NSND Kim Cương và vở diễn kinh điển: Đang đi đường thì khán giả chạy tới ôm và khóc
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Kim Cương để lại nhiều tác phẩm kịch nói có giá trị, nhưng lấy nước mắt và được khán giả nhớ đến nhiều nhất phải kể tới vở Lá sầu riêng, đóng cùng với mẹ bà là NSND Bảy Nam.
18 ngày tuổi đã lên sân khấu
NSND Kim Cương tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 trong một gia đình nề nếp, giàu truyền thống nghệ thuật.
Mẹ bà là NSND Bảy Nam – người được mệnh danh là "Tổ nghề sống" của sân khấu cải lương Nam Bộ (cùng với NSND Phùng Há). Cha bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu quyền lực của sân khấu cải lương.
Bà cố, bà nội của NSND Kim Cương cũng đều làm bầu gánh. Bên họ mẹ của bà có 11 người cậu, dì thì tới 4 người là nghệ sĩ nổi danh giới cải lương, gồm: Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền.
Chính vì thế, NSND Kim Cương lên sân khấu từ khi còn rất sớm. Mới 18 ngày tuổi, bà đã được bế lên sân khấu để vào vai con của Thị Mầu.
Bà sống với đoàn hát từ nhỏ tới lớn, mới chập chững biết đi đã được dẫn ra sân khấu đóng vai con. Lớn hơn một chút, bà bắt đầu biết ca, biết diễn vai nọ vai kia. Nhờ đó, dòng máu ca hát, diễn xuất đã ăn sâu vào huyết quản bà.
Kỷ niệm với vở kịch sân khấu kinh điển
Trong suốt sự nghiệp của mình, NSND Kim Cương để lại nhiều tác phẩm kịch nói có giá trị, nhưng lấy nước mắt và được khán giả nhớ đến nhiều nhất phải kể tới vở Lá sầu riêng, đóng cùng với mẹ mình là NSND Bảy Nam.
Vở kịch này được chính NSND Kim Cương viết vào năm 1958, đến giờ đã hơn 60 năm nhưng vẫn được công diễn và khán giả yêu mến.
Trong những năm 60, sân khấu kịch Sài Gòn chưa có, đoàn kịch Kim Cương của bà là một trong những đoàn kịch đầu tiên nên không có người viết kịch bản. Đa số các soạn giả nổi tiếng ngày đó đều tập trung viết cho cải lương vì cải lương đang thịnh hành hơn kịch nói.
Vì không có người viết kịch nói, nên NSND Kim Cương bắt buộc phải tự viết kịch bản để diễn. Đó là lí do bà trở thành soạn giả. Lá sầu riêng là một trong những vở kịch đầu tiên bà viết, với bút danh Hoàng Dũng.
Vốn là người con rất có hiếu, thương mẹ nên điều đầu tiên NSND Kim Cương muốn đưa lên kịch nói là tình mẹ con. Bà cũng không quên mình là người phụ nữ, nên ngoài tình mẫu tử, bà muốn qua vở kịch này gợi nhắc cho khán giả về phụ nữ qua các thập niên.
Điều khiến Lá sầu riêng thành công là NSND Kim Cương và NSND Bảy Nam, mẹ bà đều vào vai chính. Giữa hai mẹ con có nhiều đồng cảm nên không cần phải tập nhiều, chỉ cần nhìn nhau là có cảm xúc và biết phải làm gì. Đó là lí do vì sao cả hai diễn thành công đến thế.
Tới giờ, đã hơn 60 năm trôi qua nhưng NSND Kim Cương vẫn nhớ như in biết bao kỉ niệm vui buồn với vở kịch này. Bà thừa nhận, trong cuộc đời mình, bà chưa từng diễn vở kịch nào được khán giả hòa mình, sống hết lòng với sân khấu như thế.
Có lần, NSND Kim Cương diễn Lá sầu riêng ở sân khấu ngoài trời tại Quảng Trị. Bà đang diễn tới đoạn đuổi NSND Bảy Nam về vì bị nhà mẹ chồng nghi ăn cắp gạo, nhân vật mẹ chồng (nghệ sĩ Thúy Hoa vào vai) vừa đi ra sân khấu thì một khán giả xách giỏ chạy lên nói: "Ê, tao ngồi dưới nãy giờ không hề thấy bà Bảy Nam ăn cắp gạo nhà mày. Mày mà bảo bà Bảy Nam ăn cắp, tao đánh mày chết".
Lúc đó, cả NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam lẫn khán giả bên dưới đều ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Một lúc sau thì mọi người cười ầm lên. Nghệ sĩ Thúy Hoa thì ngượng ngùng nói: "Người ta đóng kịch chứ bộ".
Một lần khác, khi NSND Kim Cương qua Pháp biểu diễn, có một khán giả trông thấy mới chạy tới ôm bà khóc và bảo: "Chồng em mê vở Lá sầu riêng lắm, mê một câu trong vở kịch, giờ em gọi điện, chị nói lại câu đó cho chồng em nghe đi".
Về tâm huyết vớ vở kịch Lá sầu riêng, NSND Kim Cương từng tâm sự: "Vở kịch nào tôi viết ra cũng là tâm huyết, là cảm xúc của tôi, khiến tôi thương mến. Tôi đã viết đến 80 vở kịch rồi, vở nào cũng có xúc động riêng của tôi nhưng chắc chắn khán giả ấn tượng nhất với Lá sầu riêng".