NSND Lan Hương: Bay qua làn nước mát

Sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần, vậy mà mọi người vẫn quen gọi chị là 'em bé Hà Nội'. 'Em bé' đấy nhiều năm nay đã lên chức bà ngoại, đến tuổi về hưu, thôi công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ dăm năm nay, nhưng cứ rảnh là lại rong ruổi khắp các cung đường với hành trình dài bất tận, lễ Thánh, lễ Mẫu.

Kể cũng lạ, từ lúc biết chị đến giờ, điều mà mọi người ngạc nhiên nhất là thời gian hình như để quên chị. Chị vẫn rất trẻ, từ vóc dáng, đường nét đến tính cách. Và, ở chị có điều gì rất thật, không mầu mè, cường điệu như một số diễn viên nổi tiếng khác mà ta thường thấy. Có lẽ, chính điều đó khiến cho chị trở nên quyến rũ hơn chăng?!

Chị tin vào số phận. Thi thoảng chị bảo tôi: “Hiền xem tử vi cho chị xem năm nay thế nào?”. Tôi mỉm cười nhìn chị nói: “Số chị có mà cả đời làm nghệ thuật thôi”. Giờ không còn dựng vở, tổ chức diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ nữa, nhưng từ ngày UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam - Tứ phủ là văn hóa phi vật thể của nhân loại, các hoạt động tín ngưỡng bảo tồn văn hóa phi vật thể của Hội đồng di sản Thăng Long, hay các tổ chức nghiên cứu di sản khác đều có chị tham dự với thành phần khách mời danh dự. Cả đời chị gắn bó với nghệ thuật biểu diễn...

Cách đây gần 30 năm, tôi biết chị trong một vở kịch của Nhà hát Tuổi trẻ, lúc đấy chị còn rất trẻ, vào vai một cô bé 20 tuổi có người yêu do Chí Trung đóng, Lê Khanh vào vai mẹ Chí Trung. Đó là vở “Bến bờ xa lắc” của đạo diễn NSƯT Xuân Huyền. Vở chỉ có năm nhân vật nhưng câu chuyện kịch rất ấn tượng. Tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1994 ở Ninh Bình, các đoàn nghệ thuật trên khắp đất nước về dự, vở diễn “Bến bờ xa lắc” của Nhà hát Tuổi trẻ đoạt giải Huy chương Vàng.

Thời gian trôi, đạo diễn Xuân Huyền đã già và yếu lắm, cái khí khái của ông đồ Nghệ cũng bị tuổi tác làm cho rệu rão bớt rồi. Chí Trung mấy năm nay làm giám đốc nhà hát Tuổi trẻ.

Cả hai nghệ sĩ Lan Hương và Lê Khanh được phong danh hiệu NSND từ khi còn trẻ (Lê Khanh từ cách đây 20 năm, còn Lan Hương cách đây 15 năm), giờ thì cả hai đều đã nghỉ hưu. Lúc đấy danh hiệu NSND ít người được phong lắm chứ không nhiều như bây giờ. Anh Tú sau này cũng được phong tặng NSND vào năm 2016, và chỉ hai năm sau khi được nhận danh hiệu cao quý thì anh mất.

Nghe tin NSND Anh Tú mất quá đột ngột, chỉ sau cái ngày chị vào thăm anh chưa đầy một tuần, (lúc đấy anh không nói được nữa nhưng vẫn nhận ra mọi người), cả ngày hôm đấy, chị tắt máy, nằm vật vã trên giường. Chị viết nhật kí: “Vậy là cậu đã ra đi, chỉ còn lại mình trên cuộc đời này. Sao cậu lại ra đi sớm thế? Đột ngột thế? Khi sự nghiệp còn đang dang dở... Buồn biết mấy, Tú ơi...”.

Chị còn lo âu, cái lo đầy tính “nghệ sĩ”: “Có khi nào chị giống Tú như thế, có lẽ nào chị cũng sẽ mất như Tú không?”. Tôi vội vàng bảo: “Sao lại thế được, mỗi người có một số mệnh khác nhau mà”.

Cả bốn người bạn ấy Chí Trung, Lê Khanh, Lan Hương, Anh Tú sàn sàn bằng tuổi nhau, vào chung một khóa Nhà hát từ khi 13 tuổi, cùng học tập và tập với nhau vô số vở diễn. Nhưng, chị hợp với NSND Anh Tú nhất, và cũng thường xuyên va chạm nhau nhiều nhất vì chị và NSND Anh Tú sinh hoạt tại đoàn kịch 1 của nhà hát.

Nhiều khi chị nghĩ, chẳng ai hiểu chị bằng Anh Tú, và cũng chẳng ai hiểu Anh Tú bằng chị. Chỉ cần một ánh mắt, một câu nói, một cử chỉ họ biết cần phải làm gì. Thân nhau lắm thì cắn nhau đau, hai người đấy cũng dỗi hờn rồi lại làm lành không biết bao nhiêu bận. Mỗi lần nhớ đến NSND Anh Tú, kỉ niệm lại kéo nhau ùa về. Khí trời đất Bắc càng làm nỗi nhớ trở nên da diết hơn...

So với những bạn cùng trang lứa ở Nhà hát, chị được biết đến sớm nhất. Mới 10 tuổi đã như sao giữa bầu trời sau khi đóng bộ phim “Em bé Hà Nội”. Bối cảnh bộ phim là năm 1972, quân đội Mỹ dội bom xuống Hà Nội. Ngọc Hà, một em bé 10 tuổi, phải tìm kiếm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.

Như nhân duyên, đạo diễn Hải Ninh sau hàng tháng trời chưa tìm được khuôn mặt thích hợp, ông đã nhớ lại cô bé con khoảng 3, 4 tuổi mình gặp mấy năm trước ở khu nhà tập thể điện ảnh phố Hoàng Hoa Thám, ông tìm đến và thuyết phục gia đình cho cô bé con có đôi mắt nai đen láy đi đóng phim. Bộ phim thành công hơn cả mong đợi, kể từ đó trở đi nhân vật “Em bé Hà Nội” đã nằm sâu trong tâm khảm của người Hà Nội và người ta gọi chị với cái tên thật trìu mến “Em bé Hà Nội”.

Đạo diễn Hải Ninh, diễn viên Thế Anh trong bộ phim đó giờ đã lần lượt về miền cực lạc… Thời gian trôi, sinh có hạn, tử bất kỳ, ai cũng không thoát khỏi sinh ly tử biệt đó. Sau khi nghỉ hưu ở Nhà hát Tuổi trẻ, chị đi dạy đạo diễn sân khấu cho lớp cao học ở trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.

NSND Lan Hương trong tiết mục hầu đồng.

NSND Lan Hương trong tiết mục hầu đồng.

Thời gian còn lại ở nhà chị có thú vui lau dọn điện thờ. Chị lập điện thờ từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước. Đạo diễn Tất Bình vốn chiều vợ, ông bằng lòng với tất cả những sở thích hay ước nguyện của vợ. Nhà đủ rộng, dành riêng hai tầng để làm ban thờ, tầng 4 thì thờ gia tiên tiền tổ, tầng 5 thờ công đồng Thánh Mẫu, thờ Phật, và cả Chúa.

Điện thờ của chị có đủ từ Tam tòa Thánh Mẫu, đến Hội đồng các Quan, các Mẫu, các Chầu, các Cô, các Cậu, không thiếu một Ngài nào. Chị thờ Phật, và cả Chúa, các Thánh ở một khoảng đất riêng, không ai xâm phạm ai.

Chị tâm sự: “Nhiều người thắc mắc lắm, sao lại thờ nhiều dòng thế?! Thật ra, mọi chuyện đều có lí do của nó. Cụ ngoại của Hương đi tu làm trụ trì một ngôi chùa ở Hải Dương, còn cụ nội thì lại làm cha bên Chúa. Bà ngoại là thầy đồng. Chị ở giữa thấy kính Phật, yêu Chúa, mê Thánh. Dù là Phật, Chúa, hay Mẫu, đạo nào cũng là hướng con người ta bỏ ác làm lành, dẫn dắt con người sống thiện, nhân văn tốt đẹp hơn”.

Hồi còn đi làm chị đam mê nghiệp diễn, đến khi làm đạo diễn Trưởng đoàn kịch hình thể chị cũng xả thân hết mình. Chị may mắn là có hậu thuận vững chắc ở hậu phương là chồng chị, đạo diễn Tất Bình rất yêu chiều vợ, nên chị cứ thỏa thuê tung hứng cho nghệ thuật. Có ai chiều vợ như đạo diễn Tất Bình?! Một lần, từ 6 giờ sáng tôi có mặt ở nhà chị để chuẩn bị cùng chị đi rong ruổi những cung đường mà đầu năm chị vẫn hay đi lễ. Một chuyến hành trình sẽ đi qua và dừng chân ở nhiều nơi đền phủ. Tôi thấy trong khu bếp, đã có hai nồi ủ, một nồi cơm, một nồi canh khoai chân giò thơm lừng.

Chị bảo anh Tất Bình dậy từ 4 giờ sáng nấu để cho vợ mang đi đấy. Ui cha! chiều vợ đến nước này thì chỉ có anh Bình. Nhưng mà, đàn ông gì mà nấu ăn ngon đáo để. Chị lái xe, thỉnh thoảng điện thoại lại thấy tin nhắn tít tít, chị quay sang bảo tôi: “Chồng hỏi, em đi đến đâu rồi?.”. Mấy chục năm vợ chồng giăng gió khít khao, dường như họ vẫn như đôi chim câu thủa mới đầu.

Có lần, tôi ngồi với đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, ông bảo: “Úi, Bình nó mê Hương lắm. Hồi anh dựng vở ở dưới Hải Phòng, tối rồi mà nó còn phóng xuống tận đấy chỉ để nhìn mặt vợ một cái rồi quay về ngay trong đêm để kịp sáng mai còn đi làm”. Gì chứ chuyện này thì tôi tin lắm.

Một lần cùng với chị đi lễ ngồi trên xe một người bạn đến 3 giờ sáng mới về tới Hà Nội. Nhà lại khác cung đường, xe trả mọi người ở cổng bệnh viện Thanh Nhàn, lúc xe vừa mới đỗ xuống đã thấy anh Bình ngồi đợi ở quán nước đêm, chạy ra đón. Mà trời lúc đó đang mùa đông, lạnh thấu da cắt thịt. Anh không biết chạy ôtô, nên gọi taxi đưa vợ về. Một người đàn ông đêm mùa đông, tỉnh dậy gọi xe từ nhà hơn chục km ra đón vợ, có phải ai cũng làm được đâu?!

Chị dù hạnh phúc, vẫn có một nỗi niềm day dứt. Chị chỉ có một cô con gái duy nhất với người chồng đầu tiên. Anh Bình cũng có hai cô con gái với người vợ đầu. Vợ chồng chị không có con chung. Mà họ cũng có cái trùng khó lí giải. Người chồng đầu của Hương cũng tên là Bình. Người vợ đầu của chồng chị bây giờ, anh Tất Bình cũng tên là Hương. Nhưng Hương - Bình này mới thật sự là dành cho nhau khi họ đã đi qua ít nhiều dông gió của cuộc đời.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nsnd-lan-huong-bay-qua-lan-nuoc-mat-586409/