'Nốt trầm' của cử tạ Việt Nam

Là môn trọng điểm, có đóng góp quan trọng cho thể thao Việt Nam, song sức hút của cử tạ với các mạnh thường quân, nhà tài trợ vẫn còn khá mờ nhạt.

Báo cáo tài chính của Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam nhiệm kỳ I (2015-2019) nêu rõ: Liên đoàn có tổng tài chính hơn 11 tỷ đồng và số dư cuối kỳ đến thời điểm tổ chức đại hội là 3,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, phần lớn doanh thu trên đến từ các hoạt động thể hình. Riêng với cử tạ, thu nhập chủ yếu đến từ lệ phí thi đấu, các khóa đào tạo do liên đoàn tổ chức. Nguồn thu đến từ tài trợ cho liên đoàn, đặc biệt là cử tạ không đáng kể. Thậm chí, trong năm 2018 và 2019, cử tạ không có tài trợ.

 Đô cử Vương Thị Huyền - tấm gương nỗ lực vượt khó. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Đô cử Vương Thị Huyền - tấm gương nỗ lực vượt khó. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Trong làng thể thao Việt Nam, cử tạ đang sở hữu nhiều thành tích ấn tượng. Nổi bật trong đó là tấm Huy chương Bạc của đô cử Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008. Trong 5 năm qua, cử tạ vẫn là môn thể thao trọng điểm của Việt Nam. Các đô cử Việt Nam chưa thể tái lập thành tích giành huy chương Olympic nhưng cũng gây ấn tượng mạnh ở các đấu trường khu vực và châu lục. Gần nhất tại SEA Games 30, cử tạ Việt Nam giành tới 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng-đây là thành tích tốt nhất trong lịch sử các lần tham dự SEA Games. Đặc biệt, tại Olympic trẻ thế giới 2018, lực sĩ Ngô Sơn Đỉnh xuất sắc giành Huy chương Vàng hạng cân 56kg nam.

Không chỉ đóng góp về mặt thành tích, hình ảnh vượt khó của các đô cử Việt Nam để khẳng định tài năng đã được đông đảo người hâm mộ biết đến. Những câu chuyện cảm động về số phận và sự nghiệp của Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên... nhiều lần truyền cảm hứng cho giới trẻ. Vinh quang là vậy, vất vả cũng không ít, nhưng điều đáng tiếc là đến thời điểm này chưa có một đội hay một vận động viên (VĐV) cử tạ nào có thêm nguồn thu ngoài lương, thưởng. Đây thật sự là “nốt trầm” của cử tạ Việt Nam.

Xã hội hóa trong thể thao đã được nói đến, nghiên cứu và triển khai nhiều trong thời gian qua. Bởi muốn hướng đến một nền thể thao chuyên nghiệp, bứt phá thì không thể chỉ trông chờ vào ngân sách. Với thể thao Việt Nam hiện nay, một số môn, như: Bóng đá, bóng chuyền... đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực bên ngoài. Nhưng không phải bộ môn nào cũng có ưu thế, sức hút, sự quan tâm của người hâm mộ. Trong đó, cử tạ và thể hình còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; các VĐV, nhất là VĐV nữ đã phải vất vả để vượt qua rào cản về sự thay đổi của ngoại hình, lận đận về tình duyên khi theo môn này.

Để cử tạ huy động được nguồn lực tài trợ thì không chỉ cần sự quan tâm của các mạnh thường quân, người hâm mộ mà ngay chính Liên đoàn Cử tạ-Thể hình Việt Nam cũng cần phải thay đổi. Điều đáng nói, trong danh sách 29 thành viên được bầu vào Ban chấp hành liên đoàn nhiệm kỳ II (2020-2025) thì đa phần là cán bộ quản lý của ngành thể thao. Sự tham gia của đại diện các câu lạc bộ cử tạ-thể hình, doanh nghiệp là không đáng kể. Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, băn khoăn: “Bộ máy của liên đoàn hiện nay chủ yếu là những người không chuyên về lĩnh vực kinh doanh. Đây là điều đáng lưu tâm”.

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: "Tài chính là vấn đề khó khăn với nhiều liên đoàn thể thao tại Việt Nam chứ không riêng cử tạ. Hiện nay, trong công tác tài trợ của các liên đoàn thường vẫn dùng mối quan hệ cá nhân để giải quyết. Cách làm này không còn phù hợp nữa. Điều đáng tiếc, cử tạ có thế mạnh riêng nhưng vẫn chưa biết cách khai thác tiềm năng đó. Liên đoàn phải tìm cách làm cho hình ảnh của cử tạ sống động, hấp dẫn để thu hút tài trợ".

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/not-tram-cua-cu-ta-viet-nam-624226