Nốt trầm của bóng đá Indonesia
Tham vọng, tiền bạc lẫn tình yêu bóng đá, Indonesia đều không thiếu. Nhưng thể hiện chúng và quản lý thế nào cho đúng thì nền bóng đá xứ vạn đảo vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời.
Kỳ SEA Games gần nhất diễn ra trên đất Indonesia vào năm 2011 là trải nghiệm không bao giờ quên với người hâm mộ bóng đá trung lập. Hai giờ trước khi trận chung kết giữa Indonesia và Malaysia bắt đầu trên sân Bung Karno, cảnh sát xác nhận có hai người thiệt mạng vì bị đám đông dẫm đạp trên đường vào cổng.
88.000 chỗ là sức chứa của Bung Karno nhưng hơn 100.000 khán giả tràn vào sân hôm ấy để chờ đợi tấm huy chương vàng bóng đá nam đầu tiên của Indonesia sau 20 năm. Nhiều khán giả, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bị chèn ép tới nghẹt thở theo đúng nghĩa đen.
Cảnh sát bất lực trong việc giải tán đám đông để đảm bảo an toàn. Những gì đội ngũ an ninh có thể làm là sơ cứu tạm bợ ngay trên sân với khăn ướt, xô nước,... Hình ảnh biểu tượng của trận chung kết SEA Games 2011 ấy sau cùng lại là hai cảnh sát trèo qua hàng rào để ôm lấy một CĐV nhí dường bị ngất vì sốc nhiệt.
Dưới sân, U23 Indonesia thua đại kình địch Malaysia trên chấm luân lưu. Cuộc đấu hội tụ đủ mọi yếu tố để "vỡ sân". Tuy nhiên, xe bọc thép, cứu hỏa, cứu thương cùng đội ngũ cảnh sát hùng hậu đã ngăn cản sự cố này trở thành thảm họa.
Không phải trận đấu nào tại Indonesia cũng có được sự hậu thuẫn lớn thế này trong công tác an ninh. Những tình huống vỡ sân tại bóng đá tại xứ sở vạn đảo nhiều như nấm sau mưa vì sự cuồng nhiệt thái quá từ CĐV. Ở chiều ngược lại, chất lượng thật sự của nền bóng đá Indonesia không đáp ứng được kỳ vọng khổng lồ này.
Hổ giấy của khu vực Đông Nam Á
Lần cuối bóng đá Indonesia giành huy chương vàng tại SEA Games là năm 1991. Ở đấu trường AFF Cup, Indonesia thậm chí chưa từng chạm tay tới ngôi vị cao nhất. Bất chấp việc là quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, và sở hữu văn hóa cổ vũ cuồng nhiệt, Indonesia thực tế chỉ là nền bóng đá với thành tích hạng hai khu vực.
Indonesia nổi tiếng với việc chi tiền thuê thầy ngoại dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Từ Brazil, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Nam Tư cũ đến Liên Xô cũ, quốc gia hùng mạnh nào cũng từng có HLV tới Indonesia làm việc. Song, thành công là điều xa xỉ.
Có nhiều lý giải cho hiện tượng này. Đầu tiên là văn hóa. Simon McMenemy, nạn nhân gần nhất của lò xay HLV tại Indonesia nhấn mạnh sau khi bị LĐBĐ nước này sa thải vào năm 2020:
"Tôi nghĩ dẫn dắt tuyển Indonesia là công việc khó khăn nhất tại châu Á. Đặc biệt là với những người am hiểu bóng đá vì ai cũng biết Indonesia rất rộng lớn và có nhiều tài năng, nhưng đồng thời có quá nhiều rắc rối xung quanh. Đó là một thử thách lớn, và bạn phải cố gắng hiểu được người Indonesia cũng như văn hóa của họ để có thể thành công".
Người Indonesia hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, nhưng luôn đặt áp lực lớn đến các cầu thủ cũng như HLV. Những HLV ngoại không hiểu văn hóa như McMenemy luôn phải đối diện với những chỉ trích không ngừng nghỉ mỗi khi có kết quả không như ý.
Xu hướng đổ lỗi mặc nhiên cho HLV đến ngay cả khi bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự đi xuống của nền bóng đá Indonesia thực tế là LĐBĐ nước này - PSSI.
Ngày 30/5/2015. FIFA phạt bóng đá Indonesia vì để chính phủ can thiệp vào hoạt động của PSSI, dẫn đến việc trì hoãn các giải đấu trong nước. Án phạt này cướp đi vòng loại World Cup 2018, Asian Cup 2019 của ĐTQG Indonesia cũng VCK U23 Châu Á 2018 của đội U23.
Việc ĐT Indonesia không thể đua tranh với các nền bóng đá trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia thực tế là chuyện nghiễm nhiên. Song người Indonesia cần nhân vật sẵn sàng giơ đầu chịu báng. Đó luôn là các HLV ngoại.
Hiện tượng kéo dài này khiến thành tố quan trọng nhất bóng đá Indonesia ỷ lại: cầu thủ. Những ngôi sao không cần cố gắng nhưng nghiễm nhiên được triệu tập và được CĐV tôn sùng. Điều này chỉ thay đổi khi HLV Shin Tae-yong cập bến, đuổi hàng loạt các ngôi sao cựu trào khỏi tuyển quốc gia và đặt niềm tin vào nhóm cầu thủ trẻ.
Bạo lực
Ít nhiều thay đổi tích cực đã tới khi nhà cầm quân Shin Tae-yong tới xứ vạn đảo. Song, dĩ nhiên chừng đó là không đủ để bóng đá Indonesia thay đổi. Lối đá bạo lực cùng tư duy đá đến chết đã ăn sâu vào trong tiềm thức của văn hóa bóng đá Indonesia.
Thảm họa khiến 125 người chết mới đây tiếp tục là minh chứng cho thấy công tác quản lý bóng đá cùng tư duy bạo lực phá hoại khiến bóng đá Indonesia suy yếu thế nào. Năm 2017, thủ môn Choirul Huda của CLB Persela Lamongan (giải VĐQG Indonesia) đã qua đời sau một tình huống va chạm kinh hoàng với người đồng đội Ramon Rodrigues.
Chỉ vì ham bóng, Ramos khiến đồng đội ngất ngay trên sân trước khi không qua khỏi trên đường nhập viện. Những tại nạn kiểu này không đủ để bóng đá Indonesia thay đổi tư duy bạo lực.
Các CĐV vẫn coi nhưng pha vào bóng triệt hạ là biểu tượng của mạnh mẽ, hay việc tấn công lẫn nhau là hình thái thể hiện của tình yêu bóng đá.
Những hành động cổ xúy bạo lực này của CĐV Indonesia chỉ càng khiến những quả ngọt mà HLV Shin Tae-yong tốn công bồi dưỡng trên sân cỏ có nguy cơ bị lãng quên.
Thảm họa mới đây khiến Indonesia mất điểm nặng với FIFA. Theo Bola, PSSI đang lo ngại thảm kịch ở Kanjuruhan có thể khiến Indonesia chịu án phạt nặng của FIFA, dẫn đến mất quyền đăng cai U20 World Cup 2023. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đòn giáng quá nặng vào tham vọng gượng dậy từ biến cố vào năm 2015 của nền bóng đá xứ vạn đảo.
Tham vọng, tiền bạc lẫn tình yêu bóng đá, Indonesia đều không thiếu. Nhưng thể hiện chúng và quản lý thế nào cho đúng thì nền bóng đá xứ vạn đảo vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời.
Giấc mơ vươn tầm bóng đá của Indonesia vì thế sẽ chỉ là ảo tưởng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/not-tram-cua-bong-da-indonesia-post1361597.html