NSND Đặng Thái Sơn: Nếu không sớm thay đổi, âm nhạc Việt Nam sẽ bị bỏ rơi
Gần 40 năm mới có cơ hội trở lại biểu diễn tại TP.HCM, NSND Đặng Thái Sơn cho biết có quá nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nhắc nhở về nguy cơ nền nghệ thuật Việt có thể bị bỏ rơi nếu không chịu thay đổi.
Quanh năm đi khắp thế giới với những lịch trình biểu diễn dày đặc. Làm việc với rất nhiều dàn nhạc lớn trên thế giới, đồng thời giữ cương vị là người thầy giảng dạy trên nhiều giảng đường nghệ thuật, NSND Đặng Thái Sơn là cái tên vinh danh Việt Nam trên trường âm nhạc quốc tế. Trở lại Việt Nam biểu diễn trong Giai điệu Mùa thu 2019, dù rất bận rộn nhưng NSND Đặng Thái Sơn đã dành cho VietTimes cuộc trao đổi thú vị.
* Để có được sự trở lại quý giá của ông trong Giai điệu Mùa thu 2019 lần này, được biết là Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đã phải trao đổi trước với ông từ mấy năm nay do ông đã kín lịch biểu diễn. Xin nghệ sĩ cho biết thêm về lịch diễn của ông trong thời gian tới?
NSND Đặng Thái Sơn: Lịch biểu diễn mùa tới của tôi có các tour đáng kể ở nhiều nước, với các dàn nhạc top đầu như: Dàn nhạc Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Dàn nhạc Nhật Bản, Dàn nhạc Matxcova (Nga), Rio de Janeiro, Brazil... Tôi cũng sẽ có một buổi biểu diễn tại Hà Nội, cùng Dàn nhạc Sun Symphony (SSO).
Ngoài ra, tôi còn dạy học thường kỳ tại hai trường Đại học Montreal (Canada) và Nhạc viện Oberlin (Mỹ), tham gia giảng dạy ngắn hạn cho nhiều trường khác, nhiều trại âm nhạc, huấn luyện đặc biệt chuẩn bị các cuộc thi quốc tế; lịch làm giám khảo các cuộc thi quốc tế, lịch thu băng đĩa…
NSND Đặng Thái Sơn rất vui mỗi lần trở về biểu diễn trên quê hương (Ảnh: Hirotoshi Sato)
*Quanh năm đi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, ông có cảm nhận rằng khán giả của âm nhạc ở các nước phát triển đang thưởng thức nghệ thuật với trình độ cao hơn hẳn khán giả Việt Nam?
NSND Đặng Thái Sơn: Đúng là không so sánh sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam với các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, nhưng có một thực tế đáng buồn là kể cả ngay khi đặt mình trên tương quan với các nước khác trong châu Á và khu vực, phải nhìn rõ rằng nếu không sớm thay đổi thì nghệ thuật Việt Nam cũng dễ bị các nước Đông Nam Á bỏ rơi.
* Trình độ thưởng thức âm nhạc nghệ thuật của công chúng chưa cao, có phải là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, đào tạo hay còn là lỗi của cơ quan quản lý văn hóa, thưa ông?
NSND Đặng Thái Sơn: Tôi cho rằng tất cả các yếu tố đó đồng bộ với nhau. Ở bất cứ một đất nước nào, nếu muốn văn hóa nghệ thuật phát triển, trong đó có sự nâng cao nhận thức và trình độ thưởng thức văn hóa của người dân, đều cần một chiến lược tổng thể, có tầm nhìn.
* Các nước bạn trong khu vực như Hong Kong, Singapore có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao nhưng miễn phí vé, với chi phí tổ chức do nhà nước đảm bảo, nhằm mục đích "đào tạo" khán giả. Xin ông cho biết, ở các nước tiên tiến có những cách thức nào để nâng tầm hiểu biết của khán giả?
NSND Đặng Thái Sơn: Cần có rất nhiều chương trình biểu diễn đa dạng về tính chất, ưu tiên các trường học với các lứa tuổi khác nhau.
Đúng là rất cần các buổi biểu diễn miễn phí, để công chúng có cơ hội tiếp cận với âm nhạc nghệ thuật, có thể là hoạt động biểu diễn do nhà nước đỡ đầu, cũng có thể là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cũng có thể tiến hành các hoạt động mang tính chất giáo dục âm nhạc, như tổ chức câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề, MC có thêm phần giảng giải về chương trình, về âm nhạc, âm thanh, nhạc cụ, cung cấp thêm các kiến thức, các câu chuyện truyền cảm hứng tới người nghe trước buổi diễn...
NSND Đặng Thái Sơnrấtb bậnn nhưnđg đẫ đành cho VietTimes cuộc trò chuyện thú vị (Ảnh: Hirotoshi Sato)
*Thưa nghệ sĩ, ông có cho rằng những liên hoan như Giai điệu Mùa thu góp phần chữa “căn bệnh” chảy máu tài năng nghệ thuật ra nước ngoài?
NSND Đặng Thái Sơn: TP.HCM hay Hà Nội đều cần những loạt chương trình nghệ thuật mang tính tập trung như Giai điệu Mùa thu. Tổ chức được những Liên hoan này, đương nhiên là sẽ tạo ra nhiều cơ hội biểu diễn hơn cho nghệ sĩ, đặc biệt tốt cho các nghệ sĩ gốc Việt trong và ngoài nước. Đồng thời, Liên hoan cũng là cơ hội để khán giả dễ dàng tiếp cận nghệ thuật.
Tôi rất vui vì được trình diễn trong Giai điệu Mùa thu 2019. Theo tôi nghĩ, Giai điệu Mùa thu cần tiến tới trở thành một liên hoan nghệ thuật quốc tế tầm cỡ trong khu vực, để vừa góp phần phổ cập kiến thức nghệ thuật trong công chúng số đông, đồng thời lại giúp “định danh” cho TP.HCM, làm sang cho hình ảnh Việt Nam với “món ăn” tinh thần cao cấp tặng công chúng.
*Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!