NSNA Trịnh Hải: U90 vẫn chụp ảnh, 'seo-phi'
Năm nay đã bước vào tuổi 88, lại có dị tật ở tay trái nhưng NSNA Trịnh Hải vẫn chưa dừng bước với những đam mê sáng tạo của mình. Đó là được thu vào ống kính những bức ảnh đẹp, phản ánh đậm nét được cuộc sống muôn màu xung quanh ta.
Nhắc đến NSNA Trịnh Hải là nhắc đến người phóng viên ảnh của Báo Nhân dân được vinh dự chụp Bác Hồ suốt mấy chục năm. Hiện nay, ông đang sở hữu nhiều bức ảnh quý giá về vị lãnh tụ dân tộc cùng nhiều gương mặt nhà cách mạng, nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi bật của thế kỷ 20. Một phần trong những “tài sản” ấy được “gói ghém” trong tập sách ảnh “Trịnh Hải - những góc nhìn” (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2016). Khi ấy, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đánh giá: “Cuốn sách có khả năng tồn tại với thời gian vì có 2 đặc điểm: Tính chân thật lịch sử và tính tư duy của một số ảnh. Trịnh Hải đã trở thành nhân chứng của lịch sử với những bức ảnh có thể là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ thời chống Mỹ đến nay”.
Còn cố nhà báo Hữu Thọ thì nhận xét khá tỉ mỉ: “Những bức ảnh Bác Hồ với thanh niên, Bác Hồ chủ động ngồi bệt xuống sân để đông đảo cán bộ phụ nữ tham gia công tác chính quyền được chụp ảnh chung trước phòng họp, bức ảnh rừng đuốc trong đêm thanh niên Thủ đô vũ trang tuần hành mở đầu phong trào “3 sẵn sàng” hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và bức ảnh ghi lại lời nhắn “gửi nhà” cho dân phòng trước khi máy bay B52 hủy diệt phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm cuối năm 1972... đã gợi cho tôi những hình ảnh về cuộc sống thời chiến đấu gian khổ và tình thương yêu nhau. Rồi những ảnh chân dung của anh đã gợi cho tôi những người thầy, người đồng nghiệp ở Báo Nhân dân cũng như trong làng báo và những nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi người một sắc thái”.
Hôm nay, ngồi đối diện với người nghệ sĩ già và được chiêm ngưỡng thật thấu đáo những bức ảnh ấy, mới thấy đó là kết tinh của sự nhạy bén của bộ óc, mắt và tai, của ý thức và tiềm thức của vốn sống, trình độ văn hóa và kỹ thuật. Có thể nói, đây là sản phẩm trí tuệ được lao động bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của một nhà báo, một nghệ sĩ chân chính.
Quả thật đúng vậy, trong một lần đi tác nghiệp ở Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khi loay hoay tìm chỗ đứng cao để lấy cảnh rộng, ông đã bị ngã gãy cả hai xương tay mà lại là tay phải. Khi ấy, phương tiện chữa trị còn thô sơ cho nên ông đã rất vất vả chịu đựng đau đớn mổ ghép xương 3 lần trong 1 năm, phải mang dị tật suốt đời. Có thời gian ông phải tập viết bằng tay trái. Người lạc quan nhất khi ấy cũng nghĩ rằng ông có lẽ sẽ phải bỏ nghề. Nhưng rồi điều diệu kỳ đã đến, nhờ quá trình luyện tập, ông tiếp tục làm nghề cho đến hôm nay.
Hiện nay, ông cùng các thành viên của Câu lạc bộ nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội vẫn thường xuyên có những đợt sáng tác ở Hà Nội và một số địa phương khác. Năm 2019, ông vẫn đi sáng tác ở nơi sản xuất đông trùng hạ thảo trên đỉnh Tam Đảo rồi làng chài Hải Hòa, Lạch Bạng ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Những khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết không cản được sự say mê trong ông. Bởi ông quan niệm: “Có được những tác phẩm ưng ý là sướng lắm, chẳng khác những lần trong chiến tranh ác liệt vẫn không quản ngại vào tuyến lửa tác nghiệp”.
Khi tôi hỏi hiện nay ông có mang bệnh gì trong người không thì người vợ của ông ngồi cạnh nhanh nhảu đáp, bệnh tật ở cái tuổi này thì ai chả có, tuy nhiên, cũng may là nhờ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ và giữ được tinh thần lạc quan nên ông không mắc bệnh gì nghiêm trọng. Bà bảo, mỗi sáng ông vẫn thường dậy sớm và đạp xe hàng tiếng đồng hồ, xong rồi trên chiếc xe ấy lại rong ruổi đi chụp ảnh hoặc ngồi ở nhà chỉnh sửa ảnh trên máy vi tính. Lại nói chuyện tin học, riêng ở tuổi của ông mà mày mò vào lĩnh vực hiện đại này cũng là một sự vươn lên không ngừng và rất đáng trân trọng. Ông sử dụng thành thạo máy vi tính để tra cứu tư liệu, soạn văn bản, gửi thư từ và sửa ảnh qua photoshop vừa nhanh vừa đẹp.
Khi tôi thắc mắc việc đã lớn tuổi mà vẫn hăng hái đi tác nghiệp thì ông bảo: “Dù xa xôi mấy tôi vẫn không ngại lên đường sáng tác. Nhiếp ảnh với tôi giờ không chỉ là tình yêu mà còn là động lực đối với cuộc sống trong quãng đời còn lại”. Vậy là với ông, công việc ấy còn là “liều thuốc tinh thần” bổ dưỡng cho sức khỏe ở tuổi xế chiều. “Nghề này đã ngấm vào máu thịt rồi nên không dễ dàng từ bỏ được, trừ khi không đi được, không bước được thì mới thôi. Điều quan trọng với tôi lúc này là cố gắng giữ gìn sức khỏe để thỉnh thoảng lại được đi sáng tác cùng các bạn trẻ”, NSNA Trịnh Hải hồ hởi cho biết.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nsna-trinh-hai-u90-van-chup-anh-seo-phi-n175811.html