NSNA Bùi Đăng Thanh: Người nghệ sĩ một tay nhiều năng lượng

Vào trang Facebook cá nhân của NSNA Bùi Đăng Thanh lúc nào cũng thấy ông vui vẻ, tươi cười và tràn đầy sức sống.

Ở tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm” và mặc dù mất cánh tay phải do chiến tranh, thế nhưng ngày ngày ông vẫn bận rộn với việc đào tạo những bạn trẻ yêu thích bộ môn nhiếp ảnh và giảng dạy bộ môn truyền thông cho nhiều cơ sở giáo dục chuyên và không chuyên trên địa bàn Thủ đô. Đó cũng chính là cách ông đang truyền cảm hứng sống đến cho nhiều người.

NSNA Bùi Đăng Thanh.

NSNA Bùi Đăng Thanh.

Một chiều cuối thu đến thăm tư gia của NSNA Bùi Đăng Thanh tại phố Nguyễn Tuân (Hà Nội), tôi mới thấy rõ hơn chân dung một người “truyền cảm hứng sống cho nhiều người”. Thật ngạc nhiên, trước mặt tôi một người đàn ông luống tuổi nhưng dáng còn nhanh nhẹn, mái tóc xoăn bồng bềnh như mây trắng, miệng cười hiền hậu. Ông chỉ còn lại cánh tay trái, tay phải còn một đoạn lơ lửng nhưng nhìn cái cách ông pha cà phê thật chuyên nghiệp.

Khi tôi tỏ ý băn khoăn về việc ông có thể cầm một tay được chiếc máy ảnh to, nặng và cho ra những bức ảnh đẹp, những tác phẩm để đời, thì ông đã thực hành ngay cho tôi xem. Cánh tay trái nhanh thoăn thoắt ông đưa máy ảnh lên vai, áp vào gò má để thăng bằng rồi bấm tanh tách liên tục. Thấy thế tôi xin được chụp thử. Chà, khi đưa máy lên bằng một tay đã khá nặng rồi chưa kể đến việc giữ thăng bằng rồi tìm góc chụp đẹp, lấy nét đúng chỗ để cho ra bức ảnh ưng ý. Thế mới biết rằng có được thao tác thành thục như vậy ông đã phải tập luyện vất vả thế nào.

Ngồi trò chuyện với ông một lúc, tôi mới biết rằng đây là buổi chiều hiếm hoi ông rảnh rỗi, bởi do lịch của một đơn vị truyền thông Hàn Quốc có sự thay đổi nên ông được nghỉ ở nhà một cách đúng nghĩa. Khi không khí thật cởi mở, chân tình, ông đã bộc bạch với tôi câu chuyện về cuộc đời mình.

Năm 21 tuổi, chàng thanh niên xứ Thanh Bùi Đăng Thanh phải bỏ lại cánh tay ở chiến trường Tây Nguyên. Không đầu hàng số phận, ông đã thi đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân và trải qua nhiều vị trí công tác trong các cơ quan Nhà nước ở Phú Thọ rồi Nam Định. Nhưng rồi cuộc đời sinh ra là để Bùi Đăng Thanh theo nhiếp ảnh nên dù trải qua nhiều nghề ông vẫn chọn bến đỗ là nhiếp ảnh do sự truyền nghề của người cha, nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thanh.

Năm 1987, ông được giải ảnh nghệ thuật đầu tiên trên Báo Hà Nam Ninh (cũ) với bức ảnh về làng nghề truyền thống thêu ren. Năm 1995, lần đầu tiên ông được giải ảnh quốc tế trong cuộc thi ảnh quốc tế ACCU (Nhật Bản) với bức ảnh về văn hóa truyền thống ở Phủ Giầy. Sau đó 2 năm ông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Hồi ấy ông đã xông pha tự mình đi xe máy vào tận đến Huế, Điện Biên, Lai Châu... để thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh... Hẳn là phải có một nghị lực phi thường, phải có một tinh thần thép của người lính Cụ Hồ mới khiến ông có thể làm được những việc tưởng chừng không thể ấy.

Năm 2006, trở về sau khóa học 3 tháng đào tạo giáo viên truyền thông tại Hà Lan, ông đã được tổ chức thanh niên, tình nguyện và người khuyết tật của Liên hợp quốc mời dạy truyền thông cho thanh niên tình nguyện ở 6 nước và người khuyết tật Việt Nam. Sau đó ông đi dạy ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho các nhóm học sinh là những người khuyết tật hoặc những cơ quan, tổ chức có nhu cầu.

“Thực ra ở cái tuổi này, vết thương ngày càng đau đớn, đó là chưa kể bệnh huyết áp đeo đẳng, nhiều lúc tôi cũng rất mệt mỏi nhưng rồi tôi lại đặt câu hỏi: Thế mệt mỏi thì mình nằm à hay tập thể dục giảm béo? Nghề ảnh với công việc đi sáng tác rất bổ ích cho tuổi già. Vừa được luyện đôi chân, lại được luyện được bộ óc trước sự lão hóa của thời gian. Với tôi đi dạy cũng là đi học và đã là đi dạy là phải biết nhiều kiến thức ở các lĩnh vực vì thế cứ rảnh là tôi lại lao vào học, học để không cảm thấy bị tụt lùi so với giới trẻ”, nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh cho biết.

Ông cũng tâm sự, nhiều học sinh đến với ông vì tâm đắc phương châm sống của ông: “Hãy trồng thật nhiều hoa để bớt đi sự chen lấn của cỏ dại”. Theo ông thì cuộc đời không có gì là buồn cả, chúng ta hãy cố gắng làm nhiều việc tốt, hăng say, miệt mài lao động để thấy thêm yêu cuộc đời hơn.

Dù là thương binh hạng nặng và dù cuộc sống đã trải qua nhiều đắng cay nhưng Bùi Đăng Thanh luôn cảm thấy may mắn bởi có những đồng đội còn không thể trở về. Bằng tâm niệm ấy, ông luôn trân trọng giá trị của cuộc sống và cố gắng sống một cuộc đời ý nghĩa. Và điều đó lý giải cho việc đã ở tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm”, ngày ngày người ta vẫn thấy người nghệ sĩ bận rộn, đam mê với những tiết học, với những buổi đi sáng tác. Dường như trong ông như một có một chạy đua về thời gian. Có thể nói ông là người thương binh “tàn nhưng không phế”.

Đoàn Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nsna-bui-dang-thanh-nguoi-nghe-si-mot-tay-nhieu-nang-luong-n182754.html