NSND Hoàng Cúc: Dù mai tận thế thì đêm nay sen vẫn gieo trồng
NSND Hoàng Cúc nói, chị không sống bằng những hào quang của sân khấu hay điện ảnh. Giờ đây, một buổi sớm mai thức dậy, được ngắm ánh bình minh, với chị, đó là hạnh phúc. Sự nâng niu, trân quý từng thời khắc của cuộc sống ấy khiến người đàn bà tài hoa, mỹ nhân của màn ảnh Việt một thời vẫn không ngừng sáng tạo để viết tiếp bản trường ca cuộc đời, về những ánh hào quang chưa bao giờ tàn trên mặt đất...
Đằng sau hào quang là những nỗi đau và sự hy sinh
- PV: Thưa NSND Hoàng Cúc, chị nghĩ thế nào nếu chị không phải là NSND Hoàng Cúc mà là một ca sĩ, diva Hoàng Cúc?
+ NSND Hoàng Cúc: Nghe cũng thú vị đấy chứ nhỉ. Nếu là một ca sĩ, tôi cũng sẽ cháy hết mình và tận hiến, cũng như sân khấu thôi. Tôi nghĩ, đã là một nghệ sĩ, dù lĩnh vực nào tôi cũng xác định tâm thế sống, làm việc, cống hiến như là ngày mai mình không còn sống nữa.

Ảnh: Đặng Giang.
- PV: Chị đậu Khoa Thanh nhạc, vâỵ̣ duyên cớ nào chị lại chuyển sang kịch nói, để rồi cả đời ngụp lặn trong vầng hào quang và cả “bể khổ” của sân khấu?
+ NSND Hoàng Cúc: Hai chữ “ngụp lặn” mà bạn dùng có vẻ bao chứa cả cuộc đời của người nghệ sĩ, có cả vinh quang và cay đắng. Chính xác là tôi nhận được giấy gọi học thanh nhạc, nhưng trước đó, tôi đã có 2 năm phục vụ Đoàn văn công Hà Tuyên, biểu diễn ca múa nhạc và kịch. Mọi người khuyên tôi nên học kịch. Rồi, tôi học 4 năm ở Phân hiệu 2 của Trường Sân khấu - Điện ảnh tại Thái Nguyên, học biên kịch, đạo diễn, tổ chức sự kiện và biểu diễn.
Ngày đó, những năm 1978-1981, tôi được học các thầy cô giỏi tu nghiệp ở nước ngoài về. Đó là thời hoàng kim của sân khấu. Tôi may mắn được tiếp xúc được những gì tinh túy nhất của sân khấu thế giới như bi kịch cổ đại Hy Lạp, sân khấu phương Tây, kịch Liên Xô... Chúng tôi học rất sâu về sân khấu, giao hưởng, chính quy và bài bản. Nhưng, lúc đó ra trường quá trẻ để làm đạo diễn, hơn nữa, tôi cũng rất thích nghệ thuật biểu diễn. Trước khi về Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi đã có một thời gian dài đi làm phim “Hồi chuông màu da cam”, trước đó nữa là phim truyền hình “Chuyện thường ngày ở huyện”.

NSND Hoàng Cúc tại Lễ ra mắt Trường ca Cúc.
+PV: Ngay lập tức tỏa sáng và trở thành ngôi sao kịch nghệ của sân khấu miền Bắc, chị nghĩ thành công là do tài năng bẩm sinh, hay sự khổ luyệ̣n thành tài?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi nghĩ, trước hết là do may mắn. Tôi về Nhà hát Kịch Hà Nội lúc đó toàn những ngôi sao như Minh Trang, Thanh Tú... Tôi ngưỡng mộ họ từ xa. Minh Trang trong “Hà My của tôi” hay Thanh Tú trong “Âm mưu và tình yêu” là những tượng đài sân khấu ngày đó. Còn tôi chưa là gì cả. Vì thế, tôi đã dám bứt phá, tự khẳng định chính mình để có một chỗ đứng vững vàng trên sân khấu.
Lúc bấy giờ nhà hát dựng vở “Người đàn bà sau tấm cửa xanh” (kịch bản của Nga) năm 1984. Tôi không có tên trong bảng phân vai nhưng nhìn 2 kíp thử đều không đạt nên tôi mạnh dạn xin đạo diễn Tạ Xuyên cho thử vai. Có những ánh mắt hình viên đạn nhìn tôi lúc ấy. Nhưng, vì khát khao được làm nghề, tôi dường như chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì bên ngoài nữa mà lao lên sân khấu, “mượn” anh “Trần Vân đứng làm vai người yêu để cho tôi diễn. Tôi vốn dĩ rất yêu văn học Nga, văn học Pháp, những nhân vật lừng lững ấy đã ngấm vào tâm hồn tôi từ bé.

NDND Hoàng Cúc trong vở kịch: "Tôi và chúng ta".
Và, khoảnh khắc tôi hóa thân vào người vợ hiền lành nhưng quyết liệt để bảo vệ tình yêu khiến đạo diễn bị thuyết phục. Sau khi thử xong, ở dưới mọi người không còn hoài nghi mà ồ lên ngạc nhiên, vỗ tay. Nếu không có sự dũng cảm và quyết liệt của chính tôi thì cơ hội không thể đến với mình. Nhiều khi chỉ một lần quyết định cho mãi mãi. Trường hợp của tôi là vậy. Cuối cùng, tôi được chọn vào vai chính, đóng cùng nghệ sĩ Hoàng Dũng, Minh Vượng và Minh Trang. Ngay trong tác phẩm đầu tay, tôi khiến giới chuyên môn, khán giả bất ngờ bởi lối diễn linh hoạt, chân thực và không khiên cưỡng.

NSND Hoàng Cúc vai Thùy trong "Tướng về hưu".
- PV: Làm một nghệ sĩ, dù ở lĩnh vực nghệ thuật nào, nếu không có ngôi sao nổi tiếng chiếu mệnh, dù tài đến mấy, giỏi đến mấy cũng khó mà thành danh trên bầu trời nghệ thuật. Chị có nghĩ mình có “ngôi sao nổi tiếng” ưu ái chiếu mệnh không?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi tin chứ. Tôi đã trải qua những vinh quang nhưng cũng đầy thăng trầm, gian truân và khổ ải trong cuộc đời và nghệ thuật. Bạn có tin, khi đã lựa chọn nghệ thuật là không dám sinh con không? Bạn có tin, ngay đứa con đầu tiên của mình đã không thể ra đời không vì lúc đó chưa cống hiến được gì cho sân khấu. Tôi nghĩ, ở thời điểm đó, tất cả nghệ sĩ Việt đều dám làm điều đó để tận hiến cho công việc.
Khi tôi làm “Hành trình dẫn đến tự do” - tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải, tôi có bầu. Cả đoàn kêu lên, sao lại sinh con vào thời điểm này, vì tôi đang là một ngôi sao sáng. Rồi, sinh con được 1 tháng, tôi đã bị kêu đi đóng phim “Người tôi yêu”... Thời đó, tôi là solist của đoàn nên vai nào cũng đến lượt mình, từ chính kịch đến những vai cá tính. Thậm chí, có những vai tôi phải ôm con gửi cho bạn diễn bên cánh gà...
- PV: Chị có thể chia sẻ về thời hoàng kim trên sân khấu là thánh đường của chị. Với những vai diễn để đời trong các vở kịch hết sức đặc biệt của thập niên 1980-1990 như: “Tôi và chúng ta”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Thầy khóa làng tôi”, “Mùa hoa sữa”...
+ NSND Hoàng Cúc: Thời hoàng kim đó có rất nhiều chuyện để kể, nhưng sau ánh hào quang của sân khấu là những sự hy sinh thầm lặng của người nghệ sĩ, như con tằm rút ruột nhả tơ. Tôi nhớ những kỷ niệm khi đóng vở “Con chim cun cút” của Nga, tôi đóng vai một nhà báo, chuyên tư vấn về tâm lý gia đình cho những phụ nữ làm thế nào để giữ hạnh phúc, nhưng chính hạnh phúc gia đình mình thì tôi lại không giữ được.
Tôi nhớ, đêm cuối cùng của vở diễn, khi tấm màn nhung khép lại, tôi nằm phục xuống dưới chân dung của đức mẹ Maria và khóc. Con trai chạy ra ôm lấy tôi, tôi khóc vì đêm hôm đó cũng là đêm mẹ tôi mất. Tôi khóc cho chính nỗi đau của mình vì tôi chưa báo hiếu được mẹ, dù chỉ một ngày. Khóc vì khi về chịu tang, không kịp nhìn mẹ lần cuối...
Có những nỗi đau, sự hy sinh của những nghệ sĩ chúng tôi như vậy đó.
Khi tôi tập vở “Tôi và chúng ta” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, mất 3 tháng ròng rã. Con còn nhỏ nhưng tôi phải mang con sau cánh gà. Ngày đó, kịch của Lưu mang tính thời đại rất cao, như những tiếng bom phá nát bầu không khí bức bối thời bao cấp. Chúng tôi mang vở kịch vào miền Nam tham gia liên hoan sân khấu. Con trai tôi được 6 tháng, tôi đành phải để con ở nhà với 12 hộp sữa bò... Vào Nam diễn, vừa đau vì xa con, vừa đau vì... căng sữa. Còn con trai tôi, sau một thời gian xa mẹ đã bị suy dinh dưỡng vì khát sữa. Sau này, đến 6 tuổi con trai vẫn lon ton theo mẹ đi biểu diễn trong Nam ngoài Bắc, con thuộc hết các vở diễn, lời thoại của mẹ...
Còn một kỷ niệm đáng nhớ nữa là tôi đóng 4 vai trong vở “Em đẹp dần trong mắt anh”. Vai diễn nào cũng rút ruột, rút gan để diễn, có lúc tôi nghĩ, nếu cứ diễn thế này chắc tôi chết trên sân khấu. Vậy đó, một thời sân khấu là cả cuộc đời tôi, tôi sống chết, vui buồn vì nó.
Yêu sân khấu nhưng “ngoại tình” với điện ảnh, tình nào cũng đắm say
- PV: Cá tính nghệ thuật của Hoàng Cúc là sự kết hợp giữa nội lực sâu sắc, cái duyên sân khấu độc đáo, diễn bằng nội tâm, bằng ngôn ngữ hình thể, ánh mắt, cái nhếch môi, nụ cười... gọi là “ngoài đạm trong nồng”. Hoàng Cúc được đánh giá là bậc thầy trong việc thể hiện tâm lý nhân vật. Diễn mà như không diễn, nhập vai bằng sự hóa thân sâu sắc mà tinh tế khiến khán giả đôi khi quên mất chị là diễn viên đang diễn mà chính là nhân vật như đang sống thật trên sân khấu. Chị có thể chia sẻ thêm về kỹ năng này?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi nghĩ, đó là cả một nghệ thuật, tôi diễn mà không diễn vì nó là chiều sâu bên trong, là nội tâm. Phải đọc và xem rất nhiều. Người nghệ sĩ ngoài tài năng và bản năng diễn xuất trời cho thì phải không ngừng đọc, học hỏi để có một nền tảng kiến thức và sự hiểu biết về đời sống, về nội tâm con người. Phải có trí tuệ. Trong “Tướng về hưu”, tôi vào vai Thủy rất lạnh lùng nhưng bên trong là một thế giới đầy ắp nỗi niềm. Đôi khi, chỉ một cái ngước mắt lên là cả một trời tâm lý, một trời dông bão rồi chứ. Kịch và điện ảnh là hai thứ tôi mê vô cùng vì tôi được sống nhiều cuộc đời mà tôi đã gặp đâu đó trong những cuốn sách mình đọc, những người tôi đã gặp... Đó là sự chắt lọc từ cuộc đời.
- PV: Nhiều người đánh giá cá tính nghệ thuật của Hoàng Cúc đậm chất sân khấu kịch nói truyền thống Việt Nam, nhưng lại kết hợp nhuần nhuyễn với tinh thần hiện đại và tâm lý học phương Tây trong cách xây dựng nhân vật, vì thế, khi bước lên sân khấu, dù ở vai nào, tình huống nào, bi kịch hay hài kịch, chính diện hay phản diện, chị diễn đều rất sáng sân khấu và rất sang trọng. Chị được đánh giá là bậc thầy trong diễn xuất tâm lí nhân vật. Điều gì làm nên tính cách nghệ thuật đó của chị?

NSND Hoàng Cúc trò chuyện cùng PV Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Đặng Giang.
+ NSND Hoàng Cúc: Nhiều người nói như thế. Tôi nghĩ, nếu tôi kết hợp một cách sâu sắc và nhuần nhuyễn giữa hai giá trị đó là vì tôi có những năm tháng học rất kỹ và sâu về kịch cổ điển phương Tây. Tôi ngấm được những giá trị của tinh hoa phương Tây, những vở kịch của họ sâu sắc, tầng tầng lớp lớp dày dạn về tâm lý nhân vật. Trong khi đó, sân khấu Việt Nam khá đơn giản. Sân khấu Phương Tây là sân khấu chuẩn mực, đâu vào đó, từ hóa trang đến kịch bản và luôn mang hơi thở thời đại. Còn chất Việt Nam, nó nằm sẵn trong mình rồi.
- PV: Không chỉ sân khấu, ở lĩnh vực điện ảnh, Hoàng Cúc đặc biệt thành công, nổi tiếng bởi những vai điện ảnh ấn tượng, đặc biệt như Thủy trong “Tướng về hưu”, Tám Bính trong “Bỉ vỏ”. Với vai Thủy, chị giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan Phim năm 1990. Sân khấu, điện ảnh, chị đều đạt đến đỉnh cao của danh tiếng và tài năng. Rốt cục, ngẫm nghĩ lại về cuộc đời mình, sân khấu hay điện ảnh mới là Hoàng Cúc?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi là người thiếu nữ được nhiều chàng trai yêu, trong đó có điện ảnh và sân khấu đều yêu mình. Thực tế, trong một tình yêu trọn vẹn không ai yêu 2 người cùng một lúc cả. Còn tôi, tôi rất yêu sân khấu nhưng vẫn “ngoại tình” với điện ảnh, tình nào cũng đắm say và liều mình như chẳng có. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội đã luôn bao dung vì tôi thường xuyên phải “trốn” đi làm phim... Tôi bị kỷ luật, trừ lương nhiều lắm nhưng không sao, miễn là tôi vẫn được làm nghề và không phải rời khỏi Đoàn kịch Hà Nội vì cái “E” của đoàn kịch Hà Nội rất hợp với tôi. Nghệ sĩ như con tằm rút ruột nhả tơ, dù trong công việc và cuộc sống, lúc nào cũng rút ruột, xả thân hết mình thì mình sẽ nhận lại được quả ngọt.
- PV: Chị nghĩ sao khi chị được đánh giá là biểu tượng của vẻ đẹp, tài năng và nghị lực trong nghệ thuật Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua nhiều thế hệ. Chị có kiêu hãnh vì điều đó?
+ NSND Hoàng Cúc: Đó là sự kiêu hãnh ngầm. Còn trong đời sống tôi vẫn thân thiện với một tấm lòng quảng đại, bao dung.
- PV: Một thời chị là tấm gương cho lớp diễn viên trẻ về tinh thần nghề nghiệp và niềm tin vào giá trị đích thực của nghệ thuật biểu diễn. Chị nghĩ sao về điều này và lớp trẻ ngày nay liệu có còn có những biểu tượng trong nghề để nuôi dưỡng đam mê và tinh thần học hỏi của các bạn trẻ?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi nghĩ, mỗi thời có một cách nhìn nhận và làm nghề khác nhau. Không nên áp đặt các giá trị lên nhau. Hãy để mọi người sống, chiêm nghiệm và đi đến tận cùng con đường của mình, không nên chê trách, đấy là nguyên tắc sống của tôi. Thậm chí, có những người hiểu nhầm, chà đạp, dựng chuyện với mình, nhưng tôi nghĩ, trên đời nào có ai không đau khổ, mất mát đâu. Thế nên, hãy sống thật nhiều yêu thương và bao dung. Thế hệ tôi có những người đi trước rất giỏi và chúng tôi học hỏi từ họ. Bây giờ, lớp trẻ cũng vậy, nhiều em giỏi lắm chứ, họ đa tài, làm được nhiều việc một lúc như ăn vai, hát hay, đàn giỏi, nhảy đẹp... Nhà hát Kịch Việt Nam có một thế hệ tài năng như NSND Thu Hà cũng thế, NSND Trung Hiếu, NSND Công Lý... Điều quan trọng là các em phải luôn sáng tạo để bắt kịp với thời đại.
- PV: Chị đã đi qua giai đoạn hoàng kim của sân khấu, thời bao cấp gian khó và thời sân khấu vật lộn với kinh tế thị trường, thiếu vắng khán giả. Thời nào đáng nhớ nhất, với chị?
+ NSND Hoàng Cúc: Có một thời, những vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội trở thành hiện tượng khi khán giả phải xếp hàng dài mua vé, thậm chí còn phải có giấy giới thiệu, chờ 2-3 hôm mới được mua. Đó là những vở kinh điển như “Âm mưu và tình yêu”, “Cô gái đội mũ nồi”, “Bản tình ca màu xanh”, “Tôi và chúng ta”, “Quyền hưởng hạnh phúc”... Nhưng, cũng có lúc chúng tôi nằm chờ vì sân khấu heo hắt, dựng những vở kịch không ai xem, không ai mua vé và không có tiếng vang. Các nghệ sĩ lấy ngắn nuôi dài, làm thêm đủ thứ để nuôi gia đình như may áo cưới, bán hàng... Thời nào cũng đáng nhớ vì cuộc sống của tôi gắn liền với những vui buồn của sân khấu.
- PV: Những ngày qua, giới sân khấu thật buồn khi các nhà hát lâu đời là sân khấu Lan Anh, Trống Đồng ở TP Hồ Chí Minh đóng cửa. Đó là một thực trạng buồn của sân khấu hiện nay, thiếu vắng khán giả. Hay, vì sân khấu không chịu đổi mới để tiếp cận với công chúng vì gu thưởng thức của khán giả bây giờ đã khác. Chị nghĩ gì về điều này?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu của việc chúng ta không chịu đổi mới để theo kịp với thời cuộc. Đây là thời kỳ mà kinh tế, văn hóa, xã hội đang phát triển đồng bộ, coi trọng sự sáng tạo, vậy mà sân khấu lại tụt lùi phía sau. Không thể bắt khán giả ăn mãi một món. Trong Nam, tình hình sân khấu có những đặc thù riêng, các nghệ sĩ còn phải đi thuê rạp, không có nhà hát của mình là một khó khăn. Những sân khấu tư nhân như sân khấu Hồng Vân, sân khấu Thành Lộc vẫn sáng đèn. Đó là sự nỗ lực rất lớn của họ, thậm chí, có những nghệ sĩ sẵn sàng bỏ tiền túi ra để dựng vở.
Tuy nhiên, tôi nghĩ sân khấu phải thay đổi nhiều hơn nữa để thích ứng với thời cuộc. Thời gian qua, tôi xem mấy bộ phim của các đạo diễn trẻ, tôi ngạc nhiên vì những tư duy mới mẻ của họ. Đặc biệt là “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tôi thực sự nể tinh thần chuyên nghiệp, sự dấn thân của ê-kíp. Làm nghệ thuật phải như thế, đó là một bước tiến của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tôi nghĩ, nó không đơn thuần là câu chuyện chuyên nghiệp thuần túy mà phải vững tay nghề và luôn đi theo thời đại. Sân khấu chưa theo kịp đời sống. Kể cả chúng ta làm sân khấu tròn, nhưng những vở kịch vẫn cũ thì chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi.

NSND Hoàng Cúc nhận giải truyện ngắn viết về đề tài cha và con gái.
Những gì tồn tại trên mặt đất đều là hào quang
- PV: Chị có nhớ/tiếc về thời hào quang của mình?
+ NSND Hoàng Cúc: Có chứ, làm nghệ sĩ không dễ gì rời xa được ánh hào quang. Nhưng rồi, thời gian sẽ không trở lại, chúng ta sẽ không thể sống mãi trong những hoài niệm. Tôi biến những hoài niệm ấy thành một nguồn mạch cảm xúc mới, với văn chương. Và, lạ là, tôi làm gì cũng đam mê và cháy hết mình. Trong đạo Phật có một câu nói rất xoa dịu: “Làm gì có ta, nhà ta còn không có, huống gì mọi thứ, kể cả con ta”, xét đến tận cùng, mọi thứ cuối cùng đều trở về với cát bụi và cái gì tồn tại trên mặt đất này đều là hào quang, dù chỉ là một buổi sáng mai nhìn thấy ánh mặt trời. Vì lẽ đó mới có ngày hôm nay Hoàng Cúc ra trường ca “Cúc” và sắp tới là tập truyện ngắn. Dù cuộc sống có lên thác xuống ghềnh, có những đêm dài như đêm trường trung cổ, trong 13 năm chữa bệnh nhưng tôi vẫn luôn hy vọng. Đó là niềm tin cho người ta thấy vẫn có ngày mai.
- PV: Những số phận, những nhân vật mà chị từng đóng dường như có một điểm chung, đó là những người phụ nữ nhiều truân chuyên, nhưng vẫn luôn mạnh mẽ, vượt lên số phận của mình và họ đẹp một cách kiêu hãnh. Có bao giờ chị nghĩ, sân khấu và những vai diễn đã vận vào đời mình? Hay, nói một cách lạc quan hơn là ông trời không cho ai tất cả và tạo hóa thì ghét sự hoàn hảo?
+ NSND Hoàng Cúc: Bạn có tin có định mệnh không? Mẹ tôi kể rằng, khi tôi ra đời, sau 2 hôm, mẹ ở ngoài vào thay tã cho tôi thì thấy một cậu con trai chứ không phải con gái. Bà tá hỏa, kêu lên, cả bệnh viện đổ xô đi tìm. Bà linh tính thế nào, chạy ra cổng thì thấy một người đội nón bế đứa bé đang chạy. Bằng trực cảm của người mẹ, bà cho rằng đó là con mình. Và, tôi có ngày hôm nay. Mẹ đổi tên Huệ thành Cúc. Huệ hay Cúc thì đều là nỗi buồn của mùa thu. Khi tôi lớn lên, B-52 rải thảm ở Hà Nội, ký ức tuổi thơ tôi là chiến tranh và hầm trú ẩn, không có gì làm ngoài chơi trò chơi của con trai, về nhà bên ngọn đèn dầu và đọc sách.
Khi bầu trời bình yên thì tôi ra thư viện, đọc hết kho tàng văn học phương Tây, đọc sang văn học Trung Quốc... Rồi, chuyển sang đọc thơ, chép đầy sổ tay. 13 tuổi, tôi đã thích thơ tình, mài bút và chép rất nhiều. Tuổi trẻ của tôi lớn lên như thế. Rồi, xem phim, cày nát hết các các tác phẩm kinh điển. Những thứ đó nó ngấm vào mình, dạy cho tôi cách nhìn cuộc đời, nhìn người và vào những vai diễn. Vì thế, nghệ sĩ muốn đi đường dài cần có nền tảng và không ngừng học, đọc.
Còn sự hoàn hảo ư? Tôi nghĩ, tất cả mọi sự hoàn hảo đều biến người ta thành nhàm chán và sẽ không thấy hứng thú gì với cuộc sống. Sự khuyết thiếu trong tâm hồn và cuộc sống sẽ giúp con người nhìn đời sâu sắc hơn và biết cho đi nhiều hơn. Sự không hoàn hảo mang lại vẻ đẹp của cuộc sống.

NSND Hoàng Cúc tại Lễ ra mắt Trường ca Cúc.
Giữa thử thách hiểm nghèo, tôi chưa bao giờ tuyệt vọng
- PV: Khi đang ở vị trí là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, chị biết tin mình bị ung thư. Cảm giác lúc đó của chị thế nào? Chị mất bao nhiêu thời gian để lấy lại sự cân bằng và hồi sinh trong tâm hồn cũng như cơ thể của mình?
+ NSND Hoàng Cúc: Trước đó, tôi bị Basedow, nhưng vì đi diễn nhiều quá, tôi không khám và cũng không quan tâm đến sức khỏe của mình. Cho đến khi tôi bị K vú... Đó là định mệnh. Bác sĩ bảo tôi chỉ sống được 3 năm. Tôi không sốc. Hôm sau, lấy kết quả xét nghiệm, tôi còn rủ bạn bè đi ăn và chào tạm biệt mọi người để vào viện. Tôi chưa bao giờ tuyệt vọng. Tôi nghĩ rằng, ta phải sống nhỉ, không sống uổng phí quá. Tôi mở chiến dịch ăn chay, tập yoga và đi nghỉ mát, song hành với hành trình chữa bệnh. Trên bức tường ở một bệnh viện Trung Quốc, tôi có khắc dòng chữ: “Dù mai tận thế thì đêm nay sen vẫn gieo trồng”.
- PV: Phải chăng, thơ, văn chương đến với chị trong những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống ấy hay nó nằm sẵn trong chị mà đến lúc này, khi chị tĩnh tâm nhìn sâu vào bên trong mình, chị mới chạm đến nó?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi rất thích viết lách, tôi đã làm thơ rải rác từ khi còn nhỏ. Tôi đặc biệt thích trường ca, vì cuộc đời người nghệ sĩ là một con sông cứ chảy mãi, có lúc phẳng lặng, có lúc gập ghềnh nhưng vẫn luôn chở nặng phù sa để tưới mát cho chính tâm hồn mình. Tôi biết ơn cuộc đời, mình vẫn còn sống và làm được nhiều việc và quan trọng là tôi chưa bao giờ tuyệt vọng.

- PV: NSND Hoàng Cúc diễn hay, làm thơ viết văn rất cá tính, truyện ngắn của chị cũng đoạt giải thưởng trong một cuộc thi. Chị có nghĩ “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”?
+ NSND Hoàng Cúc: Cũng có thể lắm chứ, đôi khi vì một câu chuyện lãng xẹt nào đó mà đời mình “họa vô đơn chí”. Nhưng, tôi nghĩ, cuộc đời, cứ làm những việc mình muốn, không có hại cho ai, không ảnh hưởng đến ai. Còn, dẫu trời đất có ghen, lòng người có cạn đi chăng nữa thì mình vẫn là sen.
- PV: Năm ngoái, chị ra mắt trường ca về cuộc đời ở tuổi U70 khiến nhiều người bất ngờ. Trường ca “Cúc” gắn liền với cuộc đời của chị như nhân sinh quan, thế giới quan của những nhân vật chị từng diễn, số phận con người nói chung, đặc biệt là thân phận phụ nữ. Toàn bộ doanh thu của trường ca “Cúc” được NSND Hoàng Cúc hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao, vùng sâu, tiếp nối công việc thiện nguyện mà chị đã thực hiện trong nhiều năm qua. Với chị, thơ ca có ý nghĩa như thế nào?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi muốn kể về một sự sống, về khát vọng và tận hiến của một con người. Chân dung đó là một tiếng hồn, có nhân sinh quan, thế giới quan của người cầm bút, có trí tuệ, văn hóa, có sự nghiệp. “Cúc” là hiện thân của NSND Hoàng Cúc. Ở đó, tôi nói nỗi đau của người khác để nói nỗi đau của mình và nỗi đau của mình để nói về nỗi đau của người khác. Nhưng, vượt lên tất cả, con người sẽ thoát khỏi những khổ đau vì “Trên trời biếc nụ bầy chim trời quấn quýt/ Dưới đất mềm ta ươm một nhành mai”.
- PV: Chị còn chuẩn bị xuất bản một tập truyện ngắn và một tập thơ trong thời gian tới? Điều gì giúp chị sống một cuộc sống đầy năng lượng và tinh thần sáng tạo như vậy?
+ NSND Hoàng Cúc: Tôi đến với cuộc đời này để sống hết mình cho những nguồn mạch ở trong mình. Viết, cũng như biểu diễn, với tôi là hạnh phúc. Tập truyện ngắn mà tôi viết về những dữ dội, gai góc của đời sống mà tôi chiêm nghiệm, quan sát trong thời gian qua. Khác với thơ, truyện ngắn của tôi khá khốc liệt và có những cái kết buồn... Tôi hy vọng sẽ mang đến cho độc giả một góc nhìn cận cảnh, sâu sắc và nhiều tầng lớp của xã hội đương đại...
- PV: Chúng ta sẽ cùng chờ đợi những tác phẩm văn chương mới của NSND Hoàng Cúc sắp ra mắt độc giả. Trân trọng cảm ơn cuộc trò chuyện và những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của chị!