự lên án, bỉ bôi của không ít người.

Đáng trách chỉ là cách làm không đúng của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường học. Đó là việc, họ quy định học sinh cả lớp phải nộp một khoản tiền khá lớn để mua quà hoặc gửi phong bì tặng thầy cô vào các dịp lễ, Tết.

Quà tặng thay vì tự nguyện đã trở thành bắt buộc. Khi tặng quà được xuất phát từ mong muốn thì chẳng ai kêu ca. Nhưng tặng trong thế bị ép buộc thì dù chỉ phải vài chục ngàn cũng có sẽ có không ít người khó chịu.

Trước đây, mỗi dịp đến ngày 20/11 hoặc ngày Tết, trong lớp có em được cha mẹ mua quà chở đến tận nhà tặng thầy cô. Có em lại tụ tập theo từng nhóm để đi chung.

Gia đình khá giả thì cha mẹ mua tặng thầy cô những món quà đắt tiền hơn. Những gia đình khó khăn, các em góp tiền lại mua cuốn sổ, cây viết hay bó hoa đến tặng. Có em lại tặng “cây nhà lá vườn” như ít trái cây, vài bó rau sạch hay món đặc sản vùng miền của mình…

Đón các em, thầy cô cũng chuẩn bị bánh kẹo, trái cây hoặc nấu chè. Học sinh đến, thầy cô cùng các em vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Nếu có những món quà là đồ ăn thức uống cũng sẽ được thầy cô bỏ ra cho các em ăn cùng. Thế mà, ai cũng thấy vui, thấy nhớ.

Ban đại diện cha mẹ học sinh hãy dừng việc yêu cầu học sinh trong lớp góp tiền để mua quà, đi phong bì thầy cô vào các dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm. Đừng bắt buộc phải nộp tiền để tặng quà thầy cô, hãy để chuyện này cho chính phụ huynh, học sinh quyết định.

Mong rằng, ngày càng nhiều trường học nói không với việc ban đại diện cha mẹ học sinh dùng quỹ hội phụ huynh để làm quà tặng tri ân thầy cô như một số lớp được báo chí phản ánh vừa qua.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/ban-dai-dien-cmhs-keu-goi-gop-tien-lam-tiec-2011-hieu-truong-yeu-cau-dung-post246506.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/xon-xao-1-lop-o-thcs-mac-dinh-chi-du-kien-tang-tien-hieu-truong-gv-dip-2011-post245902.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nop-tien-quy-de-tri-an-dang-lam-kho-giao-vien-post246547.gd