NSND Hoàng Cúc ra mắt Trường ca 'Cúc'

Ngày 2/6, tại Hà Nội, NSND Hoàng Cúc tổ chức lễ ra mắt tập trường ca với tựa đề bằng chính tên thật của mình - 'Cúc'. Được công chúng biết đến qua thành tựu của sự nghiệp sân khấu và điện ảnh, đây là lần đầu tiên nữ nghệ sĩ ra mắt một tác phẩm văn chương dù bà luôn lặng lẽ sáng tác.

Tập trường ca Cúc của NSND Hoàng Cúc.

Tập trường ca Cúc của NSND Hoàng Cúc.

NSND Hoàng Cúc được công chúng biết đến qua nhiều vai diễn điện ảnh, như: Tám Bính trong "Bỉ vỏ", Thủy trong "Tướng về hưu" và giành nhiều giải thưởng uy tín. Ở lĩnh vực sân khấu, bà còn giữ cương vị Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2001 cho đến khi nghỉ hưu. Bà đã tìm các kịch bản hay, dựng được những vở kịch thành công, như: Cát bụi (2004), Mắt phố (2009)...

Sự kiện ra mắt trường ca "Cúc" thu hút sự quan tâm của đông đảo giới văn nghệ sĩ và công chúng. Tập sách có dung lượng 177 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm ba phần: Cánh đồng của mẹ, Hồn thu xứ mặt trời, Phục sinh.

Xuyên suốt tác phẩm là một cuộc hành trình dằng dặc, ăm ắp cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời của tác giả, từ tuổi thơ đến khi trưởng thành, những chuyến đi hay những tháng ngày mạnh mẽ chiến đấu với bạo bệnh… Tác giả sử dụng nhiều thể loại, từ thơ tự do, đến bảy chữ, lục bát... để chuyển tải những cung bậc cảm xúc và thi ảnh khác nhau.

Quang cảnh lễ ra mắt tập sách đầu tiên của NSND Hoàng Cúc.

Quang cảnh lễ ra mắt tập sách đầu tiên của NSND Hoàng Cúc.

Chia sẻ về con đường văn chương lặng lẽ của mình, NSND Hoàng Cúc bày tỏ, bà sáng tác với mong muốn cất lên tiếng nói cảm xúc của mình về cuộc sống hằng ngày, về những ký ức, suy nghĩ bên trong của bản thân.

Yêu thơ từ những ngày còn rất bé, có những thời điểm, thơ như cứu cánh, nâng đỡ NSND Hoàng Cúc lúc biến động, khi bạo bệnh và đưa bà đi tới những hy vọng. Bà đến với việc sáng tác thơ rất tự nhiên, theo tiếng lòng và muốn mượn câu chữ để giãi bày cảm xúc. Bà viết thơ từ nhiều năm qua nhưng đến nay mới quyết định ra mắt tác phẩm thơ đầu tiên là trường ca.

Có mặt tại lễ ra mắt tác phẩm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, trước đây, ông chỉ biết đến NSND Hoàng Cúc thông qua bóng dáng nhân vật bà thể hiện trên sân khấu và điện ảnh. Sau khi đọc trường ca này, ông thêm phần cảm phục và gọi bà là một thi sĩ.

NSND Hoàng Cúc và một vị khách đến từ Nhật Bản.

NSND Hoàng Cúc và một vị khách đến từ Nhật Bản.

"Trường ca "Cúc" là bản tuyên ngôn, bản hồ sơ trọn vẹn nhất, trung thực nhất về Hoàng Cúc. Tác phẩm làm thơ ca trở nên bí ẩn và đầy quyến rũ. Có quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ được viết trong sự đập cánh lộng lẫy của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên. Trong "Cúc", tôi nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

PGS.TS Phùng Gia Thế - Giảng viên, nhà nghiên cứu và phê bình văn học chia sẻ, trước hết, "Cúc" mang một nội lực xúc cảm cực kì mạnh mẽ, một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu, đâu đó phảng phất hư vô nhưng trên hết là sự vượt thoát hoàn toàn khỏi những tục lụy xác thân để được "rong chơi giữa cõi vô thường". "Cúc" là trường ca của cảm xúc. Tính tự sự trong đây dường như chỉ là cái cớ để chủ thể trữ tình cất cánh/xuyên không những xúc cảm của mình.

Thứ hai, có cảm giác trường ca của Hoàng Cúc mang bóng dáng "thiền ca", bóng dáng thơ của một người tu hay kẻ hành thiền. Trước buồn vui dâu bể của cuộc đời, chủ thể dường như đã tu tập tới hạn để vượt qua, buông bỏ và giải thoát (an tĩnh trước sự chảy trôi của thời gian, của kiếp người, bình thản xem cái chết chỉ như là một cuộc ra đi).

Thứ ba, "Cúc" tuôn chảy nhuần nhị tự nhiên những "cổ mẫu" của văn hóa như: đền đài, hình tượng tôn giáo, huyền thoại (Chử Đồng Tử-Tiên Dung, các biểu tượng Thiên Chúa giáo, đạo Mẫu, đạo Phật…) nhưng không hề nhạt phai những âu lo, muộn sầu đương đại (sự tàn phá thiên nhiên, dịch bệnh, cô đơn...).

Thứ tư là một khả năng ngôn ngữ tuyệt vời. Có cảm giác, Hoàng Cúc viết trong trạng thái vô thức, mơ hồ, câu chữ biến ảo, tuôn chảy tự nhiên, không gượng ép. Chị không làm chữ, không chủ ý thiết tạo hình thức nhưng vẫn có nhiều câu thơ lạ và hay. "Cúc" không kể chuyện mà có chuyện, không phô phang tình cảm mà vẫn ngập tràn xúc cảm.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang (trái) giao lưu cùng NSND Hoàng Cúc.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang (trái) giao lưu cùng NSND Hoàng Cúc.

Với nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ, trường ca "Cúc" là một bất ngờ lớn. Hiếm thấy tác giả nào trong làng thơ Việt hiện đại mà in tập thơ đầu là một trường ca. Thể loại này đòi hỏi một sức viết, một trường lực, một câu chuyện cùng vô vàn những chi tiết, sự kiện. Những chi tiết, sự kiện ấy lại phải được hình tượng hóa bởi ngôn ngữ thơ.

Trong thế giới nội tâm ấy, nhân vật chính đã đưa đến cho bạn đọc nhiều câu chuyện, nỗi niềm, giãi bày rất nhiều tâm sự, được trải ra trong một khoảng thời gian kéo dài, từ những ngày thơ ấu, thời kỳ thiếu nữ cho đến những năm tháng về sau. Ngôn ngữ thơ phóng khoáng, tự nhiên, linh hoạt về hình thức.

Ở phần nào của trường ca, người đọc cũng dễ dàng tìm được những câu thơ ấn tượng, những khổ thơ hay, những câu thơ cảm động. Chẳng hạn tác giả viết về mẹ: Không còn bóng mẹ bên hiên vắng/ Cả cánh hoa vàng dệt kín sân/ Con ngõ nhỏ cựa mình nghiêng bóng nắng/ Đôi chim câu cũng bạt gió ngàn.

Cũng tại lễ ra mắt trường ca, NSND Hoàng Cúc chia sẻ sẽ dành toàn bộ doanh thu từ việc bán sách cho hoạt động từ thiện, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu miền xa vượt lên khó khăn để đến trường. Đây là việc làm mang tính tiếp nối các hoạt động thiện nguyện mà bà đã lặng lẽ thực hiện trong nhiều năm qua.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nsnd-hoang-cuc-ra-mat-truong-ca-cuc-post812403.html