NSNA Chu Chí Thành: Được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc lớn
Với nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, may mắn của người cầm máy ảnh là được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh.
Khi biết tin nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam) sẽ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào ngày 19/5/2023, tôi đến ngôi nhà nhỏ của ông ở phố Minh Khai để chúc mừng.
Nhà báo lão thành rất xúc động. Điều đầu tiên mà ông chia sẻ với tôi không phải là vinh quang của bản thân mà là niềm hạnh phúc khi tác phẩm của mình đã thể hiện được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính nghĩa của người Việt Nam. Giải thưởng này càng có ý nghĩa hơn khi được trao đúng ngày sinh nhật Bác.
Vậy là những câu chuyện trên các nẻo đường tác nghiệp của nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cứ thế ùa về trong niềm cảm xúc vô bờ.
Bức ảnh dự báo hòa bình
Năm 1966, khi mới học hết năm thứ ba tại khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp, Chu Chí Thành nằm trong số các thanh niên được lựa chọn đi B (chiến trường miền Nam). Họ theo xe của Thông tấn xã Việt Nam lên địa điểm sơ tán ở Hà Tây để học lớp thông tin báo chí.
Trong lớp học, có hai chương trình: Viết tin và nhiếp ảnh. Ông Chu Chí Thành đã chọn ngay nhiếp ảnh bởi ông nghĩ mình đã được học cách viết ở trong trường rồi. Thêm nữa, ông cho rằng ở chiến trường ác liệt thì chiếc máy ảnh sẽ rất hữu ích, chụp xong có thể dùng được ngay hoặc lưu lại làm tư liệu để sau này tiếp tục viết.
Cuối năm 1967, ông Chu Chí Thành được phân về tổ ảnh quân sự của Thông tấn xã Việt Nam – lực lượng mũi nhọn khi chiến sự ở đâu nổ ra căng thẳng nhất, gay go nhất đều có mặt. Vậy là chàng phóng viên trẻ đã lăn xả khắp các trận địa từ Hà Nội vào đến Quảng Bình, Quảng Trị suốt những năm 1967-1973.
Đây cũng chính là giai đoạn ông ghi lại cuốn “nhật ký chiến trường” sống động, chân thực bằng hàng nghìn bức ảnh, trong đó có cụm tác phẩm gồm 4 ảnh: “Hai người lính,” “Tay bắt mặt mừng,” “Cầu Quảng Trị” và “Những bày tay lưu luyến” được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần này.
Đã tròn 50 năm trôi qua nhưng ký ức về hoàn cảnh sáng tác bộ ảnh này vẫn còn vẹn nguyên, rành mạch trong tâm trí người phóng viên ảnh gạo cội.
Năm 1973, ông được cử vào Quảng Trị để theo dõi sự kiện trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Một ngày cuối tháng Ba, ông đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lần đầu tiên, chàng phóng viên miền Bắc chứng kiến những người lính chính quyền Sài Gòn đi qua "giới tuyến" sang địa phận quân giải phóng, cùng ngồi uống nước chè, hút thuốc lá Điện Biên.
“Thấy tốp lính Sài Gòn sang chơi, bộ đội ta vui vẻ ra đón. Họ cởi mở nói chuyện và vỗ vai nhau. Đó là một khoảnh khắc quá đỗi bất ngờ so với suy nghĩ trước đó của tôi rằng hai bên đang là đối thủ trên chiến trường,” nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại.
Từ nỗi ngạc nhiên cộng với sự nhạy cảm của một phóng viên trẻ, ông đã bấm máy ghi lại khoảnh khắc cảnh các chiến sỹ, du kích của ta bắt tay với những người lính Việt Nam Cộng hòa.
Đặc biệt, trong không khí vui vẻ, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một chiến sỹ giải phóng và bảo: "Anh nhà báo ơi, anh chụp cho em một kiểu ảnh…"
Trong sự ngỡ ngàng, phóng viên Chu Chí Thành đã chớp lấy bức ảnh lịch sử “Hai người lính.” Nếu không có bộ quân phục, mũ tai bèo kiểu miền Bắc và bộ áo rằn ri của quân đội Việt Nam Cộng hòa, hai người lính trông không khác gì hai người bạn đồng trang lứa.
Trầm ngâm bên chén trà, ông bảo rằng có lẽ, tự sâu thẳm bên trong hai người lính, họ cũng khao khát hòa bình, hòa hợp dân tộc.
Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Vào thời khắc đó, tôi nghĩ hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Khi đó, tôi nghĩ rằng ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc. Và tôi đã bấm máy trong niềm hân hoan đó.”
Hành trình đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh
Cuộc gặp gỡ rất nhanh, rất vui như một cơn mưa rào, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành khi ấy cũng không kịp ghi lại thông tin về người lính Sài Gòn. Qua cuộc trò chuyện chốc lát giữa hai bên, ông chỉ biết rằng anh lính đó là sinh viên năm thứ hai học Văn khoa của Sài Gòn.
Từ những những manh mối ít ỏi, nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và cả cộng đồng, điều tốt đẹp đã đến. Năm 2015, chiến sỹ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo xuất hiện và đến năm 2017, sau nhiều khó khăn và vượt qua cả những mặc cảm, e dè, người lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa cũng đã lộ diện. Sau chiến tranh, như hàng triệu người lính, họ trở về với cuộc sống trong hòa bình bên người thân, gia đình.
Vào năm 2018, tác giả bức ảnh đã có cuộc hội ngộ với hai người lính trong dịp kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2018).
“Tỉnh Quảng Trị có mời tôi và hai người lính trở lại chiến trường xưa, và chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ rất cảm động. Tôi đã chụp lại hình ảnh hai người khoác vai nhau như họ trên mảnh đất chiến trường năm xưa,” ông kể.
Cái kết đẹp trong câu chuyện đã thôi thúc ông làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Trong bộ ảnh, ngoài bức ảnh “Hai người lính” và “Tay bắt mặt mừng” được chụp ở chốt Long Quang, còn có một tác phẩm khác trong sự kiện trao trả tù binh năm 1973 tại Quảng Trị. Đó là bức ảnh “Những bàn tay lưu luyến” được chụp khi những người lính Sài Gòn ngồi trong xuồng máy để chạy về Nam đã quay lại vẫy tay chào đất Bắc, chào những người bộ đội giải phóng. Ở trên bờ, những anh bộ đội cũng vẫy tay chào lại rất tự nhiên.
Ba tác phẩm này được ghi lại trên mảnh đất Quảng Trị ngày đó còn đang hoang tàn, đổ nát. Bức ảnh “Cầu Quảng Trị” là bối cảnh chung diễn ra các sự kiện nói trên cũng là nơi khép lại đau thương, chứng kiến cảnh những người lính hai bên đang xích lại với nhau.
"Bộ ảnh đã nói lên tình cảm nhân văn, tinh thần độ lượng của người Việt Nam và có lẽ chính điều này đã giúp dân tộc ta dập tắt chiến tranh và làm nên chiến thắng," nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành cho hay.
Suy ngẫm kỹ hơn, ông tâm đắc với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc như Bác nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một." Chính tư tưởng đó đã thay đổi cục diện của đất nước, khiến Việt Nam trở thành ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
“Tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc khi được nhận giải thưởng cao quý. Tôi còn vui mừng hơn khi bộ ảnh của mình được tất cả mọi người công nhận và sẽ tăng thêm sức lan tỏa, đồng nghĩa với việc tư tưởng Hồ Chí Minh và cuộc chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng sẽ được nhân rộng," ông Chu Chí Thành bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông cho rằng được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc lớn trong đời.
“May mắn của người cầm máy ảnh là được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh. Quả thật, những bức ảnh mà tôi và rất nhiều phóng viên chiến trường lúc đó đã ghi lại là tài liệu lịch sử nhưng mang giá trị thẩm mỹ rất cao. Sự thật được trình bày thuyết phục bằng hình ảnh chứ không phải bằng suy diễn hay lập luận xa vời,” ông nêu quan điểm.
Ông đã có những ngày tháng mải mê chụp ảnh. Ánh mắt, trái tim, khối óc tập trung cả vào ống kính đến nỗi không nghe thấy tiếng kẻng báo bom. Vậy nên, nhà báo Chu Chí Thành đã có được những bức ảnh phản ánh sự thật khiến mọi trái tim rung động dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Tuổi 80 vẫn vẹn nguyên đam mê “ghi sử bằng hình ảnh,” ông hào hứng chia sẻ với tôi rằng cuối năm nay, bộ sách “Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam” do ông cùng các đồng nghiệp biên soạn sẽ ra mắt, mang đến cái nhìn toàn cảnh về nền nhiếp ảnh nước nhà./.
Nhà báo Chu Chí Thành sinh năm 1944 tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trở thành phóng viên của Thông Tấn xã Việt Nam từ năm 1967. Năm 1980, ông tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí ở Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx ở Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông từng là Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng Ban biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam).
Năm 2012, Chu Chí Thành được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”; gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”.
Nhà lý luận phê bình Vũ Đức Tân (Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành có may mắn trở thành phóng viên chiến trường vào đúng khoảng thời gian cao trào của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là thời điểm “vàng” để cho ra đời những bức ảnh có nét riêng Chu Chí Thành.
“Là người học văn, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành đưa rất nhiều tính nghệ thuật, thẩm mỹ và thông điệp vào trong tác phẩm. Tôi cho rằng ở cả lĩnh vực ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, tư liệu thì anh đều có một cái nhìn trung dung, giản dị và rất có giá trị nhân văn,” ông Vũ Đức Tân nhận xét.