NSND Hoài Thu: Định mệnh đã đưa tôi quay lại với chèo
Có duyên với chèo từ thuở nhỏ, con đường của NSND Hoài Thu tưởng chừng như sẽ gắn bó xuyên suốt với chèo, nhưng cũng phải mất đến 10 năm sau những lần rẽ ngang và lui về chăm sóc cho tổ ấm gia đình, Hoài Thu mới nối lại mối duyên với nghệ thuật chèo.
Trần Hoài Thu (sinh năm 1984) là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi tháng 3 vừa rồi, cô đã trở thành NSND trẻ nhất trong làng chèo.
Chia sẻ về việc được nhận danh hiệu NSND ở tuổi 40, Hoài Thu cho biết: "Tôi nghĩ người nghệ sĩ nói chung không ai xác định tôi làm nghề là để được huy chương này hay danh hiệu kia.
Danh hiệu không phải là đích đến của người nghệ sĩ, mà người ta làm trước hết là vì đam mê. Khi chọn chèo, tôi nghĩ đơn giản lắm, các cụ tiền nhân là người thắp lửa và mình là thế hệ sau, làm sao giữ lửa cho tốt. Cứ đam mê và cháy hết mình đi, tổ nghiệp sẽ không phụ".
NSND Hoài Thu sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, không ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ, cô út Thu đã mang trong mình niềm đam mê với âm nhạc dân tộc. Hoài Thu kể: “Tôi sinh ra ở Thái Bình. Mà nhắc đến Thái Bình ai cũng biết đến làng Khuốc, nơi những em bé 5-6 tuổi cũng biết hát chèo.
Mặc dù tôi được sinh ra ở làng khác nhưng được nghe và ngấm chèo từ khi còn nhỏ. Ấy là vì những tích chèo được bà và mẹ tôi kể, những nhân vật chèo cổ như Thị Mầu, Xúy Vân, Lý trưởng... được mô tả và hiển hiện trong trí óc trẻ thơ của tôi đã được sống từ những năm tháng ấy...
Thế rồi cả một thời tôi đi học, trên quãng đường từ trường về nhà, cứ tầm 11 giờ trưa là nhà nào cũng mở chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, nên chèo đã tự ngấm vào tôi lúc nào không hay.
Rồi những khi tôi được xem các đoàn văn công về quê biểu diễn. Ngày đó bé nên nhìn thấy hoàng hậu, công chúa, các tiểu thư trên sân khấu là tôi mê lắm, thích lắm. Tôi chỉ ước ao rằng lớn lên tôi được làm diễn viên, cũng được đóng vai công chúa, được làm hoàng hậu. Tôi cứ mơ ước như thế và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Rất may mắn niềm mơ ước ấy giờ đã thành hiện thực”.
Ở tuổi 17, Hoài Thu gây bất ngờ khi vào vai xuất sắc vai diễn Thị Mầu đã được nhiều tên tuổi của làng chèo vào vai. Năm đó, cô giành được 4 giải trong 1 hội diễn, gồm: Huy chương Vàng, Diễn viên xuất sắc. Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao cho giải Tài năng trẻ và Diễn viên đạt thành tích xuất sắc nhất Hội diễn năm 2001.
Công tác tại Nhà hát Chèo Thái Bình đến năm 2005 Hoài Thu chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ. Sau đó, vì tập trung cho thiên chức làm mẹ, cô chấp nhận hy sinh niềm đam mê với chèo để chuyên tâm chăm lo cho gia đình. Dù mất 10 năm nhưng Hoài Thu cho biết, cô không nuối tiếc vì cho đến sau cùng, những gì thuộc về nhau ắt sẽ là của nhau, giống như sợi dây duyên nợ giữa cô với chèo.
“Chèo đối với tôi như một mối lương duyên mà tôi phải gắn bó. Sau những thăng trầm của cuộc sống, đúng là định mệnh đã đưa tôi quay lại với chèo. Chỉ khi được đứng trên sân khấu chèo tôi mới thực sự là chính mình. Tôi phải gửi lời cảm ơn rất nhiều đến NSND Thúy Mùi, NSƯT Minh Vượng đã động viên và cho tôi động lực để có thể quay lại và gắn bó với sân khấu chèo. Đó là năm 2013 khi chị Thúy Mùi dựng vở “Vương nữ Mê Linh” đã mời tôi về nhà hát để cộng tác vào vai nữ chính (Trưng Trắc). Vở diễn đã thành công rực rỡ với nhiều giải thưởng dành cho tất cả những cố gắng. Vai diễn này đã làm trỗi dậy tình yêu và niềm đam mê trong tôi, để tôi quyết định quay lại với chèo và gắn bó đến bây giờ” - Hoài Thu nhớ lại.
Dù ở vai trò nào, Hoài Thu cũng cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Cô chia sẻ, khi làm diễn viên cô sẽ tư duy và nghiên cứu về nhân vật của mình để làm sao thể hiện nhân vật thật tốt, thật trọn vẹn. Nhưng khi làm đạo diễn cô sẽ bao quát tổng thể và chú ý từng khâu để làm sao truyền tải được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm và đảm bảo cho ekip thực hiện một cách trơn tru nhất.
Là một người tâm huyết với nghệ thuật chèo, NSND Hoài Thu cũng đau đáu với việc lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của hát chèo. Đứng trên phương diện của người trong nghề, cô nhìn thấy vẫn có những lớp khán giả quan tâm đến chèo thông qua nhiều hình thức tiếp cận khác nhau, tuy nhiên không còn đông đảo như trước đây. Đặc biệt là với thế hệ trẻ thì lại càng ít để ý hơn đến nghệ thuật của cha ông.
“Bản thân tôi là người làm nghề, tôi nghĩ rằng không chỉ bản thân mình mà tất cả những người làm nghề đều muốn lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến với các tầng lớp khán giả, không chỉ là khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế. Nếu như Trung Quốc tự hào về Kinh kịch, Nhật Bản tự hào về kịch Nô thì Việt Nam chúng ta tự hào về nghệ thuật chèo rất đặc sắc.
Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng ông cha là người thắp lửa và chúng tôi là những thế hệ trẻ làm sao giữ lửa và truyền lửa cho tốt. Bản thân những người làm nghề phải thực sự tử thế với nghề mình chọn” - Hoài Thu tâm niệm.
Cũng như nhiều nghệ sĩ chèo khác, khi biết thông tin hồ sơ Nghệ thuật chèo được trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, NSND Hoài Thu cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. “Những người trong nghề có lẽ đã mong danh hiệu này từ rất lâu bởi nó là văn hóa của đất nước, của dân tộc mình.
Riêng với bản thân tôi, tôi sẽ luôn cố gắng để bảo tồn và phát triển nghệ thuật mà ông cha để lại, sẽ luôn yêu và cháy hết mình với sân khấu, với từng vai diễn, từng tác phẩm mà mình lựa chọn dàn dựng” - NSND Hoài Thu khẳng định.
Sắp tới, hồ sơ “Nghệ thuật chèo” sẽ được trình UNESCO xét ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một bước tiến trong sự công nhận để tiếp thêm động lực cho việc bảo tồn những nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng. Để làm được điều đó, không thể không nhắc đến những người nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đã dày công góp sức, cùng cống hiến để góp phần gìn giữ, trao truyền nghệ thuật chèo cho thế hệ hôm nay và mai sau.