NS Bạch Long xế chiều đơn độc: 'Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười'
NS Bạch Long cũng giống em trai - NSƯT Thành Lộc, tuổi xế chiều lựa chọn cuộc sống độc thân, tận hiến vì nghệ thuật.
Bạch Long: Đi qua thời vàng son, từng phải đem đồ đi cắm, xế chiều đơn độc ở nhà thuê
Nhắc đến Bạch Long, nhiều người nghĩ đến một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai và các chị em là Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu và NSƯT Thành Lộc, nhưng Bạch Long không sống một nhà vì khó nuôi và được cha mẹ "cho đi" từ bé.
Ngoài ca diễn, anh dồn tâm huyết thành lập đoàn Đồng ấu Bạch Long với mục tiêu đào tạo thế hệ kế thừa. Những cô đào nổi bật hiện nay như: Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương,… đều là học trò của anh. Khi cải lương xuống dốc, Bạch Long rơi vào cảnh trắng tay vì toàn bộ vốn liếng đều trót mang đầu tư vào sân khấu.
Có một giai đoạn, Bạch Long cạn kiệt tiền bạc sau bốn năm thất nghiệp, phải sống nhờ sự giúp đỡ của học trò, đồng nghiệp. Nam nghệ sĩ chỉ còn biết tháo chiếc đồng hồ ở tay, món tài sản cuối cùng đem cho học trò đi cầm. Học trò cầm đi rồi, quay về, nói: "Đồng hồ này của thầy người ta không cầm", rồi đặt lên bàn cả chiếc đồng hồ và ba trăm ngàn. Đến lúc hỏi ra thì mới biết đó là tiền lương của học trò đi bảo vệ được năm trăm, đưa cho thầy ba trăm. Người đó đi rồi, nam nghệ sĩ lại nằm trong phòng mà khóc.
Sau đó, Bạch Long hoạt động với vai trò diễn viên kịch cùng một số vai diễn được thiếu nhi yêu thích tại sân khấu kịch Idecaf. Nam nghệ sĩ tiết lộ anh về chung sân khấu với em ruột là NSƯT Thành Lộc, nhưng lại không phải từ lời mời của em trai, mà như một mối duyên. "Tôi về Idecaf là một chuyện hy hữu. Lúc đó, một diễn viên trong đoàn bị động thì Huỳnh Anh Tuấn gọi điện cho tôi nhờ đóng thế. Nhưng người giới thiệu tôi lại là đạo diễn Hùng Lâm. Tôi mang ơn anh ấy, nhờ ảnh mà tôi mới còn sống", NS Bạch Long tiết lộ.
Cũng vì cuộc sống có phần chật vật, Thành Lộc thương anh nên nhiều lần gợi ý giúp đỡ, đưa về chung sống cùng nhưng Bạch Long từ chối. Nghệ sĩ chia sẻ vì lòng tự trọng riêng của bản thân nên không muốn là gánh nặng của em trai. "Cái tánh tôi nó ngộ lắm. Tôi không muốn làm phiền ai hết, kể cả người thân. Thật ra lúc tôi đuối, tôi cũng không kể cho Lộc nghe. Từ nhỏ đến giờ tôi không sống chung với gia đình, tôi biết em tôi đang gánh nặng. Nó đang gánh nặng mà mình nhảy vô, nó phải gánh nặng luôn mình nữa. Tôi không thích điều đó", NS Bạch Long bày tỏ.
Ở tuổi xế chiều, Bạch Long sống cô độc, thuê căn trọ nhỏ ở một mình suốt 20 năm qua. "Ngày xưa lúc tên tuổi có, tôi làm nhiều tiền lắm. Lúc đó tôi ở trong một cái đình nên cứ nghĩ ở trong đó là sướng rồi, không nghĩ đến chuyện mua nhà", ông kể.
Trong bài phỏng vấn, Bạch Long nói anh lựa chọn sống an phận với cuộc sống không nhà cửa, vợ con. Dẫu tủi thân và tiếc nuối quá khứ, ông tự an ủi và động viên phải sống tốt những tháng ngày còn lại. Nam nghệ sĩ chỉ mong ơn trên cho một giấc ngủ rồi ra đi vì rất sợ cảnh bị bệnh tật hành hạ như nhiều đồng nghiệp.
Trong một lần chia sẻ hồi năm 2021 về tình trạng hiện tại, nghệ sĩ Bạch Long ngượng ngùng tiết lộ đang có người thầm thương nhưng không tiết lộ cụ thể vì "chưa đi tới đâu".
Bạch Long: 55 năm "ăn cơm tổ, khổ vẫn cười"
Trong 2-3 năm qua, khi dịch bệnh bùng phát, sân khấu đóng cửa, nghệ sĩ Bạch Long càng khó khăn hơn. Lúc này, học trò của ông và các nghệ sĩ như Đại Nghĩa, Nguyễn Quang Dũng, Lê Minh, Ngọc Linh… thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm. Dù quay cuồng trong cơn mưu sinh nhưng nghệ sĩ Bạch Long vẫn dành sự say đắm cho nghề. Ông vẫn luôn yêu nghề và muốn được tận hiến dù đã bước sang tuổi xế chiều.
Đến tháng 1/2023, tại Nhà hát Thanh Niên đã diễn ra live show của nghệ sĩ Bạch Long và các học trò với chủ đề "Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười". Đây là live show kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của ông thầy sáng lập ra đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long và dìu dắt biết bao nhiêu học trò trở thành ngôi sao như: Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh...
Theo dõi cuộc đời của NS Bạch Long, nhiều người tò mò 55 năm theo nghiệp hát, anh đã "khổ" như thế nào mà vẫn "cười"? Nam nghệ sĩ tiết lộ: "Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười - là tên chủ đề mà tôi tự đặt. Ở đây xin giải thích một chút về chữ "khổ". "Khổ" không có nghĩa là than vãn mà tôi muốn nói về sự khổ luyện".
"Tôi muốn nhắc học trò của mình khi đã bước vào con đường nghệ thuật, muốn trở thành nghệ sĩ thì phải chăm chú rèn nghề, phải khổ luyện thật nghiêm túc về giọng ca lẫn các kỹ năng khác như diễn xuất, vũ đạo... Không có nghệ sĩ nào tự nhiên giỏi liền. Từ năng khiếu sẵn có, anh phải dùi mài và học hỏi ngày đêm từ người đi trước, từ nỗ lực bản thân mới hoàn thiện từ từ và chinh phục khán giả. Và khi anh đã trở thành nghệ sĩ giỏi, có tên tuổi rồi thì những thành quả mình gặt hái từ đó vô số kể.
Được khán giả yêu thương, được nhiều người biết đến. Có những ngôi sao nhận show quảng cáo, chỉ một show trong nước bằng lương cả năm của một công nhân. Vậy làm nghệ sĩ sướng quá chớ đâu có khổ! Tôi cũng dặn học trò nếu mình may mắn đương thời kiếm được nhiều tiền thì cố gắng tiết kiệm dành dụm cho mai sau vì ai cũng chỉ có một thời. Các em hãy nhìn có những nghệ sĩ ngày xưa rất nổi tiếng nhưng do cờ bạc, ăn chơi hoang phí mà cuối đời sống rất cực khổ", ông chia sẻ.
Khi được hỏi về cuộc sống tuổi 65 đơn độc, ở nhà thuê nghe có phần mâu thuẫn với những gì Bạch Long nói với học trò? - Ông bày tỏ: "Tôi đâu có cờ bạc, chơi bời. Hồi đó tôi làm Đồng ấu Bạch Long có một thời rất rầm rộ. Rồi sau đó cải lương đi xuống, tôi cứ đổ tiền vô cầm cự, riết rồi nghèo luôn. Nhưng tôi không ân hận về điều đó.
Giờ nhìn các học trò trưởng thành, có em là NSƯT, NSND, trở thành ngôi sao cải lương tôi hạnh phúc lắm. Bởi mình đã làm những điều không vô nghĩa. Bao nhiêu năm các em vẫn nhớ về thầy, điều đó khiến tôi thấy ấm lòng".