NS Lê Vân 'Bao giờ cho đến tháng mười': Người phụ nữ 'tự tay' chặt đứt sự nghiệp và hạnh phúc lặng thầm lúc tuổi 60
Nghệ sĩ Lê Vân nổi tiếng với vai diễn Duyên trong phim 'Bao giờ cho đến tháng mười'. Sau đó, dù có tham gia rất nhiều vai diễn nhưng vai Duyên vẫn gắn chặt với sự nghiệp.
Bộ phim "Bao giờ cho đến tháng mười" - bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra mắt đầu năm 1984 - được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Năm 2008, CNN đánh giá đây là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Phim nói về thân phận, nỗi đau, sự mất mát của con người trong thời chiến. Trong bối cảnh đó, con người tìm cách để sẻ chia, đồng cảm với nhau.
Nghệ sĩ Lê Vân vào vai Duyên - người vợ đi thăm chồng chiến đấu ở biên giới Tây Nam nhưng hay tin chồng đã hy sinh. Trên đường về nhà, chị đau đớn tới ngất đi, ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu. Duyên nhờ Khang giấu kín chuyện đồng thời nhờ anh thi thoảng viết thư giả người chồng để thăm hỏi gia đình. Duyên vừa âm thầm chịu đựng nỗi đau mất chồng, vừa chịu những lời dị nghị của anh em, xóm làng vì mối quan hệ với Khang.
Diễn biến tính cách của nhân vật Duyên và cách diễn xuất của Lê Vân đã thực sự cuốn hút khán giả. Nhờ vai Duyên mang đến cho cô giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1985. Sau bộ phim này, nghệ sĩ Lê Vân xuất hiện trong các bộ phim: Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Chom và Sa, Thương nhớ đồng quê...
Nghệ sĩ Lê Vân sinh ra trong gia đình nghệ thuật nổi tiếng với mẹ là diễn viên Lê Mai, bố là nghệ sĩ Trần Tiến cùng các chị em Lê Khanh, Lê Vi. Những năm của thập niên 80-90, 3 chị em nhà Lê Vân được coi là những gương mặt sáng giá của làng điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Nhờ nhiều đóng góp không biết mệ mỏi của mình, nghệ sĩ Lê Vân trở thành tên tuổi thành công thuộc thế hệ thứ 2 của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Vẻ đẹp đôn hậu, sâu thẳm, buồn man mác của Lê Vân nhanh chóng trở thành biểu tượng của “mỹ nữ Hà Thành” xưa.
Thành công được nhiều người mến mộ nhưng bất ngờ nghệ sĩ Lê Vân lại từ bỏ nghệ thuật lúc đang ở đỉnh cao. Vào năm 38 tuổi, khi nhan sắc và tài năng đang ở độ chín muồi, Lê Vân đột nhiên mất tích khỏi màn ảnh, sau bộ phim "Thương nhớ đồng quê" cũng của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Nhưng nữ nghệ sĩ nói, việc ngừng lại không theo nghiệp diễn (cũng như nghiệp múa) là đúng lúc và không hối tiếc bởi chị đã cống hiến hết mình với cả hai nghề. Trong suốt 19 năm theo nghiệp diễn viên và 27 năm theo nghề múa (học múa khi mới 11 tuổi) chị đã làm việc hết mình.
Đầu năm 2019 nhân chuyến về nước, nghệ sĩ múa Lê Vi - em gái Lê Vân có lý giải câu chuyện chị gái từ bỏ nghiệp diễn. Chị chia sẻ như sau: "Tự tay phạt hết những bụi hoa sự nghiệp bên đường một cách không thương tiếc để trở thành người mẹ hiền của hai thiên thần bé nhỏ".
Cũng theo Lê Vi, thời trẻ, Lê Vân dù nổi tiếng nhưng là người sống khép kín, đảm đang: "Nhìn ngoài nhẹ nhàng, thướt tha nhưng ẩn chứa sự mạnh mẽ đến lạnh lùng của một người chị cả luôn phải quán xuyến gánh vác gia đình mỗi khi bố mẹ đi diễn xa nhà".
Thực tế, nghệ sĩ Lê Vân có quay trở lại vào năm 2006 với tự truyện "Lê Vân - yêu và sống". Tuy nhiên, vì những ồn ào sau khi ra mắt sách khiến Lê Vân một lần nữa chấm dứt những hào quang của nghề. Chị lặng thầm với hạnh phúc bên gia đình con cái. Và cũng từ đó, Lê Vân đoạn tuyệt với cả truyền thông.
Thông qua em gái Lê Vi, khán giả yêu mến Lê Vân mới biết cuộc sống của chị. "Bỗng nhiên chị trẻ lại một cách phi thường, chị vui vẻ, tình cảm và hồn nhiên, phóng khoáng như bù lại tuổi thơ ngắn ngủi của mình. Chị dám mở toang cánh cửa tâm hồn mà trước đây chị giữ khư khư (không biết để làm gì) khiến cho chúng mình không khỏi bàng hoàng, ngỡ ngàng như trong mơ”, Lê Vi viết về cuộc sống của chị gái với dòng văn đầy chất thơ như thế.
Bước qua tuổi 60, nghệ sĩ Lê Vân có cuộc sống yên ổn và hạnh phúc bên con cái. Nữ nghệ sĩ không thích ồn ào và lặng thầm tận hưởng sự bình dị thường ngày như bao người phụ nữ đến tuổi hưu khác.
Đỗ Quyên (th)