NSND Doãn Hoàng Giang: 'Con hổ sân khấu' một thời lừng lẫy
Doãn Hoàng Giang - người đã góp phần làm nên một thời kì rực rỡ của sân khấu Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước và ngay cả sau này, ngoài tuổi 70, bằng sự tài hoa độc đáo của mình, những vở diễn của ông nhiều khi vẫn là 'cứu cánh' cho một nền sân khấu đang có phần thụt lùi và hiu quạnh...
Vài ba năm trở lại đây, sức khỏe của ông không được tốt, NSND Doãn Hoàng Giang lui về ở “ẩn” trong căn nhà tại Nghi Tàm lộng gió. Bạn bè và lớp hậu sinh chúng tôi thi thoảng lắm mới gặp được ông trong những lần hiếm hoi ông ra khỏi nhà. Tháng 10/2021, kỉ niệm 100 năm Sân khấu kịch Việt Nam diễn ra 15 ngày ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người ta chỉ kịp nhìn thấy bóng NSND Doãn Hoàng Giang lướt qua nhẹ nhàng một vài phút ở tiền sảnh, rồi lặng lẽ biến mất ...
Nói đến NSND Doãn Hoàng Giang, các nhà lý luận phê bình sân khấu và dân nghệ thuật đều dành cho ông một tình cảm vô cùng đặc biệt. Năm 2022, NSND Doãn Hoàng Giang bước vào tuổi 85, cái tuổi biết dừng lại và chiêm nghiệm mọi thứ. Trước đây, nếu không biết ông, chẳng ai mới nhìn qua có thể đoán được tính cách của người đạo diễn đa tài này. Vì ông trông khác lắm, người gầy nhỏ, áo quần lụng thụng nhiều túi hộp, tóc để dài buộc túm, túi vải bao bố đeo chéo bên hông cũng rằn ri giống như bộ đồ đậm chất “bộ đội” ông đang mặc. Mũ lưỡi chai đội lên trông ông càng “ngầu”, nhưng sự thật tính cách bên trong lại rất hiền. Hiền đến độ chẳng thể nào tin được.
Mọi người quen biết ông hàng chục năm chưa bao giờ thấy ông cáu kỉnh, bực tức dù chỉ một lần. Mặc dù ở một khía cạnh nào đó, có thể gọi ông là người toàn quyền của các nhà hát, nơi mà ông đến dựng vở tuồng, chèo, cải lương, kịch nói..., ông được “cung phụng” như một “ông vua”.
Khởi điểm, ông không phải làm đạo diễn, mà là diễn viên khóa I của Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Thời trẻ, ông không mang vẻ đẹp lãng tử xi nê mà trông hầm hố. Chính vì cái chất bụi phủi đấy nên đạo diễn thường giao cho ông đóng vai phản diện, lúc thì tên lính ngụy, khi tay anh chị giang hồ. Sau những năm tháng làm diễn viên, ông nhận ra nghề đạo diễn mới thực sự là con đường yêu thích. Ngày đó, việc xét lý lịch để cho một người dân ở vùng Kim Sơn (Ninh Bình), dân theo đạo học đạo diễn là điều không thể. Ngoài việc đi học, NSND Doãn Hoàng Giang còn đi kéo xe bò một thời gian dài ở con dốc Cổ Ngư trên Tây Hồ. Con đường sau này qua cảm nhận tinh tế của Trương Quý Hải đã vào thi ca đẹp, thơ mộng: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/ Đường Cổ Ngư xưa chầm chầm bước ta về”.
Nhưng rồi, tất cả như định mệnh được sắp xếp và an bài, NSND Doãn Hoàng Giang trở thành đạo diễn sân khấu và ngày càng được khẳng định qua những vở từng một thời làm khán giả say đắm. Những vở kịch: “Nhân danh công lý”, “Hà Mi của tôi”, “Bài ca Điện Biên”... hay thể loại chèo “Nàng Si ta”, cải lương: “Hoàng hậu Ba Tư”, ”Nữ tướng Lê Chân”... Bất cứ ở địa hạt nào, người đạo diễn cũng trổ tài ma thuật của lão tướng lành nghề. Chỉ cần băng rôn có tên đạo diễn Doãn Hoàng Giang là vở diễn đó được đảm bảo khán giả luôn kín rạp. Tuy nhiên, sự sáng tạo không giới hạn đã nhiều lần đẩy ông vào tình huống trớ trêu, một số nhà nghiên cứu thời bấy giờ “kết tội” Doãn Hoàng Giang phá chèo. Sự cách tân táo bạo của ông đã phá nát chèo cổ vốn là di sản của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống ở làng quê vùng châu thổ sông Hồng, đồng thời cũng mở ra hơi thở hiện đại với một tên gọi mới: Chèo cải biên.
Vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước là thời kì huy hoàng rực rỡ nhất của nền sân khấu kịch nghệ nước nhà. Những vở diễn mang đậm tính chính luận của Lưu Quang Vũ và một số tác phẩm của Xuân Trình đã khiến cho nhiều thế hệ thao thức. Thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với những chồng chất khó khăn, cơ cực, lý tưởng sống, ý thức cá nhân của những con người xây dựng thời đại mới được đề cao trong nhiều vở diễn. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa chính và tà, mặt phải và mặt trái của xã hội dữ dội và gai góc được lột tả chân thực trong nhiều tác phẩm sân khấu. Những vở đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng giàu tính hiện thực và nhân văn, cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn thời kì mà năm tháng ông đã đi qua.
Ông cầm tinh con hổ, sinh năm 1938, tuổi Mậu Dần, “thân cô mậu quả”, có lẽ vì thế mà đoạn đời tình cảm của ông gặp không ít trắc trở, mãi bây giờ vẫn sống cô đơn lẻ bóng. Là đạo diễn đất Bắc được chào đón nồng hậu ở các đoàn nghệ thuật phía Nam, trai tài ắt sẽ gặp gái sắc. Sau khi chia tay người vợ danh tiếng lúc bấy giờ là nữ diễn viên Nguyệt Ánh, ông một mình gà trống nuôi con trong một ngôi nhà bé như chuồng chim câu rộng chừng hơn 10m2 ở một căn gác trên phố Huế. Doãn Hoàng Giang yêu con và sợ cậu bé tổn thương đến độ, ông thiết lập cho mình sự giới hạn với phái đẹp khi có sự xuất hiện của cậu bé. Nếu có nữ diễn viên nào lên nhà chơi, ông không bao giờ tiễn xuống gác và cả hàng chục năm tiếp theo cũng không ai có thể nhìn thấy một người phụ nữ nào được ngồi sau xe của ông.
Sau này, nhiều người không thể lý giải được điều đó, người ta nghi ngờ sự sắt đá vô tình trong tình cảm của ông. Phải chăng vị đạo diễn uy quyền này không hề mềm lòng trước một bông hồng nào hay còn có những uẩn khúc gì đằng sau?!
Mãi qua tuổi 70, ông mới thổ lộ ông có mối tình đẹp như thơ với một kiều nữ Sài Gòn, hình bóng của người con gái đó in đậm trong tâm trí ông suốt mấy thập niên qua. Đó là sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, ông vào Sài Gòn dựng vở, trong một buổi sáng đi uống cafe, ông đã quen với cô chủ quán và rất nhanh họ đã “va” vào nhau bằng tiếng sét ái tình. Sau khi hoàn thành công việc, NSND Doãn Hoàng Giang trở ra Hà Nội, ít lâu sau, người con gái ấy cũng tìm ra. Đấy là lần đầu tiên kiều nữ Sài Thành biết đến mảnh đất Thủ đô. Cô gái ngạc nhiên khi thấy người đạo diễn danh giá sống trong một căn phòng chật hẹp thiếu thốn tiện nghi, mấy gia đình cùng con ngõ chung nhau một cái bếp và khu tắm giặt. Người con gái đã thổn thức và nói: “Giang ơi, hãy đi cùng em, em có đủ kinh tế để chúng ta được sống trọn vẹn bên nhau”. Nhưng vị đạo diễn đã lắc đầu và buông thõng một câu: “Anh không thể, anh còn có con”. Cô gái òa khóc và hai hôm sau cô ra đi với bức thư để trên bàn: “Em sẽ ra nước ngoài...”. Kể từ ngày đó đến nay đã hơn 40 năm người đạo diễn già vẫn lủi thủi một mình, vẫn ôm ấp hình bóng về cô gái Sài thành và trong túi luôn giữ một bức ảnh duy nhất của cô mà ông nâng niu như một bảo vật. Nói về câu chuyện này, giọng ông trầm xuống thoảng thốt: “Không biết sau lần vượt biên năm đó, cô ấy có còn sống không, vì nghe nói tàu gặp bão ngoài biển”.
Hàng chục năm sống ở căn nhà nhỏ trên phố Huế, cách đây 15 năm, NSND Doãn Hoàng Giang mới đủ duyên tậu cho mình một căn nhà khang trang trên đường Nghi Tàm, đấy là lúc con trai ông - họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lấy vợ. Căn phòng của ông nhìn ra sông Hồng, ông háo hức chờ mỗi độ xuân về mảnh đất sau nhà cho những đóa cúc vàng rực rỡ. Hằng năm, mồng 4 Tết, nhà ông trở thành “đại bản doanh” cho văn nghệ sĩ đến chúc Tết vị đạo diễn già và thưởng thức những món ăn do chính tay ông làm. Trong nhà ông, Tết năm nào cũng có cành đào rừng thân mập mạp với những bông hoa phớt hồng đặc trưng của đào vùng cao.
Sau nén nhang buổi chiều, ông nhớ về những người bạn cùng khóa diễn viên ngày đấy NSND Trọng Khôi, danh hài Văn Hiệp người thầy của mình GS-TS-NSND Đình Quang cũng lần lượt rời khỏi cõi tạm, đàn em trong nghề như NSND Hoàng Dũng đã đi xa. Tất cả những kí ức xưa ùa về trong tâm tưởng của người đạo diễn già như thước phim quay chậm.