Nova Consumer báo lỗ 43 tỷ đồng trước ngày lên sàn
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nova Consumer này ghi nhận doanh thu thuần giảm 7% xuống gần 3.200 tỷ đồng, trong khi lỗ sau thuế 74,5 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 250 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu NCG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer) trên sàn UPCom. Đây là công ty thành viên của NovaGroup, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi mở rộng dần sang mảng bán lẻ.
Theo đó, gần 120 triệu cổ phiếu NCG sẽ chào sàn vào phiên thứ 5, ngày 9/11/2023, với mức giá tham chiếu là 38.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, công ty được định giá khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương 190 triệu USD.
Niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCom là kế hoạch đã được ban lãnh đạo Nova Consumer thông báo tại ĐHCĐ thường niên diễn ra hồi giữa năm nay, sau khi không thể niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Trước đó, vào tháng 3/2022, Nova Consumer đã hoàn tất đợt chào bán ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng, thu về 479,6 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, Nova Consumer có 256 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông lớn nắm giữ gần 90% cổ phần công ty gồm Công ty Thương mại Bảo Khang (65,61%) và Công ty Đầu tư A.N.O.V.A (13,72%) và Foremost WorldWide Limited – tổ chức thuộc VinaCapital nắm giữ 10,66%.
Khoản đầu tư vào Nova Consumer của VinaCapital đã thua lỗ khá nặng sau khi quỹ này đã rót 25,2 triệu USD để mua cổ phần của Nova Consumer, kèm điều kiện quyền chọn bán cho NovaGroup.
Tuy nhiên, do các diễn biến bất lợi của thị trường nên Nova Consumer đã không thể niêm yết cổ phiếu trên HOSE theo cam kết.
Do đó VOF đã thực hiện quyền chọn bán lại khoản đầu tư này cho NovaGroup với giá gốc kèm theo một khoản lãi. Mặc dù vậy, NovaGroup đang trong quá trình tái cấu trúc và gặp khó khăn về tài chính nên đã không thể thực hiện nghĩa vụ mua lại.
Trong thông báo mới nhất, quỹ đầu tư VOF đã thông báo đánh giá lại các khoản đầu tư chưa được niêm yết nắm giữ trong danh mục đầu tư, ghi nhận giá trị tăng thêm 54,3 triệu USD, tương ứng khoảng 1.300 tỷ đồng, song vẫn con số thấp hơn chi phí và lợi nhuận dự kiến ban đầu.
Cụ thể, khoản đầu tư vào vốn cổ phần đại chúng với các điều khoản riêng biệt (được gọi tắt PEPT) ghi nhận tăng 26,8 triệu USD sau khi đánh giá lại giá trị, liên quan tới đầu tư vào các Dự án Norfolk (Novaland), Nova Consumer Group, Đất Xanh Services và Hưng Thịnh Land.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, Nova Consumer ghi nhận doanh thu thuần giảm 22% xuống còn hơn 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm gần 26% về còn 110 tỷ đồng.
Khấu trừ các loại thuế, chi phí tài chính và chí phí hoạt động, Nova Consumer lỗ sau thuế quý 3 gần 43,5 tỷ đồng so với mức lãi 64 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nova Consumer này ghi nhận doanh thu thuần giảm 7% xuống gần 3.200 tỷ đồng, trong khi lỗ sau thuế 74,5 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 250 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.
Theo thuyết minh, mặc dù được định hướng mở rộng dần sang phát triển mảng bán lẻ, doanh thu thuần của Nova Consumer chủ yếu vẫn đến từ hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi với hơn 2.260 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng doanh thu thuần.
Năm 2023, Nova Consumer đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng trưởng 15% lên mức 5.625 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 70% về 88 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới thực hiện được 57% kế hoạch doanh thu và còn cách xa mục tiêu lợi nhuận.
Nova Consumer tiền thân là Anova Corp - thuộc Nova Group. Sau khi tái cấu trúc, Nova Consumer đã xây dựng chiến lược từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng, định hướng hoạt động theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) để sản xuất thực phẩm chất lượng cao, an toàn đến tay người tiêu dùng.
Chiến lược này giúp Nova Consumer khép kín chuỗi sản xuất và tránh những tác động từ bên ngoài; tự chủ, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng các yếu tố đầu vào, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra cao nhất.