Novatek đang nhằm vào thị trường Việt Nam
Lãnh đạo Novatek đang thu xếp vào làm việc với Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 8 tới.
Novatek quyết định thành lập công ty con Novatek LNG Fuel với mục tiêu chính - xây dựng các nhà máy LNG công suất thấp (small LNG), bán buôn và phát triển mạng lưới bán lẻ LNG (nhiên liệu động cơ và công cụ phục vụ khí hóa thị trường nội địa). Trong năm 2020, Novatek đã đưa vào vận hành nhà máy LNG quy mô 40.000 tấn/năm tại thành phố Magnitogorsk, sở hữu mạng lưới bán lẻ gồm 12 trạm nạp LNG. Novatek LNG Fuel có kế hoạch tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ và phát triển thêm các cơ sở sản xuất LNG.
Các dự án LNG của Novatek liên doanh với các đối tác Pháp, Đức, Nhật và Trung Quốc. Dự án Arctic LNG 2 đang được triển khai có giá trị ước tính trên 20 tỷ USD (net) và đã tìm được nhà đầu tư cho 40% dự án. Phần kinh phí đầu tư còn lại sẽ được Novatek tự thu xếp. Đại diện của Novatek cho biết, công ty này không nhất thiết phải chia sẻ 60% dự án này cho bên thứ 3 vì chưa thấy cần thiết. Ngoài các vấn đề tham gia thị trường khí, Novatek có thể đề cập đến việc tham gia xây dựng kho LNG nổi và cải tạo môi trường (khôi phục rừng) tại Việt Nam.
Lãnh đạo Novatek đang thu xếp vào làm việc với Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 8 tới. Các nội dung trao đổi sẽ xoay quanh khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam của Novatek, không chỉ bao gồm tham gia dự án Cà Ná với các đối tác như Total, Siemens, Zarubezhneft, PVPower mà còn liên quan đến việc tiếp cận thị trường khí đốt đang phát triển của Việt Nam, đồng thời, có thể mời phía Việt Nam tham gia các dự án của Novatek tại LB Nga.
Trong chuyến làm việc này, phía bạn dự kiến có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ công thương và lãnh đạo Petrovietnam. Tỷ phú Leonid Mikhelson (theo Forbes, 24,9 tỷ USD, 04/2021) hiện làm Tổng giám đốc Novatek và là chủ tịch HĐQT Tập đoàn hóa dầu SIBUR, lớn nhất nước Nga.
Được biết, Novatek và Gazprom là hai nhà sản xuất và xuất khẩu LNG lớn nhất Nga, sở hữu các dự án lớn như Yamal LNG, Sakhalin LNG và có giấy phép xuất khẩu trực tiếp, các nhà sản xuất LNG quy mô nhỏ đang phải xuất khẩu sản phẩm gián tiếp thông qua hai “đại gia” này. Gần đây Bộ Phát triển kinh tế LB Nga đã trình chính phủ xem xét đề xuất cấp giấy phép xuất khẩu LNG đặc biệt cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ (bán tối thiểu 75% sản lượng ra thị trường nội địa), nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng sản xuất LNG trong nước.